NBC News cho biết, Iran đang xuất khẩu nhiều dầu thô hơn so với số liệu của Mỹ.
Theo dữ liệu này, Iran đang xuất khẩu tới 600.000 thùng/ngày, bằng cách chuyển từ tàu này sang tàu khác, tắt bộ phát tín hiệu để tránh bị phát hiện, nhằm tránh các lệnh trừng phạt của Mỹ. Con số này được so sánh với ước tính 227.000 thùng/ngày được đưa ra trong một báo cáo của Quốc hội Mỹ, Raf Sanchez của NBC viết trên Twitter.
TankerTrackers.com lần đầu tiên đưa tin vào năm 2018 về việc các tàu chở dầu của Iran đã tắt thiết bị phát tín hiệu để che giấu điểm đến trong hành trình của họ, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với xuất khẩu của quốc gia Trung Đông.
Ở thời điểm đó, hầu hết dữ liệu theo dõi tàu chở dầu được lấy chính xác từ các bộ thu phát tín hiệu và cảng vụ. Điều này khiến hầu hết các báo cáo về việc di chuyển của tàu chở dầu của Iran không đáng tin cậy.
Năm ngoái, một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng, bộ này đang theo dõi việc chuyển tàu và đang làm việc với các chính phủ khác để đảm bảo rằng họ cũng đang theo dõi những động thái như vậy vốn đã trở thành một trong những cách mà Iran vẫn có thể đưa dầu thô của họ ra thị trường nước ngoài.
Hầu hết dầu thô của Iran được cho là đã chuyển đến Trung Quốc theo cách này hay cách khác. Trước đó, nhà báo Simon Watkins đã nói với trang Oilprice rằng, Trung Quốc đã và đang tích trữ dầu thô giá rẻ của Iran. Trích dẫn một nguồn tin thân cận với Bộ Dầu mỏ Iran, Watkins cho biết Trung Quốc đã nhập khoảng 8,1 triệu thùng dầu của Iran từ ngày 1/6 đến 21/7. Các báo cáo chính thức từ Trung Quốc nói rằng, nước này đã không nhập khẩu bất kỳ lượng dầu thô nào của Iran trong tháng 6.
Tuy nhiên, không phải tất cả dầu của Iran đều đến Trung Quốc trực tiếp từ Iran, Samir Madani, đồng sáng lập của TankerTrackers.com nói với Oilprice. Nhà báo Watkins lưu ý rằng, phần lớn số dầu đến Trung Quốc thông qua Malaysia và một số đi qua Indonesia.
Để lách lệnh cấm vận, những tàu này trưng ra giấy tờ đăng ký của tàu chở dầu cho thấy xuất xứ và quyền sở hữu trông giống như dầu đến từ Malaysia hoặc Indonesia.
Nguồn tin: petrotimes.vn