Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Xuất khẩu dầu của Mỹ có thực sự là không thể ngăn lại?

 

Đầu năm nay, khi xuất khẩu dầu thô của Mỹ đạt kỷ lục 2,2 triệu thùng/ngày, con số này được coi là khởi đầu của một kỷ nguyên mới mà cuối cùng có thể nhìn thấy nước tiêu thụ hàng đầu thế giới- và cũng là nhà sản xuất hàng đầu tính cho tới thời điểm này trong năm nay- xuất khẩu sẽ lên 4 triệu thùng/ngày. Một số người tin rằng không có chuyện giá tăng đột biến có thể ảnh hưởng đến tương lai tươi sáng của dầu nhẹ Mỹ. Thật vậy, nếu nguyên tắc cơ bản là yếu tố duy nhất thì đúng là như thế. Nhưng than ôi, có nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến tương lai của Mỹ như một nước xuất khẩu dầu lớn.

Đầu tiên, đáng chú ý là tại sao xuất khẩu đang tăng lên. Không chỉ bởi vì sự bùng nổ đá phiến. Nó cũng không chỉ vì việc dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu từ thập niên 70. Một lý do quan trọng cho sự gia tăng trong xuất khẩu dầu thô của Mỹ là vì thực tế, như Rye Druzin của Houston Chronicle đã lưu ý trong một câu chuyện gần đây, rất nhiều nhà máy lọc dầu của Mỹ không được trang bị để xử lý dầu thô nhẹ. Họ cần các loại dầu nặng hơn, do đó nhu cầu hiện tại đối với dầu của Canada và Venezuela vẫn còn, đây là loại dầu nặng hơn so với dầu thô nhẹ được bơm từ Permian.

Các nhà máy lọc dầu có thể đầu tư vào những cơ sở mới mà có thể xử lý dầu thô nhẹ, nhưng đây là một công việc lớn. Tuy nhiên, Chevron đang làm điều đó, mặc dù, như Druzin chỉ ra, nó có lẽ là ngoại lệ. Phần lớn, việc xuất khẩu dầu thô mà họ không thể tiêu thụ tại các nhà máy lọc dầu là lựa chọn ưu tiên. Vì vậy, điều này có nghĩa xuất khẩu sẵn sàng tăng dù có bất cứ chuyện gì xảy ra đi nữa, đúng không? Sai, tất nhiên rồi. Không có chuyện "bất cứ điều gì xảy ra".

Dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy dầu của Mỹ vẫn chưa sẵn sàng để tiếp quản là Trung Quốc không nhập khẩu dầu Mỹ trong tháng Tám. Các nhà máy lọc dầu trong nước dường như quyết định thận trọng trong bối cảnh căng thẳng thương mại ngày càng sâu rộng giữa Washington và Bắc Kinh, và xem liệu họ có thể thay thế nếu không có dầu thô Mỹ. Họ đã thay thế được: tổng lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc trong tháng 8 tăng 6%, đạt mức cao nhất trong 3 tháng.

Lý do Trung Quốc quan trọng là vì tính đến tháng 7 năm 2018, đây là nước mua dầu thô lớn thứ hai của Mỹ sau Canada. Nó chiếm 23% tổng xuất khẩu dầu của Mỹ trong năm ngoái và 22% trong năm nay cho đến tháng Tám. Đó là hơn một phần năm tổng số xuất khẩu của Mỹ.

Chắc chắn, các nhà sản xuất Mỹ cũng đang xuất khẩu sang Nhật Bản và Ấn Độ, và Ấn Độ là nước nhập khẩu dầu thô hàng đầu. Nhưng Ấn Độ cũng đang gặp khó khăn với hóa đơn mua dầu của mình, và dầu của Mỹ sẽ khó có thể cạnh tranh được với dầu thô Trung Đông, vốn có vị trí địa lý gần hơn rất nhiều với Ấn Độ, và do đó giá cả rẻ hơn.

Hàn Quốc cũng là một khách hàng mua dầu của Mỹ, và có nền kinh tế mạnh hơn Ấn Độ và do đó có thể chi trả cho dầu thô Mỹ đắt tiền hơn trong một thời gian, nhất là sau khi cắt giảm nhập khẩu dầu của Iran xuống 0 vì tuân thủ theo yêu cầu của Washington. Nhật Bản là một đồng minh trung thành và là một nhà nhập khẩu dầu lớn, vì vậy cũng tốt cho các nhà xuất khẩu Mỹ.

Một số nước châu Âu, đáng chú ý là Hà Lan, Anh và Ý, và ở một mức độ thấp hơn là Pháp và Đan Mạch, cũng là những nước mua dầu thô của Mỹ, nhưng lượng dầu mà họ cần là quá thấp để thúc đẩy sự bùng nổ xuất khẩu thực sự. Thực vậy, Morgan Stanley đã cảnh báo về điều này vào đầu năm nay, trước khi mâu thuẫn thương mại Mỹ-Trung chuyển biến thành một cuộc xung đột gay gắt. Triển vọng tăng trưởng nhu cầu dầu ở châu Âu là “khiêm tốn nhất”.

Chưa kể, các quy định phát thải mới của Tổ chức Hàng hải Quốc tế sẽ thúc đẩy nhu cầu dầu nặng hơn và các nhà sản xuất đá phiến ở Mỹ có thể buộc phải giảm giá dầu thô để nâng cao khả năng cạnh tranh. Hoặc có thể một số trong số họ sẽ bắt đầu đầu tư vào cơ sở lọc dầu nhẹ trong nước. Xét cho cùng, Mỹ là nước tiêu thụ dầu lớn nhất trên toàn cầu.

Nguồn tin: xangdau.net

ĐỌC THÊM