Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Xây mới hơn 400 cây xăng

   Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến vừa ký ban hành Quyết định số 6505 phê duyệt dự án “Quy hoạch phát triển hệ thống cửa hàng xăng dầu trên địa bàn TPHCM đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Quyết định này sẽ thay thế Quyết định số 39 đã ban hành trước đó.

  Ưu tiên phát triển ở các quận, huyện vùng ven

Theo báo cáo của Sở Công thương TPHCM về kết quả thực hiện Quyết định 39/2007 của UBND TP phê duyệt quy hoạch hệ thống cửa hàng xăng dầu (hay còn gọi là cây xăng) trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2007-2010, định hướng đến năm 2020, tính đến cuối năm 2016, toàn TP có 638 cửa hàng xăng dầu; trong đó, có 532 cửa hàng đang hoạt động kinh doanh, 106 cửa hàng còn lại đã bị ngưng kinh doanh, di dời giải tỏa.

Các quận, huyện vùng ven được ưu tiên phát triển cây xăng mới. (Ảnh: Cây xăng ở xã Đa Phước, huyện Bình Chánh). Ảnh: THÀNH TRÍ

Theo Quyết định 6505, trong giai đoạn mới, số lượng các cây xăng sẽ được phân bổ cho từng quận, huyện, trong đó ưu tiên phát triển điểm bán mới cho các quận vùng ven và huyện ngoại thành TPHCM. Cụ thể, những quận, huyện được ưu tiên mở mới nhiều cây xăng (chỉ tính riêng trên mặt đất) là quận 2 (thêm 22 cây), quận 12 (26 cây), quận Bình Tân (17 cây), quận Gò Vấp (11 cây), huyện Bình Chánh (51 cây), huyện Củ Chi (53 cây), huyện Cần Giờ (21 cây), huyện Nhà Bè (20 cây) và huyện Hóc Môn (16 cây). Bên cạnh số lượng cây xăng phân bổ, còn có 35 cây xăng đang xây dựng và được cấp phép nhưng chưa xây dựng.

Mặt khác, để phát triển du lịch đường sông, vận tải thủy, TPHCM đưa vào quy hoạch để mở thêm 62 cây xăng trên mặt nước ở các quận, huyện như quận 1, 2, 5, 6, 7, 8, 9, Thủ Đức và các huyện Nhà Bè, Hóc Môn, Cần Giờ, Củ Chi, Bình Chánh.
Như vậy, tổng số cây xăng mở mới từ nay đến năm 2030 dự kiến là 407 cây. Nếu tính chung số cửa hàng hiện hữu và phát triển mới, đến năm 2030, TPHCM sẽ có tổng cộng 939 cửa hàng xăng dầu. Việc phát triển mạng lưới cửa hàng xăng dầu nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ ngày càng tăng khi dân số của TPHCM tăng lên. Theo dự báo của Sở Công thương, đến năm 2020, nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trên địa bàn TPHCM sẽ đạt 2,349 triệu m3, tăng lên mức 3,251 triệu m3 vào năm 2025 và đạt gần 4,3 triệu m3 vào năm 2030.

Giấy phép xây dựng chỉ có giá trị 1 năm

Theo lãnh đạo Phòng Quản lý thương mại Sở Công thương TPHCM, so với Quyết định 39 về phê duyệt quy hoạch các cửa hàng xăng dầu giai đoạn 2007-2010, định hướng 2020 thì Quyết định 6505 có khá nhiều điểm mới, trong đó nổi bật là việc quy hoạch theo hướng mở và bổ sung thêm các cửa hàng trên mặt nước. Nghĩa là, vị trí mở cây xăng không cố định trong quy hoạch như trước, mà có thể linh động tùy vào tình hình phát triển dân số, nhu cầu tiêu thụ, miễn là không vượt quá số lượng đã được quyết định. Địa điểm mở cây xăng do UBND các quận, huyện rà soát, điều chỉnh, đề xuất phù hợp với tình hình thực tế.

Cũng theo Quyết định 6505, từ năm 2017, việc quản lý các cây xăng dựa trên việc phân loại theo các tiêu chí mới phù hợp với điều kiện tồn tại và phát triển đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, sẽ giúp các cơ quan quản lý thực thi tốt hơn nhiệm vụ của mình. Còn với các chủ đầu tư cũng sẽ nắm được các điểm bán của mình đang nằm trong diện quy hoạch nào của thành phố.

Cụ thể, 939 cửa hàng sẽ được chia ra thành 4 loại A, B, C và D. Đối với cửa hàng loại A, được xác định có vi phạm lộ giới hoặc nằm trong diện phải giải tỏa, di dời khi lộ giới quy hoạch, dự án được triển khai thực hiện tại các quận, huyện. Các cửa hàng này được hoạt động cho đến khi thực hiện các dự án khác. Nếu đủ quỹ đất sẽ cải tạo lại, đảm bảo khoảng cách an toàn thì được chuyển sang loại B. Đối với cửa hàng loại B, gồm các cửa hàng xây dựng trước ngày 16-3-2007, đảm bảo các điều kiện an toàn theo Quyết định số 17/2012 và các cửa hàng xây dựng mới từ sau ngày 16-3-2007 đảm bảo quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia hiện hành về cửa hàng được tồn tại, bảo dưỡng định kỳ.

Cửa hàng loại C bao gồm các cửa hàng phát triển mới trên đất liền tại TPHCM từ nay đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Cửa hàng loại D gồm các cửa hàng trên mặt nước được xây dựng mới theo Quyết định 6505. Nếu tính theo phân loại, mạng lưới kinh doanh xăng dầu sẽ có 325 cửa hàng loại A (chiếm 34,6%); 207 cửa hàng loại B (22,1%); 345 cửa hàng loại C (36,8%) và 62 cửa hàng loại D (6,5%).

Đặc biệt, để tránh tình trạng “xí phần”, “quy hoạch treo”, việc chấp thuận cấp phép đầu tư cây xăng từ Sở Công thương TPHCM theo quy hoạch mới chỉ có giá trị pháp lý trong một năm. Quá thời hạn trên, nếu chủ đầu tư không triển khai thì quyền đầu tư được nhường cho doanh nghiệp khác.

    Quyết định 6505 cũng ưu tiên cho việc phát triển cây xăng ở những quận, huyện ngoại thành, quỹ đất còn tương đối rộng. Do vậy, cùng với việc đầu tư cây xăng mới, đáp ứng tốt nhất các điều kiện về tiêu chuẩn, quy chuẩn của ngành xăng dầu, thì còn gắn với phát triển hạ tầng thương mại liên quan như hệ thống chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cảng biển, trung tâm logistics, khu vực dừng đỗ xe…, góp phần xây dựng một TP thông minh để phục vụ người dân tốt hơn.
 

Nguồn tin: Sggp.org.vn

ĐỌC THÊM