Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Xuất xứ hàng hóa (C/O)

XUẤT XỨ HÀNG HOÁ

*           Quy định chung

*           Tài liệu tham khảo

*           Xuất xứ đối với hàng hoá xuất khẩu

*           Xuất xứ đối với hàng hoá nhập khẩu

       Quy định chung

       Xuất xứ của hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu được xác định trên cơ sở thực tế hàng hoá, giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá, tờ khai hải quan và các chứng từ thuộc bộ hồ sơ hải quan.

       Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu (Certificate of Origin, dưới đây gọi tắt là C/O) là chứng từ do cơ quan hay tổ chức có thẩm quyền cấp xác nhận xuất xứ của một lô hàng xuất khẩu hay nhập khẩu.

       Nước xuất xứ hàng hoá là nước mà tại đó hàng hoá được sản xuất hoặc gia công, chế biến phù hợp với quy định về xuất xứ.

       Nước thứ ba (nước lai xứ) là nước mà tại đó hàng hoá đi qua, tập kết, chuyển tải, chuyển khẩu, để chuyển đến nước nhập khẩu (kể cả hàng hoá làm thủ tục nhập khẩu vào nước này sau đó lại được tái xuất khẩu). Hàng hoá đi qua nước thứ ba không làm thay đổi xuất xứ nếu tại nước này chỉ thực hiện một số hoạt động giản đơn liên quan đến việc bảo quản hay đóng gói hàng hoá.

 

       Xuất xứ đối với hàng hoá xuất khẩu

      Cơ quan có thẩm quyền cấp C/O của Việt Nam

       Đối với C/O thông thường: Do cơ quan hoặc tổ chức được Chính phủ chỉ định cấp.

       Đối với C/O của hàng hoá được hưởng ưu đãi theo các Hiệp định hoặc thoả thuận giữa Việt Nam và các nước, nhóm nước hoặc tổ chức kinh tế quốc tế do Bộ Thương mại hoặc cơ quan được Chính phủ chỉ định cấp.

       Đối với C/O của hàng hóa sản xuất tại các Khu công nghiệp, Khu chế xuất do Ban quản lý Khu công nghiệp hoặc Khu chế xuất cấp theo uỷ quyền của cơ quan được Chính phủ chỉ định.

      Hàng hoá xuất khẩu cần có C/O trong các trường hợp sau

       Hàng hóa xuất khẩu có liên quan đến cam kết quy định trong các Điều ước quốc tế với các nước hoặc các tổ chức quốc tế mà Việt nam đã ký kết hoặc tham gia.

       Đối với hàng hóa khác, nếu trong hợp đồng thương mại có điều khoản quy định phải có C/O.

      Thời điểm xuất trình C/O

       Là thời điểm Cơ quan Hải quan tiếp nhận bộ hồ sơ hàng xuất khẩu để làm thủ tục đăng ký tờ khai hải quan.

       Nếu tại thời điểm này mà người xuất khẩu chưa có C/O thì có thể được nợ C/O trong thời hạn 60 ngày tính từ ngày đăng ký tờ khai. Cơ quan Hải quan làm thủ tục xuất khẩu trên cơ sở cam kết và chịu trách nhiệm trước pháp luật về xuất xứ hàng hoá của người xuất khẩu.

       Xuất xứ đối với hàng hoá nhập khẩu

      Hàng hoá nhập khẩu phải có C/O trong các trường hợp sau

       Hàng hoá có xuất xứ từ những nước được Việt Nam cho hưởng các ưu đãi về thuế nhập khẩu hay về các chế độ quản lý khác.

       Những loại hàng hoá thuộc diện Nhà nước hoặc các Tổ chức quốc tế thông báo đang ở trong thời điểm có nguy cơ gây nguy hại đến sức khoẻ của cộng đồng hoặc vệ sinh môi trường.

      Trường hợp không cần có C/O

       Hàng hoá nhập khẩu có xuất xứ từ những nước không nằm trong danh sách các nước được hưởng ưu đãi về thuế nhập khẩu của Việt Nam.

       Hàng hoá nhập khẩu mà người nhập khẩu không có yêu cầu được hưởng ưu đãi về thuế nhập khẩu của Việt Nam.

       Hàng nhập khẩu phi mậu dịch; hàng nhập khẩu tiểu ngạch; hàng nhập khẩu đã qua sử dụng; một số mặt hàng nông sản là hoa, quả tươi nhập khẩu từ các nước có biên giới đất liền chung với Việt Nam và những lô hàng nhập khẩu thương mại khác có tổng trị giá không vượt quá 60US$.

       Hàng hoá tại thời điểm làm thủ tục hải quan có thuế suất thuế nhập khẩu bằng không (0%) và được miễn thuế giá trị gia tăng.

       Hàng quá cảnh.

       Trường hợp căn cứ trên cơ sở thực tế hàng hóa, các chứng từ liên quan và Tờ khai hải quan không đủ cơ sở để xác định xuất xứ hàng hóa thì hàng hoá được coi như hàng hoá thông thường.

    Hàng hoá nhập khẩu có xuất xứ từ nước mà Việt Nam cho hưởng MFN (không bao gồm máy móc thiết bị và phương tiện vận chuyển) theo hợp đồng mua bán dài hạn từ 6 tháng trở lên thì người nhập khẩu chỉ phải xuất trình cho cơ quan Hải quan giấy chứng nhận xuất xứ của lần nhập đầu tiên. Các lô hàng tiếp theo cùng chủng loại thuộc hợp đồng đó không cần xuất trình C/O nhưng người nhập khẩu phải có cam kết và chịu trách nhiệm trước pháp luật về xuất xứ hàng hoá

      Thời điểm nộp C/O đối với hàng nhập khẩu

       Là thời điểm Cơ quan Hải quan tiếp nhận bộ hồ sơ hàng nhập khẩu để làm thủ tục đăng ký tờ khai hải quan.

