Đến thời điểm này thực tế thị trường cho thấy cả người tiêu dùng và bán lẻ đều không 'mặn' với xăng sinh học E5.
Không nhiều người tiêu dùng chọn xăng E5 cho phương tiện của mình
Theo chỉ đạo của Chính phủ, từ 1.1.2018, xăng RON 92 sẽ bị “khai tử” và được thay thế hoàn toàn bằng xăng sinh học E5. Thế nhưng, đến thời điểm này thực tế thị trường cho thấy cả người tiêu dùng và bán lẻ đều không “mặn” với mặt hàng này.
Trước khi bắt buộc triển khai đồng loạt trên toàn quốc, từ tháng 12.2014, xăng sinh học E5 (được phối trộn từ 5% cồn sinh học ethanol và 95% xăng thông thường RON 92) đã được bán tại 7 địa phương: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, TP.HCM, Bà Rịa-Vũng Tàu và Cần Thơ. Trong hội thảo về xăng E5 do Bộ Công thương tổ chức hôm qua (17.10) tại Hà Nội, nhiều vấn đề đã được nêu ra, cho thấy còn không ít nỗi lo từ cả cơ quan quản lý, doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng trước giờ “G”.
Ông lớn" sẵn sàng
Báo cáo tại hội thảo, Hiệp hội Nhiên liệu sinh học dẫn tính toán của Bộ Công thương cho hay, để thực hiện chủ trương này, trong năm 2018, cả nước sẽ cần khoảng 5,5 triệu m3 xăng E5, tương đương cần 275.000 m3 E100 để phối trộn. Với công suất thiết kế từ 6 nhà máy nhiên liệu sinh học hiện tại (gồm Nhà máy cồn Đồng Nai, Nhà máy cồn Quảng Nam, Nhà máy cồn Dung Quất, Nhà máy cồn Bình Phước, Nhà máy cồn Kon Tum và Nhà máy cồn Đại Việt) có thể cung cấp 520.800 m3/năm. Trong đó, nếu lấy thời điểm 1.1.2018 làm mốc thì chắc chắn có 4 nhà máy cồn có thể cung cấp được E100 (gồm Đồng Nai, Quảng Nam, Dung Quất và Bình Phước) với tổng công suất thực là 384.000 m3/năm. Như vậy, nhu cầu E100 để phối trộn là hoàn toàn đảm bảo được.
Để chuẩn bị cho việc thay thế xăng RON 92, những “ông lớn” như Tập đoàn xăng dầu VN (Petrolimex) hay Tổng công ty dầu VN (PVOil, thuộc Tập đoàn dầu khí VN) cũng đã có những bước đi cụ thể. Ông Trần Ngọc Năm, Phó tổng giám đốc Petrolimex, cho hay doanh nghiệp (DN) đặt mục tiêu triển khai xăng E5 đồng loạt trên toàn hệ thống phân phối của mình kể từ ngày 1.12.2017. "Đối với các đơn vị đã có sẵn trạm phối trộn như Công ty xăng dầu KV1, KV2, KV3, KV5 và Tây Nam bộ, chúng tôi sẽ triển khai ngay việc chuyển sang kinh doanh xăng E5 thay thế toàn bộ xăng RON 92 xong trong tháng 11.2017 và khuyến khích các đơn vị khác chuyển đổi sớm hơn theo lộ trình", ông Năm nói. Cùng với hệ thống 5 trạm phối trộn đã triển khai, Petrolimex cho hay sẽ có thêm 3 điểm phối trộn đầu mối khác là Tổng kho xăng dầu Nhà Bè, kho xăng dầu ngoại quan Vân Phong và kho xăng dầu K130 Quảng Ninh.
Trong báo cáo gửi tới hội thảo, Sở Công thương TP.HCM cho biết tổng sản lượng tiêu thụ xăng dầu trên địa bàn TP bình quân ước đạt 130.100 m3/tháng. Hiện TP có 33 DN đầu mối, tổng đại lý phân phối xăng dầu, trong đó 3 đơn vị chủ lực phối chế và cung ứng xăng sinh học E5 là PVOil, Công ty TNHH MTV dầu khí TP và Công ty xăng dầu KV2 với tổng sản lượng có thể cấp ra lên tới gần 170.000 m3/tháng. Báo cáo cũng cho hay, tính đến hết tháng 8 vừa qua, TP có 240/533 cửa hàng xăng dầu tham gia phân phối xăng sinh học E5 (tỷ lệ 45%), với sản lượng tiêu thụ bình quân đạt 8.053 m3/tháng, chiếm 6,2% tổng sản lượng tiêu thụ xăng dầu trên địa bàn.
