Sau hơn 05 năm triển khai Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu (có hiệu lực từ tháng 11/2014), bên cạnh những kết quả đạt được đã phát sinh một số bất cập do sự thay đổi khách quan của các yếu tố kinh tế - xã hội. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Tài chính và các đơn vị liên quan triển khai xây dựng Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung và đã hoàn thiện Dự thảo, trình Chính phủ phê duyệt.
Các nội dung chính về cơ chế quản lý, điều hành giá xăng dầu được sửa đổi, bổ sung gồm: Về cơ chế phối hợp điều hành giá; Thời gian điều hành giá; Công thức tính giá cơ sở, cụ thể:
Về cơ chế phối hợp điều hành giá xăng dầu
Cơ chế phối hợp giữa 02 bộ theo hình thức ban hành thông tư liên tịch như hiện nay không còn phù hợp với quy định hiện hành của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Vì vậy, Dự thảo đã rà soát quy định lại việc phân công nhiệm vụ và cơ chế phối hợp giữa Bộ Công Thương và Bộ Tài chính để phù hợp với thực tế, cụ thể:
+ Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính điều hành giá bán xăng dầu, điều hành trích lập và chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá (BOG) xăng dầu. Mức trích lập và chi sử dụng Quỹ BOG tại thời điểm công bố giá cơ sở thực hiện sau khi thống nhất với Bộ Tài chính. Khi có ý kiến khác nhau, Bộ Công Thương quyết định và chịu trách nhiệm; trường hợp cần thiết, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Công Thương có trách nhiệm công bố trên trang thông tin điện tử của mình về các nội dung gồm: Giá xăng dầu thế giới, giá xăng dầu cơ sở, giá bán xăng dầu tối đa hiện hành; thời điểm sử dụng, số trích lập, số sử dụng Quỹ BOG tại các kỳ điều hành giá xăng dầu; các biện pháp khác.
Trường hợp các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở tăng trên mười phần trăm (> 10%) so với giá cơ sở liền kề trước đó, Bộ Công Thương có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định về biện pháp điều hành cụ thể.
+ Bộ Tài chính hướng dẫn phương pháp xác định các yếu tố cấu thành giá cơ sở; hướng dẫn việc quản lý, trích lập, chi sử dụng và quy mô Quỹ BOG xăng dầu; kiểm tra và giám sát việc thực hiện các quy định về Quỹ BOG xăng dầu”, Kiểm tra giám sát thương nhân đầu mối thực hiện các quy định tại Điều 37 Nghị định này; Phối hợp với Bộ Công Thương kiểm tra, giám sát các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối thực hiện quy định tại Điều 38 Nghị định này.
Bộ Tài chính có trách nhiệm công bố trên trang thông tin điện tử của mình về số dư Quỹ BOG xăng dầu hàng Quý; tổ chức kiểm tra giám sát việc thực hiện trích lập Quỹ BOG của thương nhân đầu mối.
+ Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức thực hiện việc kiểm soát về đo lường và xác nhận an toàn phòng cháy chữa cháy đối với loại hình thiết bị bán xăng dầu mini
Về thời gian điều hành giá xăng dầu
Theo quy định hiện hành là 15 ngày, được sửa đổi thành 10 ngày. Cụ thể, thời gian điều hành giá xăng dầu vào các ngày mùng 1, ngày 11 và ngày 21 hàng tháng. Đối với các kỳ điều hành trùng vào ngày nghỉ, ngày nghỉ lễ theo quy định của nhà nước, thời gian điều hành được lùi sang ngày làm việc tiếp theo sau ngày nghỉ, ngày nghỉ lễ. Đối với kỳ điều hành trùng vào dịp Tết nguyên đán, thời gian điều hành được lùi sang kỳ tiếp theo.
Trường hợp giá các mặt hàng xăng dầu có biến động bất thường, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, Bộ Công Thương có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định thời gian điều hành giá cho phù hợp.
Về công thức tính giá cơ sở mặt hàng xăng dầu
Do cơ cấu nguồn cung xăng dầu trong nước có sự thay đổi, hiện nguồn sản xuất trong nước là chính, do vậy, công thức tính giá cơ sở được sửa đổi theo hướng dựa trên các yếu tố chi phí hình thành từ hai nguồn trong nước và nhập khẩu, để kết cấu lại một mặt bằng giá chung theo tỷ trọng nguồn cụ thể từng thời kỳ, làm cơ sở điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu trong nước. Về công thức giá cơ sở như sau:
- Giá cơ sở xăng dầu được xác định bằng (=) Giá xăng dầu từ nguồn nhập khẩu nhân với (x) tỷ trọng (%) sản lượng xăng dầu từ nguồn nhập khẩu cộng (+) Giá xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước nhân với (x) tỷ trọng (%) sản lượng xăng dầu từ nguồn trong nước. Trong đó:
Các khoản chi phí về thuế để tính giá cơ sở xăng dầu theo quy định tại Nghị định này chỉ để áp dụng tính toán giá cơ sở xăng dầu.
