Nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại, giá xăng dầu liên tục tăng cao sẽ ảnh hưởng đến tốc độ phục hồi kinh tế, cũng như làm giảm hiệu quả các chính sách phục hồi kinh tế của Chính phủ.
Tại kỳ điều chỉnh xăng dầu mới đây, liên Bộ Tài chính - Công thương đã tăng giá mỗi lít xăng thêm 960-980 đồng, còn giá dầu tăng thêm 660-960 đồng, một mức tăng khá cao. Với mức tăng này, giá bán lẻ xăng dầu trong nước đã vượt 25.000 đồng/lít với RON 95 và đánh dấu mức cao nhất từ tháng 8/2014.
Trước đó, đã xuất hiện một số cửa hàng xăng dầu “găm hàng” với lý do “thiếu hàng để bán” nhằm chờ giá lên. Những điều này đang làm dấy lên nỗi lo ngại về tốc độ phục hồi nền kinh tế?
Trao đổi với TTXVN về vấn đề này, TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu từ bên ngoài, với tỷ lệ chi phí nguyên vật liệu nhập khẩu trong tổng chi phí nguyên vật liệu của toàn nền kinh tế là 37%. Khi giá xăng dầu thế giới tăng sẽ làm tăng giá nguyên vật liệu nhập khẩu và nguyên vật liệu trong nước.
Trong hoạt động sản xuất hàng hoá và dịch vụ, tuỳ theo quy trình sản xuất của mỗi ngành, có thể thấy hầu hết các ngành dù nhiều hay ít đều sử dụng xăng dầu. Chi phí xăng dầu chiếm khoảng 3,52% trong tổng chi phí sản xuất của toàn nền kinh tế. Điều này cho thấy xăng dầu chiếm tỷ trọng khá cao và tác động mạnh vào giá thành sản phẩm sản xuất.
Đặc biệt, giá xăng dầu tăng có tác động rất mạnh tới các ngành sử dụng nhiều xăng dầu như: đánh bắt thuỷ sản, vận tải hàng hoá và hành khách đường bộ, đường thuỷ và đường hàng không.
Giá xăng dầu tăng cao quá sẽ ảnh hưởng tới đà phục hồi và phát triển của nền kinh tế. (Ảnh: Zing)
Bên cạnh tác động trực tiếp làm tăng giá thành sản phẩm, giá xăng dầu tăng còn làm tăng giá hàng hoá trong khâu lưu thông, tạo áp lực lên lạm phát, giảm sức cạnh tranh của hàng hoá sản xuất trong nước, tác động xấu đến tăng trưởng kinh tế.
Đối với nền kinh tế Việt Nam, khi giá xăng dầu tăng 10% làm GDP giảm khoảng 0,5 % - mức giảm khá lớn, phản ánh tác động rất mạnh của biến động giá xăng dầu tới tăng trưởng kinh tế.
Ngoài ra, giá xăng dầu tăng không chỉ tác động làm tăng giá thành sản phẩm hàng hoá và dịch vụ, mà còn trực tiếp làm tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI), ảnh hưởng đến thu nhập và chi tiêu của người dân. Giá xăng dầu tăng 10% làm cho chỉ số CPI tăng 0,36 điểm phần trăm. Bên cạnh đó, chi tiêu cho xăng dầu chiếm 1,5% trong tổng tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình. Khi giá xăng dầu tăng cao, hộ gia đình sẽ cơ cấu lại và cắt giảm một phần chi tiêu, điều này làm giảm tổng cầu của nền kinh tế.
Cũng cho ý kiến về nội dung này, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cũng cho rằng, việc giá xăng dầu tăng mạnh đã gây sức ép lớn đến mặt bằng giá nói chung và giá các mặt hàng sử dụng xăng dầu là đầu vào cho sản xuấtm nói riêng.
“Giá xăng dầu tăng cao quá sẽ ảnh hưởng tới đà phục hồi và phát triển của nền kinh tế. Tuy nhiên, năm 2022, sẽ có tăng nhưng tốc độ tăng không quá cao như năm 2021 nên chúng ta cũng không nên quá lo ngại về sự tăng giá xăng dầu tới tăng trưởng, hồi phục kinh tế,” chuyên gia Đinh Trọng Thịnh đánh giá.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, giải pháp trong ngắn hạn chúng ta phải thực thi nghiêm chỉnh việc điều chỉnh giá xăng dầu cho chuẩn xác với xăng dầu thế giới.
“Phải đảm bảo nguồn cung ứng xăng dầu trong nước. Hiện, lượng xăng dầu trong nước đã chủ động được trên 70%, nhập khẩu 28-30%. Nguồn cung không thiếu nhưng qua đợt điều hành xăng dầu vừa qua đã cho thấy Bộ Công Thương thiếu linh hoạt, chủ động. Về lâu dài, phải hình thành một kho dữ liệu về xăng dầu và kho dự trữ xăng dầu quốc gia để đảm bảo được nguồn dự trữ trong khoảng một thời gian dài nhất định. Chuyển đổi thị trường xăng dầu minh bạch, đảm bảo bình ổn, đảm bảo an ninh năng lượng”, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh nêu ý kiến.
Trên thực tế, ở thời điểm hiện tại, với CPI tháng 1/2022 được công bố ở mức tăng 0,19% so với tháng trước và tăng 1,94% so với cùng kỳ, thì lạm phát vẫn đang được kiểm soát. Song câu chuyện có thể sẽ khác khi CPI tháng 2 được công bố. Đây là tháng Tết Nguyên đán, với nhu cầu chi tiêu của người dân tăng cao. Tuy không xảy ra “sốt hàng, sốt giá” như nhiều năm trước, nhưng xu hướng giá cả thị trường tăng cao là có thật. Chưa kể, chuyện tăng giá xăng dầu cũng sẽ ảnh hưởng tới tốc độ tăng CPI của tháng 2/2022.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư khi báo cáo Chính phủ cũng cho rằng, áp lực lạm phát trong năm 2022 vẫn hiện hữu. Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ việc giá nguyên vật liệu, hàng hoá và dịch vụ thế giới tăng cao, giá dầu thô dự báo tăng những năm tới do nhu cầu tăng mạnh trong khi nguồn cung hạn chế và thị trường dầu thô trải qua thời kỳ thiếu hụt nguồn cung dài nhất trong nhiều thập kỷ qua.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tâm lý lo ngại “lạm phát nhập khẩu” có thể đẩy kỳ vọng lạm phát tăng, nhất là trong điều kiện Việt Nam còn phụ thuộc nhiều vào đầu vào nhập khẩu. Và khi kinh tế phục hồi trong năm 2022, nhu cầu tiêu dùng, đầu tư gia tăng cũng gây sức ép không nhỏ lên giá cả.
Nguồn tin: Kinh tế môi trường