Nguy cơ người dùng chuyển sang xăng RON 95
Tuy nhiên, theo Sở Công thương TP.HCM, lượng tiêu thụ đang có chiều hướng giảm dần và nếu so với thời điểm tháng 10.2016 thì đã giảm 3,3%, do người tiêu dùng không có thói quen chuyển qua tiêu dùng xăng E5. "Sản lượng tiêu thụ của các cửa hàng kinh doanh xăng E5 chậm, tồn kho nhiều ngày, tỷ lệ hao hụt rất cao, ảnh hưởng đến lợi nhuận của DN. Đã có một số đơn vị đề nghị tạm ngừng kinh doanh xăng E5 do sản lượng bán ra thấp, mức chiết khấu không cao, không bù đắp được chi phí của cửa hàng", báo cáo của Sở Công thương TP.HCM viết.
Sở Công thương TP.HCM cũng cho rằng hiện giá thành xăng sinh học E5 còn cao. Mặt khác, gần 1 năm qua, giá xăng dầu trên thế giới đang ổn định và có xu hướng giảm, nhiều DN kinh doanh xăng dầu đẩy mạnh nhập khẩu dự trữ, xuất kho tiêu thụ xăng RON 92, RON 95 hiệu quả hơn so với việc tiêu thụ xăng E5.
Ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu VN, nhận xét dù đang được bán song song với xăng khoáng, tuy nhiên người tiêu dùng vẫn chưa thật sự mặn mà với xăng E5 khi tỷ lệ tiêu thụ trên thị trường mới chỉ chiếm 9% thị phần. “Việc thay đổi tập quán và nhận thức của người tiêu dùng đối với xăng E5 vẫn là một vấn đề nan giải”, ông Ruệ nhìn nhận và cho rằng việc “khai tử” hoàn toàn xăng RON 92 để thay bằng xăng E5 từ 1.1.2018 sẽ buộc người tiêu dùng phần nào chấp nhận chuyển sang dùng loại nhiên liệu này. "Tuy nhiên, sẽ không tránh khỏi việc một bộ phận người dùng chuyển hẳn sang dùng xăng RON 95, nhất là người đi ô tô", ông Ruệ nói.
Cần giảm giá bán
Vì sao xăng E5 không hấp dẫn người dùng? Hầu hết các ý kiến đều cho rằng nguyên nhân quan trọng nhất là giá xăng E5 kém cạnh tranh. Trong khi đó, lợi nhuận mang lại từ kinh doanh E5 cũng không lớn hơn xăng khoáng nên DN chần chừ không đẩy mạnh tiêu thụ. Sở Công thương TP.HCM dẫn chứng, chênh lệch giá bán giữa xăng sinh học E5
chỉ thấp hơn RON 92 là 230 đồng/lít. Còn tỷ lệ chiết khấu mà DN được hưởng với xăng E5 từ 1.000 - 1.600 đồng/lít, cũng thấp hơn xăng khoáng 280 đồng/lít. "Điều này không thật sự hấp dẫn để DN kinh doanh xăng dầu tự giác chuyển đổi cũng như chưa khuyến khích sử dụng với người tiêu dùng", báo cáo của Sở Công thương TP.HCM nhận định.
Từ đó, Sở Công thương TP.HCM kiến nghị, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ ngành nghiên cứu chính sách, cơ chế hỗ trợ, chính sách giảm thuế, miễn thuế tiêu thụ đặc biệt (hiện nay DN phải đóng 10% đối với xăng khoáng và 8% đối với xăng E5)... để giảm giá bán xăng E5 xuống thấp hơn giá bán xăng khoáng A92 khoảng 1.000 - 2.000 đồng/lít; hỗ trợ một phần chi phí pha chế, sản xuất, lưu thông, bảo quản xăng E5 nhằm giảm áp lực, khó khăn của các DN. Cùng với đó, cần khuyến khích, vận động các DN đầu mối, tổng đại lý có chính sách hỗ trợ các đại lý, cửa hàng đăng ký phân phối xăng E5, tăng tỷ lệ chiết khấu hoa hồng từ 1.500 - 2.000 đồng/lít. "Về chính sách hoa hồng, các đại lý bán lẻ xăng dầu khi tiếp nhận và phân phối xăng E5 - Ron 92 nên được hưởng mức hoa hồng cao hơn 200 đồng/lít so với mức hoa hồng khi kinh doanh mặt hàng xăng truyền thống", ông Trần Phước Hiền, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Quảng Ngãi, kiến nghị cụ thể hơn.
Nguồn tin: thanhnien.vn