Tỷ trọng (%) sản lượng xăng dầu từ nguồn trong nước và nhập khẩu để tính giá cơ sở, được xác định hàng quý; Tỷ trọng sản lượng của quý trước liền kề được áp dụng để tính giá cơ sở cho các kỳ điều hành giá cơ sở của quý tiếp theo.
Định kỳ hàng quý, trên cơ sở số liệu cung cấp về lượng xăng dầu nhập khẩu của Bộ Tài chính và báo cáo lượng bán xăng dầu trong nước của các thương nhân đầu mối sản xuất xăng dầu, cơ quan chủ trì điều hành giá xăng dầu tính toán, xác định tỷ trọng (%) sản lượng xăng dầu từ nguồn trong nước và nhập khẩu để tính giá cơ sở.
- Giá xăng dầu từ nguồn nhập khẩu được xác định bằng (=) Giá xăng dầu thế giới cộng (+) Chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam cộng (+) Chi phí kinh doanh định mức cộng (+) Mức trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu cộng (+) Lợi nhuận định mức cộng (+) Chi phí về thuế (thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt (nếu có), thuế bảo vệ môi trường (nếu có), thuế giá trị gia tăng), phí và các khoản trích nộp khác theo quy định của pháp luật hiện hành.
Trong đó:
+ Giá xăng dầu thế giới do Bộ Công Thương cập nhật, xác định theo nguyên tắc tính bình quân theo số ngày có giá giữa hai kỳ công bố giá cơ sở của giá xăng dầu thành phẩm được giao dịch thực tế trên thị trường Singapore của Hãng tin Platt’s công bố.
+ Chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam (gồm cộng (+) hoặc trừ (-) Premium là yếu tố điều chỉnh giá trong hợp đồng nhập khẩu xăng dầu, chi phí bảo hiểm, chi phí vận chuyển và các chi phí phát sinh khác nếu có); do Bộ Tài chính xác định theo phương pháp bình quân gia quyền theo sản lượng xăng dầu nhập khẩu và thông báo để Bộ Công Thương áp dụng trong công thức giá cơ sở. Bộ Tài chính rà soát, điều chỉnh mức chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam định kỳ 6 tháng (trừ trường hợp có biến động bất thường).
+ Chi phí về thuế nhập khẩu xăng dầu được xác định trên cơ sở mức thuế suất thuế nhập khẩu bình quân gia quyền theo sản lượng xăng dầu nhập khẩu nhân (x) với (Giá xăng dầu thế giới + Chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam) nhân (x) tỷ giá ngoại tệ. Trong đó, mức thuế suất thuế nhập khẩu bình quân gia quyền do Bộ Tài chính xác định theo quý và mức thuế suất thuế nhập khẩu bình quân gia quyền (%) của quý trước liền kề là căn cứ để tính giá cơ sở của quý sau. Tỷ giá ngoại tệ thực hiện theo quy định tại Khoản 9 Điều 1 Nghị định số 59/2018/NĐ-CP ngày 20/4/2018 và văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế.
Mức thuế suất thuế nhập khẩu bình quân gia quyền (%) do Bộ Tài chính xác định trên cơ sở sản lượng xăng dầu nhập khẩu (từ ngày 21 tháng trước liền kề tháng đầu tiên của quý đến ngày 20 tháng cuối quý) và thông báo để Bộ Công Thương áp dụng tính chi phí về thuế nhập khẩu trong công thức tính giá xăng dầu từ nguồn nhập khẩu.
Chi phí về thuế tiêu thụ đặc biệt (nếu có) được xác định trên cơ sở giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt nhân (x) với thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt. Trong đó, giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt được xác định trên cơ sở các yếu tố hình thành giá cơ sở do Bộ Tài chính hướng dẫn để Bộ Công Thương tính toán áp dụng trong công thức tính giá cơ sở. Thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt thực hiện theo quy định của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt hiện hành.
