Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Xu hướng vận động thị trường dầu mỏ thế giới năm 2020 (Phần 1)

Trong bối cảnh thế giới đang dần khép lại một năm 2019 đầy biến động, tổng quan thị trường dầu mỏ và khí đốt một năm qua và dự báo xu hướng năm 2020 trở thành chủ đề mà giới đầu tư đặc biệt quan tâm. 


Khu vực khai thác ở mỏ dầu Novoprtovskoye thuộc tập đoàn khai thác dầu khí Gazprom, Nga. Ảnh: AFP/TTXVN

Như thường lệ, thị trường cần nắm bắt những cơ hội, đồng thời thận trọng với những “cơn gió ngược”, rủi ro, sự bất định và xu hướng có thể dự đoán. Tuy nhiên, có một số yếu tố chính mà ngành công nghiệp dầu mỏ và khí đốt cần chú ý vào năm 2020.

Trong thập kỷ qua, thế giới đã chứng kiến những giai đoạn lạc quan tột đỉnh trên thị trường “vàng đen” và dẫn tới xu hướng đầu tư dường như vô hạn khi giá dầu mỏ từng tiệm cận mốc 100 USD/thùng từ năm 2011 đến giữa năm 2014, và sau đó là giai đoạn suy giảm kéo dài từ giữa năm 2014 đến năm 2017.

Thị trường đã rút ra được những bài học đắt giá từ hai giai đoạn này, nhưng sự bất định rõ ràng vẫn là một thách thức quá lớn đối với các danh mục đầu tư dầu mỏ.

Liệu thế giới đã chuẩn bị sẵn sàng cho những điều bất định, rủi ro và cơ hội phía trước? Từ nguy cơ tăng trưởng kinh tế chậm lại, những cuộc chiến thương mại cho đến rủi ro địa chính trị toàn cầu. Trên thực tế, nhịp độ tăng trưởng kinh tế yếu hơn không chỉ diễn ra ở Mỹ mà còn ở châu Âu và Trung Quốc.

Trong khi đó, những căng thẳng thương mại gia tăng có thể tạo ra sự bất định, làm giảm tăng trưởng kinh tế và thay đổi chuỗi cung ứng trên toàn cầu. Ngoài ra, rất nhiều rủi ro địa chính trị, bao gồm cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020, kết quả của tiến trình Brexit, chỉ việc Anh rời Liên minh châu Âu, ở châu Âu và căng thẳng Trung Đông càng khiến việc dự đoán xu hướng vận động trở nên khó lường hơn.

Kể từ vụ sụp đổ giá dầu thô năm 2014, nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu toàn cầu hiện vẫn tăng trưởng chậm. Bên cạnh đó, những tranh chấp thương mại và nguy cơ tăng trưởng kinh tế suy giảm có thể ảnh hưởng đến nền tảng cơ bản của thị trường dầu mỏ năm 2020.

Đáng chú ý, nhu cầu tiêu thụ không chỉ là mối quan tâm duy nhất do dầu đá phiến của Mỹ tiếp tục là nguồn tăng trưởng sản lượng lớn nhất những năm qua khi đầu tư cho dầu mỏ suy giảm ở nhiều khu vực, trong khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) nỗ lực để cân bằng thị trường.

Một số phân tích gần đây dự báo tăng trưởng GDP của Mỹ sẽ chậm lại vào năm 2020, với 25% khả năng suy thoái và chỉ 10% cơ hội tăng trưởng tương đương với những năm gần đây. Trên bình diện toàn cầu, bức tranh không quá khác biệt khi có nhiều quốc gia cũng đang phải đối mặt với những rủi ro kinh tế. Cuộc chiến thương mại mở rộng không chỉ ở châu Á, mà lan sang cả châu Âu.

Nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm dầu mỏ thường có xu hướng gắn với nhịp độ phát triển của kinh tế toàn cầu. Một khi tăng trưởng kinh tế chậm lại, nhu cầu “vàng đen” cũng sẽ chịu tác động. Vì vậy, cân bằng giữa nguồn cung và nhu cầu toàn cầu trở thành “bài toán” cần phải giải quyết của những thế lực chính trên thị trường như OPEC.

Theo thỏa thuận cắt giảm sản lượng mới nhất của OPEC và đối tác (còn gọi là nhóm OPEC+), liên minh dầu mỏ này đã đồng ý cắt giảm sản lượng dầu mỏ thêm 500.000 thùng/ngày, trong khi Saudi Arabia cam kết cắt giảm tự nguyện thêm 400.000 thùng/ngày, nâng tổng sản lượng cắt giảm của liên minh này này từ 1,2 triệu thùng/ngày lên 2,1 triệu thùng/ngày.

Tuyên bố của OPEC+ khẳng định việc điều chỉnh sản lượng sẽ có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2020 và được thực hiện đầy đủ dựa trên nghĩa vụ của tất cả các quốc gia. Điều này cho thấy mục tiêu hàng đầu của OPEC+ là giảm nguồn cung và kéo giá “vàng đen” tăng lên thông qua việc thuyết phục các thành viên tuân thủ chặt chẽ nghĩa vụ cắt giảm của mình.

Một nguồn tin dẫn báo cáo dầu mỏ tháng 11/2019 của OPEC cho biết tổng sản lượng dầu thô của tổ chức này đã giảm khoảng 193.000 thùng/ngày so với tháng 10/2019 xuống tổng cộng 29,55 triệu thùng/ngày. Trong đó, sản lượng dầu của Saudi Arabia giảm nhiều nhất với mức 151.000 thùng/ngày.

Đối với các thị trường dầu mỏ, thỏa thuận mới chắc chắn sẽ là một đòn bẩy thúc đẩy tâm lý giới đầu tư trong ngắn hạn và giúp ngăn chặn nguy cơ lấp đầy các kho dự trữ mới trong giai đoạn quý I/2020. Tuy nhiên, điều gì sẽ xảy ra trong dài hạn?

Trên thực tế, triển vọng thị trường “vàng đen” vẫn chưa vượt qua được những thách thức lâu dài. Không nhiều người tin rằng các quốc gia như Iraq, Nigeria hay thậm chí là Nga sẽ tuân thủ thỏa thuận cắt giảm sản lượng một cách triệt để.

Các nhà phân tích năng lượng tại Redburn Ltd. cho biết, mức cắt giảm bổ sung được đề xuất trên thực tế không làm thay đổi nhiều cán cân năng lực sản xuất, vì rất nhiều thành viên OPEC vẫn thực hiện những cam kết của mình thấp hơn ngưỡng thực tế.

Do đó, giới phân tích thị trường năng lượng nhận định rằng sự bình ổn trên thị trường dầu mỏ có thể chỉ duy trì tạm thời, hay nói cách khác “triển vọng sáng” của thị trường dầu thô không thể khỏa lấp viễn cảnh u ám trong giai đoạn nửa sau năm 2020.

Nguồn tin: bnews.vn

ĐỌC THÊM