Công ty năng lượng nhà nước của Venezuela, PDVSA, đã duy trì xuất khẩu dầu gần 1 triệu thùng mỗi ngày trong tháng 3 bất chấp lệnh trừng phạt của Mỹ và mất điện trên diện rộng làm tê liệt nhà ga xuất khẩu chính của nước này, theo tài liệu của PDVSA và dữ liệu của Refinitiv Eikon.
Thành viên OPEC này đã ổn định xuất khẩu trong tháng 3 sau khi các chuyến hàng giảm khoảng 40% trong tháng 2 so với các tháng trước đó, ngay sau khi Mỹ tuyên bố sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với doanh số bán dầu để bóp nghẹt nguồn doanh thu chính của Tổng thống Nicolas Maduro.
Mỹ và nhiều chính phủ phương Tây đã công nhận nhà lãnh đạo phe đối lập tại Venezuela, Juan Guaido, là nhà lãnh đạo của đất nước. Guaido vào tháng 1 đã viện dẫn hiến pháp để đảm nhận vị trí tổng thống lâm thời với lý do cuộc bầu cử lại hồi năm 2018 của Maduro là bất hợp pháp.
Theo các tài liệu của PDVSA và dữ liệu của Refinitiv Eikon, xuất khẩu tháng 3 là 980.355 thùng dầu thô và nhiên liệu mỗi ngày chỉ thấp hơn một chút so với các lô hàng của tháng 2 là 990.215 thùng/ngày.
Những hạn chế của Mỹ đối với hàng xuất khẩu của Venezuela sẽ thắt chặt hơn nữa vào tháng 5, khi thời gian ân hạn cho việc mua hàng hết hạn đối với các nhà nhập khẩu dầu Venezuela sử dụng các công ty con của Mỹ hoặc hệ thống tài chính của Mỹ để giao dịch.
"(Chúng tôi sẽ) tiếp tục hành động để đảm bảo nguồn năng lượng của Venezuela được bảo tồn cho chính phủ hợp pháp của tổng thống lâm thời Juan Guaido, cho người dân Venezuela, và tái thiết một quốc gia bị phá hủy thông qua quản lý sai lầm và tham nhũng", một quan chức chính quyền cấp cao của Mỹ nói hôm thứ Ba.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đang xem xét áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với các công ty từ các quốc gia khác làm ăn với Venezuela, cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng John Bolton nói hôm thứ Sáu tuần trước.
Hầu hết các chuyến hàng dầu trong tháng Hai và tháng Ba đã được dành cho khu vực châu Á. Cho đến khi có các lệnh trừng phạt, Mỹ đã là người mua dầu thô lớn nhất của Venezuela.
Samir Madani, nhà đồng sáng lập của TankerTrackers.com, một dịch vụ theo dõi vận chuyển và lưu trữ dầu cho biết: "Với một loạt thách thức mới nhắm vào PDVSA, chúng tôi đã rất ngạc nhiên khi thấy sự phục hồi trong xuất khẩu trong bối cảnh mất điện trên toàn quốc."
Xuất khẩu giảm xuống dưới 650.000 thùng/ngày trong thời gian mất điện, theo ước tính của TankerTrackers.
Hai lần mất điện diện rộng vào tháng Ba đã khiến cảng Jose, nhà ga bốc dỡ dầu thô lớn nhất của nước này, phải đóng cửa ít nhất sáu ngày, theo dữ liệu của Eikon.
Tuy nhiên, PDVSA đã có thể bù đắp sự chậm trễ do mất điện bằng cách tải các tàu lớn hơn đi đến châu Á. Dữ liệu vận chuyển cho thấy công ty có kế hoạch làm lại như vậy vào tháng Tư.
Các lô hàng được gửi đến Ấn Độ, Trung Quốc và Singapore - một trung tâm lưu trữ và tái xuất khẩu - chiếm 74% tổng kim ngạch xuất khẩu trong tháng Ba, so với gần 70% trong tháng Hai.
Xuất khẩu sang châu Âu chiếm 17% tổng số, so với 22% của tháng trước đó.
PDVSA cũng tiếp tục xuất khẩu dầu cho đồng minh Cuba của Maduro. Theo dữ liệu, ít nhất bảy lô hàng nhỏ đã được gửi từ các cảng của Venezuela vào tháng Ba, tổng cộng là 65.520 thùng dầu thô và nhiên liệu mỗi ngày.
Guaido tháng trước cho biết các chuyến hàng đến Cuba nên được tạm dừng. Nhưng PDVSA, được kiểm soát bởi một lãnh đạo quân sự trung thành với Maduro, đã tiếp tục xuất khẩu sang đảo quốc này.
Sản lượng dầu của Venezuela đã từng vượt 3 triệu thùng/ngày, nhưng trong suốt nhiều năm mà theo như mà các nhà phê bình chỉ trích là do cách quản lý sai lầm và tham nhũng đã khiến sản lượng đó suy giảm. Việc giảm doanh thu từ dầu mỏ đã khiến quốc gia thịnh vượng một thời này rơi vào suy thoái và tạo điều kiện cho siêu lạm phát. Hàng triệu người đã rời khỏi đất nước và nhiều người vẫn không thể mua được thực phẩm hoặc hàng hóa cơ bản.
Các lệnh trừng phạt đã khiến PDVSA gặp khó khăn trong việc nhận được thanh toán cho hàng xuất khẩu của mình, một nguồn tin dấu tên của PDVSA cho biết.
Ấn Độ một lần nữa là điểm đến xuất khẩu chính của Venezuela trong tháng Ba, với một phần ba tổng số hàng hóa được gửi đến các nhà máy lọc dầu do Reliance Industries và Nayara Energy vận hành.
Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ EIA, nhập khẩu dầu của nước này từ Venezuela đã giảm xuống 0% kể từ giữa tháng Ba do các lệnh trừng phạt.
Người nhận cá nhân lớn nhất của nguồn cung Venezuela trong tháng trước là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) và các công ty con với khoảng 234.000 thùng/ngày, tiếp theo là Rosneft của Nga, nhận được 214.000 thùng/ngày, theo dữ liệu. Các khách hàng mới bao gồm các công ty thương mại Sahara Energy và MS International cũng nhận được quyền truy cập vào dầu thô Venezuela.
Rosneft đã tăng tỷ lệ vận chuyển dầu của Venezuela kể từ khi có lệnh trừng phạt, chủ yếu là bán lại cho các nhà máy lọc dầu. Bộ trưởng dầu mỏ của Venezuela, ông Manuel Quevedo, hồi tháng trước đã tới Moscow để đàm phán việc bán dầu lớn hơn của Venezuela cho các công ty Nga.
Rosneft cũng đã tăng nguồn cung cấp nhiên liệu cho Venezuela, theo dữ liệu. Venezuela đã nhập khẩu 184.500 thùng/ngày nhiên liệu trong tháng trước, với phần lớn nhất do công ty Nga cung cấp, tiếp theo là các lô hàng được gửi bởi Reliance và Repsol của Tây Ban Nha (MC: REP).
Sau áp lực của Mỹ, Reliance chuyển sang bán nhiên liệu cho Venezuela từ Ấn Độ và châu Âu để tránh các lệnh trừng phạt. Repsol hồi tháng Ba đã đổi xăng và nhiên liệu khácđể lấy dầu thô Venezuela như một phần của thỏa thuận thu về cổ tức mà PDVSA đã nợ.
Nguồn: xangdau.net