Bản thân Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn phải tự đưa ra bài toán cho chính mình, bài toán ấy phải được cơ quan quản lý và thị trường chấp nhận.
Trước đề xuất của lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hóa với Chính phủ, Bộ Công thương về việc nghiên cứu hạn chế nhập khẩu xăng dầu từ nước ngoài để ưu tiên sử dụng xăng dầu của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn sắp vận hành, ngày 4/7, trao đổi với Đất Việt, ông Lê Thanh Hà, Phó trưởng ban quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn cho biết, đề xuất này của Thanh Hóa là "cực chẳng đã".
Theo ông Hà, khi lập dự án, các nhà đầu tư đã phải tính toán đầu vào, đầu ra cùng các phương án cho sản phẩm của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn và trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Bây giờ, nhà máy tắc đầu ra lại đề xuất như vậy chẳng khác nào "đẩy cái khó sang cho mình".
"Đây mới chỉ là đề xuất của tỉnh, còn Chính phủ có đồng ý hay không lại là chuyện khác. Đầu tiên doanh nghiệp phải tự giải cứu mình, còn tỉnh chẳng qua với chính sách ưu đãi đầu tư, tạo điều kiện cho doanh nghiệp thì đề xuất như thế.
Tỉnh không thể cứu được nếu doanh nghiệp không tự mình hành động. Sản phẩm của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đảm bảo chất lượng, đáp ứng tất cả các tiêu chuẩn kỹ thuật, cạnh tranh được với hàng nhập khẩu về giá cả.
Về chất lượng dĩ nhiên phải đạt ISO thì mới ra thị trường được, còn giá thành sản phẩm xăng dầu của Lọc dầu Nghi Sơn vẫn đang vẫn cao và làm thế nào để giảm được giá thành cũng là vấn đề lớn.
Thời gian qua, sau khi so sánh phần nhập vào với đầu ra, có đề nghị Nhà nước bù lỗ phần thiếu nhưng cũng mới chỉ đưa ra như thế, còn chưa ai chấp nhận", ông Lê Thanh Hà cho biết.
Tự Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn phải giải quyết bài toán của mình. Ảnh: nsrp
Phó trưởng ban quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn nhấn mạnh, bản thân Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn phải đưa ra bài toán cho chính mình, bài toán ấy phải được cơ quan quản lý và thị trường chấp nhận, đặc biệt là thị trường.
"Nhà máy phải chủ động giải quyết, chính quyền có thể xem xét hỗ trợ nếu thấy phù hợp. Nếu chấp nhận cho Lọc dầu Nghi Sơn thì những doanh nghiệp khác cũng đòi bảo hộ, khi ấy xử lý thế nào?", ông Lê Thanh Hà đặt câu hỏi.
Cũng bình luận về đề xuất của Thanh Hóa, PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) nói thẳng đề xuất này mang tính cục bộ địa phương.
"Chúng ta vẫn kêu gọi: Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam nhưng ưu tiên ấy không phải cứ bắt người ta phải dùng. Phải thuận mua vừa bán, pháp luật cũng đã quy định rất rõ, không thể bắt buộc người ta mua nếu họ cảm thấy mua nguồn khác là tốt nhất, thuận lợi nhất.
Để khuyến khích khách hàng mua sản phẩm của mình thì tự doanh nghiệp phải vận động, không nên dùng cơ chế hành chính để ép buộc. Cạnh tranh là ở yếu tố chất lượng sản phẩm, cách tiếp thị và giá thành", PGS.TS Ngô Trí Long nói.
Trong khi đó, GS.TS Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, các hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam đã ký kết về nguyên tắc đều có quy định việc cạnh tranh bình đẳng và không có đặc quyền đặc lợi.
Tuy nhiên, trong hoạt động xuất nhập khẩu và chính sách điều tiết vẫn có thể có những điều chỉnh để đảm bảo lợi ích quốc gia mà không vi phạm quy định của WTO.
"Trong lúc Việt Nam phải nhập khẩu xăng dầu, hàng trong nước không bán được, hoặc phải gửi kho thì đề xuất của Thanh Hóa cũng cần cần nghiêm túc cân nhắc để xử lý.
Mục tiêu của Việt Nam là hướng tới sản xuất xăng dầu để đảm bảo nhu cầu trong nước đồng thời xuất khẩu. Lọc dầu Nghi Sơn hay Lọc dầu Dung Quất cũng thế, ngoài nhu cầu trong nước phải phấn đấu vươn lên đạt tiêu chuẩn quốc tế để xuất khẩu, không chỉ bó hẹp thị trường trong nước.
Vì thế, cần tính toán, cân nhắc để điều chỉnh phù hợp, không vi phạm quy định chung của WTO.
Nói như thế không có nghĩa doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu phải mua xăng dầu sản xuất trong nước trước rồi mới được nhập khẩu.
Nếu giá bán của nhà máy cao hơn giá nhập khẩu, việc ép doanh nghiệp trong nước phải mua xăng dầu trong nước, người tiêu dùng không được hưởng lợi gì cả do phải sử dụng xăng dầu với giá cao hơn.
Việc này cơ quan nhà nước, trực tiếp là Bộ Công thương phải quản lý, điều tiết cho phù hợp. Bản thân doanh nghiệp cũng phải tính toán sản xuất làm thế nào chất lượng, giá thành sản phẩm tốt, đảm bảo cạnh tranh được với hàng nhập. Phải hài hòa lợi ích của ngành, doanh nghiệp, người dân và Nhà nước", GS.TS Đặng Đình Đào phân tích.
Nguồn tin: Baodatviet.vn