Các chi phí về thuế bảo vệ môi trường, thuế giá trị gia tăng, phí và các khoản trích nộp khác được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.
+ Chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức do Bộ Tài chính xác định và thông báo hàng năm để Bộ Công Thương áp dụng trong công thức tính giá cơ sở xăng dầu.
+ Mức trích lập Quỹ bình ổn giá thực hiện theo thông báo của Bộ Công Thương sau khi thống nhất với Bộ Tài chính tại thời điểm công bố giá cơ sở.
Giá xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước bao gồm các yếu tố và được xác định bằng (=) Giá xăng dầu thế giới cộng (+) hoặc trừ (-) Premium (nếu có) cộng (+) Chi phí đưa xăng dầu từ các nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng (nếu có) cộng (+) Chi phí kinh doanh định mức cộng (+) Mức trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu + Lợi nhuận định mức cộng (+) Các khoản chi phí về thuế, phí và các khoản trích nộp khác theo quy định của pháp luật hiện hành.
Trong đó:
+ Premium để tính giá xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước (nếu có) là yếu tố điều chỉnh giá trong hợp đồng mua bán xăng dầu giữa thương nhân đầu mối và thương nhân sản xuất xăng dầu; được xác định theo phương pháp bình quân gia quyền theo sản lượng. Premium đưa vào tính giá xăng từ nguồn trong nước tối đa không cao hơn giá thế giới bình quân trong công thức tính giá xăng từ nguồn trong nước nhân với (x) thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt thấp nhất đối với mặt hàng xăng theo cam kết quốc tế (trường hợp thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi thấp nhất đối với xăng lớn hơn 0%).
Premium và chi phí đưa xăng dầu từ các nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng (nếu có) do Bộ Tài chính rà soát, xem xét điều chỉnh định kỳ 6 tháng và thông báo để Bộ Công Thương áp dụng.
Các chi phí thuế, phí và các khoản trích nộp khác được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.
+ Các yếu tố hình thành giá gồm giá xăng dầu thế giới, chi phí về thuế tiêu thụ đặc biệt (nếu có), chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức, mức trích lập Quỹ Bình ổn giá thực hiện theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều này.
Giá cơ sở xăng sinh học được xác định bằng (=) {Tỷ lệ phần trăm thể tích xăng không chì (%) nhân (x) {(Giá xăng thế giới cộng (+) Chi phí đưa xăng không chì từ nước ngoài về cảng Việt Namcộng (+) Chi phí về thuế nhập khẩu xăng không chì) nhân (x) tỷ trọng sản lượng xăng nhập khẩu cộng (+) (Giá xăng thế giới cộng (+) premium cộng (+) chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước đến cảng (nếu có)) nhân (x) tỷ trọng sản lượng xăng không chì từ nguồn sản xuất trong nước)} cộng (+) Tỷ lệ phần trăm thể tích Etanol nhiên liệu (%) nhân (x) Giá Etanol nhiên liệu} cộng (+) Chi phí kinh doanh định mức cộng (+) Mức trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu cộng (+) Lợi nhuận định mức cộng (+) Các khoản chi phí về thuế, phí và các khoản trích nộp khác theo quy định của pháp luật hiện hành.
Về rà soát điều chỉnh các yếu tố hình thành giá cơ sở: Định kỳ hàng quý, thương nhân đầu mối sản xuất xăng dầu có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính sản lượng xăng dầu xuất bán chi tiết từng chủng loại từ ngày 21 tháng trước liền kề tháng đầu tiên của quý đến ngày 20 tháng cuối quý.Định kỳ vào ngày 21 hàng tháng, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có trách nhiệm gửi báo cáo giá Etanol mua trong nước, giá Etanol nhập khẩu, sản lượng Etanol mua trong nước và nhập khẩu tương ứng về Bộ Công Thương, Bộ Tài chính... Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu báo cáo.
Trên cơ sở báo cáo của các thương nhân đầu mối, Bộ Tài chính tổng hợp, rà soát, đánh giá và tiến hành khảo sát thực tế để xem xét, quyết định chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam, Premium đối với nguồn trong nước, chi phí đưa xăng dầu từ các nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng, chi phí kinh doanh định mức và thông báo để Bộ Công Thương áp dụng trong công thức giá cơ sở.
Tài liệu tham khảo:
1. Chính phủ, Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu;
2. Chính phủ, Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, chinhphu.vn;
3. https://www.moit.gov.vn/; https://mof.gov.vn.
Nguồn tin: Tài chính