Theo lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối ở TP.HCM, dự kiến tại kỳ điều hành ngày 1/3, giá xăng trong nước tiếp tục tăng theo xu hướng giá thế giới, khoảng 200-300 đồng/lít.
Ghi nhận đầu giờ sáng nay 28/2 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô WTI của Mỹ được giao dịch ở mức 97,62 USD/thùng, tăng 6.03 USD, tương đương 6,58%.
Cùng thời điểm, giá dầu thô Brent được giao dịch ở mức 104,05 USD/thùng, tăng 6,25%, tương đương 6,12 USD.
Trong phiên giao dịch cuối tuần trước, cả hai mặt hàng dầu Brent và WTI đã “đỏ sàn”, có thời điểm “rớt giá” về mức trước khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm vào Ukraine.
Những diễn biến xoay quanh cuộc chiến Nga-Ukraine vào cuối tuần đã đẩy giá dầu nhanh chóng “tăng tốc” trở lại.
Giá dầu thô tăng mạnh trở lại khi Tổng thống Nga Vladimir Putin đặt lệnh răn đe hạt nhân của nước này trong tình trạng báo động cao khi đối mặt với các quốc gia phương Tây và Nhật Bản tăng cường trừng phạt đối với các ngân hàng Nga.
Cảnh báo hạt nhân và ràng buộc thanh toán qua ngân hàng làm dấy lên lo ngại rằng nguồn cung dầu từ nhà sản xuất lớn thứ hai thế giới có thể bị gián đoạn.
Cũng trong ngày 27/2, nhiều vụ nổ đã được ghi nhận tại các kho nhiên liệu và đường ống dẫn khí đốt của Ukraine, trong đó có đám cháy bùng phát dữ dội tại kho chứa nhiên liệu Vasilkovskaya ở thành phố Vasilkov, phía tây nam thủ đô Kiev. Vasilkov là nơi có căn cứ của Không quân Ukraine. Đường ống dẫn khí đốt ở Kharkiv, thành phố lớn thứ hai của Ukraine, cũng đã phát nổ.
Cuối tuần trước, Ấn Độ cũng đã cam kết ủng hộ lời kêu gọi giải phóng dầu từ kho dự trữ dầu chiến lược của Tổng thống Mỹ Joe Biden trong một nỗ lực nhằm “hạ nhiệt” giá dầu. Tuy nhiên, nước này không cho biết cụ thể sẽ giải phóng bao nhiêu và khi nào giải phóng dầu.
Giữa tuần trước, giá dầu thô đã tăng vọt trong một thị trường dầu vốn đã biến động. Cả Brent và WTI đã tăng hơn 8%. Brent lập đỉnh 105,79 USD/thùng trong khi WTI cũng xác lập kỷ lục 100,54 USD/thùng kể từ mùa thu 2014 trong ngày 24/2 khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt.
Giá dầu đã tăng “sốc” bởi lo ngại các lệnh cấm vận của phương Tây áp dụng đối với Nga sẽ làm “gián đoạn” nguồn cung dầu vốn đang bị thắt chặt. Tuy nhiên, giá dầu đã nhanh chóng trượt dốc sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố các lệnh trừng phạt mới mà không bao gồm bất kỳ lệnh trừng phạt nào liên quan đến năng lượng – bánh mì và bơ của Nga; đồng thời kêu gọi các nước tiêu thụ dầu lớn trên thế giới cùng chung tay giải phóng dầu từ kho dự trữ dầu thô chiến lược của mình.
Giá xăng dầu trong nước
Ngày mai (1/3), Liên Bộ Tài chính- Công Thương sẽ điều chỉnh giá xăng dầu theo chu kỳ. Dự kiến tiếp tục tăng vì chiến tranh tại Ukraine leo thang. Nếu cơ quan quản lý không tác động đến quỹ bình ổn và thuế phí, giá xăng có thể tăng 200-300 đồng/lít.
Trao đổi với báo chí, lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối ở TP.HCM cho biết tuần qua là tuần biến động mạnh của giá dầu thô khi tăng lên cao nhất trong hơn 7 năm, vượt mốc 100 USD/thùng sau khi Nga tấn công Ukraine. Kỳ điều hành ngày 1/3, giá xăng trong nước sẽ tăng khoảng 200-300 đồng/lít, dầu 150-250 đồng/lít.
Ở chiều ngược lại, nếu cơ quan quản lý giảm trích lập hoặc tăng chi quỹ bình ổn giá xăng dầu, giá xăng có thể đi ngang hoặc chỉ tăng nhẹ. Nếu đúng như dự báo, giá các mặt hàng xăng trong nước sẽ có lần tăng thứ 6 liên tiếp và là đợt tăng thứ 5 trong năm 2022.
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 28/2 được niêm yết như sau: Xăng E5 RON 92 không quá 25.532 đồng/lít; xăng RON 95 không quá 26.287 đồng/lít; dầu diesel không quá 20.801 đồng/lít; dầu hỏa không quá 19.509 đồng/lít và dầu mazut không quá 17.932 đồng/kg.
Bảng giá xăng dầu trong nước ngày 28/2.
Nguồn tin: Kinh tế môi trường