Ngày 27/8/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 97/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí dầu mỏ hóa lỏng. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 10/10/2013.
Hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này bao gồm: (i) Hành vi vi phạm về hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí; (ii) Hành vi vi phạm quy định về an toàn, an ninh và môi trường trong lĩnh vực dầu khí; (iii) Hành vi vi phạm quy định về chế độ báo cáo, cung cấp thông tin và các quy định khác về quản lý nhà nước trong lĩnh vực dầu khí; (iv) Hành vi vi phạm quy định về điều kiện kinh doanh xăng dầu; (v) Hành vi vi phạm quy định về kinh doanh xăng dầu; (vi) Hành vi vi phạm quy định về điều kiện kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng (sau đây khí dầu mỏ hóa lỏng gọi tắt là LPG); (vii) Hành vi vi phạm quy định về sản xuất, xuất nhập khẩu, kinh doanh LPG; vi phạm quy định về chai LPG và LPG chai; (viii) Hành vi vi phạm quy định về nạp, cấp LPG; (ix) Hành vi vi phạm quy định về sản xuất, sửa chữa, kiểm định chai LPG.
Những người đang thi hành công vụ, những người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan: Ủy ban nhân dân các cấp, Quản lý thị trường, Công an nhân dân, Hải quan, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển và Thanh tra chuyên ngành có thẩm quyền kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
Người có thẩm quyền xử phạt của cơ quan Hải quan có thẩm quyền xử phạt hành chính và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính quy định tại Chương III và Chương IV Nghị định này liên quan đến xuất khẩu, nhập khẩu (XNK) hàng hóa trên địa bàn quản lý và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
Đối tượng áp dụng là cá nhân, tổ chức Việt Nam thực hiện hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này; cá nhân, tổ chức nước ngoài thực hiện hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này trên lãnh thổ Việt Nam; những người có thẩm quyền kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính, áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính, xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này; cá nhân, tổ chức khác có liên quan đến việc xử phạt vi phạm hành chính.
Mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm quy định tại Nghị định này là mức phạt đối với cá nhân, kể cả các trường hợp quy định chủ thể thực hiện hành vi vi phạm đó là tổ chức.
Trường hợp tổ chức thực hiện hành vi vi phạm quy định tại Nghị định này thì mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Nghị định số 97/2013/NĐ-CP thay thế các Nghị định số 145/2006/NĐ-CP ngày 30/11/2006, Nghị định số 104/2011/NĐ-CP ngày 15/11/2011 và Nghị định số 105/2011/NĐ-CP ngày 15/11/2011 của Chính phủ.
Nguồn tin: Tổng Cục Hải Quan