Việc giá xăng tăng 500 đồng/lít ngày 18.2 - tương đương 2,8% được nhận định chưa đủ tác động để giá cước vận tải bị điều chỉnh ngay. Tuy nhiên, khi cộng dồn các yếu tố khác như phí BOT… một số DN vận tải vẫn phải đau đầu tính lại giá cước, giảm đầu xe.
Giá xăng mới tăng, các DN vận tải chưa tăng giá cước.
Chưa thể tính tác động nhưng DN vận tải đang “cực khó”
Ngày 19.2, trao đổi với báo Lao Động, ông Đỗ Quốc Bình - Chủ tịch Hiệp hội Taxi Việt Nam cho rằng giá xăng mới tăng lại vào dịp cuối tuần nên hiện hiệp hội chưa thể tính toán đánh giá mức ảnh hưởng cụ thể của lần điều chỉnh xăng dầu này tới giá cước. Dự kiến, trong tuần sau hiệp hội sẽ cùng các hãng taxi tính toán, đánh giá xu hướng xăng dầu trong thời gian tới.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Việt Nam khẳng định các DN vận tải đang “cực kỳ khó khăn vì đầu năm khách đi ít, giá xăng tăng lên”. Do đó, nhiều DN hiện đang phải tính toán lại việc có giảm bớt đầu xe để giảm chi phí hoạt động rồi sau đó mới tính tiếp đến việc điều chỉnh giá cước.
Ông Thanh cho biết, việc điều chỉnh cước vận tải dù là taxi hay vận tải tuyến cố định đều rất phức tạp vì phải tiến hành tính toán, kê khai giá và sau khi được cơ quan chức năng chấp thuận thì còn tốn hàng trăm triệu đồng để in vé, cài đặt lại đồng hồ… Liên quan tới lần điều chỉnh giá xăng ngày 18.2, ông Thanh nhận định mức 500 đồng/lít (tương đương 2,8%) là chưa tới ngưỡng phải điều chỉnh giá cước nhưng lại đẩy các DN vận tải vốn khó càng thêm khó nhất là khi từ đầu năm 2017, có thêm không ít trạm BOT mới thu phí hoặc tăng phí.
Chia sẻ với phóng viên, ông M.Thu, chủ một DN vận tải chạy tuyến cố định Hà Nội - Thái Bình than thở chưa năm nào lượng khách trong và sau tết ít như năm nay. “Xăng dầu tăng giá, dù không nhiều nhưng cũng khiến chúng tôi chết dở vì khách ít, chi phí nhiều”.
Tăng ngấp nghé ngưỡng, DN xăng dầu có lách luật?
Một chuyên gia kinh tế nhận xét trong thời gian qua các DN xăng dầu cũng như cơ quan chức năng đã rất “khéo léo” khi điều chỉnh giá với mức tăng gây ảnh hưởng nhưng không quá mạnh.
Trao đổi với báo Lao Động, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, chưa thể nhận định, DN xăng dầu lách luật mà phải xem lại biến động về giá trên thế giới và trên cơ sở đó phân tích chính xác xem việc tăng giá như thế đã hợp lý chưa.
Còn theo chuyên gia Ngô Trí Long, “không có lách luật gì đâu” vì giá xăng dầu hiện được điều chỉnh căn cứ vào giá cơ sở. Nếu trong chu kỳ 15 ngày, giá cơ sở 15 ngày cao hơn giá bán lẻ thì một là xả quỹ bình ổn xăng dầu, hai là không xả quỹ và tăng giá.
Tuy nhiên, “tính giá cơ sở có đúng hay không mới là vấn đề của cơ quan quản lý” chuyên gia này lưu ý. Theo ông Long, giá cơ sở xăng dầu hiện nay được tính dựa trên các yếu tố gồm thuế nhập khẩu, thuế VAT, thuế TTĐB, chi phí định mức kinh doanh, giá CIF, quỹ bình ổn… Về nguyên tắc, cơ quan chức năng là Bộ Công thương phải tính toán giá cơ sở xăng dầu nhưng không dễ để tính toán cho chuẩn nếu không nắm sát tình hình và yếu tố quyết định quan trọng tới giá cơ sở chính là giá CIF và để chuẩn xác cơ quan chức năng cần thu thập thông tin để xác định giá CIF thay vì chỉ dựa vào các thông tin từ các DN xăng dầu và giấy thông báo giá từ Singapore bởi giá đó chưa chắc đã chính xác.
Nguồn tin: Laodong