       Tại thời điểm này nếu người nhập khẩu chưa có C/O thì phải có văn bản đề nghị chậm nộp, thời gian chậm nộp tối đa là 60 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan. Trong thời gian chờ đợi, cơ quan Hải quan làm thủ tục theo chế độ thông thường.

      Thể thức và mẫu của C/O

      C/O nộp cho cơ quan hải quan phải là bản chính và có các nội dung cơ bản như sau:

-  Tên, địa chỉ người xuất khẩu; nước xuất khẩu.

-  Tên, địa chỉ người nhập khẩu; nước nhập khẩu.

-  Chủng loại hàng hoá, số lượng, trọng lượng.

-  Xuất xứ của hàng hóa.

-  Tổ chức cấp C/O (tên, ngày, tháng, năm cấp, dấu).     

       Trường hợp C/O không làm bằng tiếng Anh hoặc tiếng Pháp thì phải kèm theo bản dịch có công chứng hoặc do giám đốc công ty ký đóng dấu và chịu trách nhiệm. Nếu trên C/O có sửa chữa, tẩy xoá thì cơ quan, tổ chức cấp C/O phải đóng dấu xác nhận việc sửa chữa, tẩy xóa này.

       C/O phải do các cơ quan có thẩm quyền cấp theo quy định của nước cấp C/O hoặc các tổ chức khác được Nhà nước quy định. Trường hợp C/O do nhà sản xuất cấp thì phải có xác nhận của cơ quan hoặc tổ chức có thẩm quyền của nước cấp có liên quan.

       Ngày cấp C/O có thể trước hoặc sau ngày xếp hàng lên phương tiện vận tải, nhưng phải phù hợp với thời gian quy định được phép nộp chậm C/O.

       Một bản C/O có thể được cấp và xác nhận xuất xứ cho nhiều mặt hàng thuộc một lô hàng nhập khẩu và chỉ có giá trị đối với lô hàng này.

       C/O cấp lại do mất mát, thất lạc thì trên bản C/O được cấp lại phải có dòng chữ " Sao y bản chính" bằng  tiếng Anh " Certified true copy".

       Trường hợp xuất trình C/O không đúng với thời gian quy định do các điều kiện bất khả kháng hoặc có lý do xác đáng, Cục trưởng Cục Hải quan các Tỉnh, Thành phố xem xét từng trường hợp cụ thể để giải quyết theo thẩm quyền.

       C/O đã nộp cho Cơ quan Hải quan thì không được thay thế hoặc sửa đổi nội dung. Việc xem xét xuất xứ hàng hóa được căn cứ trên bản C/O đã nộp này. Trừ những trường hợp nhầm lẫn có xác nhận của tổ chức cấp C/O thì Cơ quan Hải quan nơi làm thủ tục chấp nhận C/O nộp bổ sung.

      Yêu cầu C/O đối với hàng hoá nhập khẩu thông qua nước thứ ba

       Đối với hàng hoá được sản xuất tại một nước thuộc diện hưởng ưu đãi nhưng được nhập khẩu từ nước thứ ba cũng là nước được hưởng ưu đãi, thì C/O do nước thứ ba cấp được chấp nhận.

       Đối với hàng hoá có xuất xứ từ một nước thuộc diện hưởng ưu đãi nhưng được nhập khẩu từ nước thứ ba không được hưởng ưu đãi, đựoc chấp nhận C/O của nước thứ ba cấp kèm bản sao C/O của nước xuất xứ.

       Trường hợp hàng hoá được bán qua nhiều nước rồi mới đến nước nhập khẩu thì nước cuối cùng từ đó hàng hoá đi đến nước nhập khẩu được xem như là nước thứ ba.

       Việc mua bán thông qua nước thứ ba làm trung gian nhưng hàng hoá được vận chuyển thẳng (trực tiếp) từ nước sản xuất đến Việt nam không đi qua nước trung gian thì đựoc chấp nhận C/O của nước xuất xứ cấp với điều kiện phải phù hợp với các chứng từ như vận đơn, lược khai hàng hoá.

      Các trường hợp khác

       Trường hợp người nhập khẩu có C/O cho cả một lô hàng, trong đó chỉ nhập một phần của lô hàng thì được chấp thuận C/O cấp cho cả lô hàng đó đối với phần hàng hoá thực nhập.

       Trường hợp xuất xứ cộng gộp như các linh kiện, phụ tùng sản xuất tại  nhiều nước khác nhau được lắp ráp ở một nước thì được chấp nhận C/O cấp tại nước lắp ráp hoàn chỉnh sản phẩm đó. Việc công nhận nước lắp ráp là nước xuất xứ hàng hóa nếu hoạt động lắp ráp đó không thuộc các hoạt động giản đơn;

       Hàng tái nhập, hàng xuất khẩu bị trả về có xuất xứ từ Việt nam, Cơ quan Hải quan chỉ cần đối chiếu bộ chứng từ hàng thực xuất trước đó với hàng hoá thực nhập, nếu đúng tên hàng, ký mã hiệu, quy cách phẩm chất thì Hải quan chấp nhận làm thủ tục tái nhập khẩu theo quy định, không yêu cầu phải có C/O.

       Chủ hàng được xem xét giải quyết những vướng mắc về xuất xứ hàng hóa trong thời gian 1 năm, tính từ thời điểm đăng ký Tờ khai hải quan.

 

ĐỌC THÊM