Giá xăng dầu thế giới liên tiếp tăng mạnh, kéo theo giá xăng dầu trong nước có thể chịu áp lực tăng rất lớn vào phiên ngày 11/2.
Thông tin trên được Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) dự báo về tình hình giá cả thị trường sau Tết Nguyên đán.
Theo Cục Quản lý giá, hiện nay, giá các mặt hàng xăng dầu và khí hóa lỏng (LPG) đang ở mức cao do chịu tác động từ thị trường thế giới.
Từ đó, gây sức ép lớn đến mặt bằng giá nói chung và giá các mặt hàng sử dụng xăng dầu là đầu vào cho sản xuất, khi vào phiên điều chỉnh giá ngày 11/2 sẽ có nhiều áp lực tăng giá mạnh.
Dự báo giá xăng dầu sẽ tăng mạnh vào phiên điều hành ngày 11/2/2022
Mặt khác, theo nhiều chuyên gia, việc nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn (nhà máy lọc dầu lớn nhất Việt Nam) đứng trước nguy cơ phải tạm dừng hoạt động do khó khăn về tài chính sẽ tác động rất lớn đến nguồn cung xăng dầu trong nước và giá cả.
"Nếu nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn phải tạm dừng hoạt động, nguồn cung xăng dầu cho các doanh nghiệp, thương nhân ở toàn miền Bắc sẽ rất khó khăn, nhất là ở khu vực Bắc Trung Bộ", một chuyên gia xăng dầu cho biết.
Hiện, với dự báo thị trường xăng dầu Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức 5-10%/năm, diễn biến của nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn sẽ khiến cho việc nhập khẩu phải tăng lên, dẫn đến giá cơ sở xăng dầu cũng tăng theo.
Thực tế, giá dầu thế giới đã tăng mạnh thời gian vừa qua. Đơn cử, vào đầu tháng 2, có thời điểm, giá dầu Brent đã lên đến mốc 93,7 USD/thùng, còn giá dầu WTI vọt lên ngưỡng 93,17 USD. Đây là mức giá cao nhất của giá dầu Brent và giá dầu WTI kể từ tháng 10/2014.
Giá dầu thế giới cũng đã ghi nhận 7 tuần tăng liên tiếp, chuỗi tăng dài nhất kể từ tháng 10 năm ngoái. Diễn biến này khiến xăng, dầu trong nước vào đợt tăng giá mạnh...
Nhận định chung về giá cả thị trường, Cục Quản lý giá cho rằng, do nền kinh tế nước ta phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu, nên sẽ phải đối mặt với nguy cơ nhập khẩu lạm phát trước xu hướng tăng giá các mặt hàng nguyên vật liệu, các mặt hàng chiến lược trên thị trường thế giới, rủi ro về tỷ giá khi các quốc gia đối tác thương mại chính quay trở lại chính sách tiền tệ thắt chặt.
Các chính sách hỗ trợ, kích thích kinh tế sẽ có tác động nhất định lên mặt bằng giá cả. Song, chuỗi cung ứng đứt gãy trong đại dịch cùng với lao động thiếu hụt cũng đẩy áp lực lên chi phí sản xuất...
Nguồn tin: Giao thông