Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Xăng, dầu: Tăng chiết khấu, chưa giảm giá

Theo đà giảm của giá dầu thô trên thị trường thế giới trong mười ngày qua, giá xăng A92 nhập khẩu về đến cảng TP.HCM chỉ còn 5.729 đồng/lít, dầu DO còn 5.503 đồng/lít. Với mức giá này, nếu cộng thuế, phí và chi phí khác, doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu có lãi cao. Thế nhưng người tiêu dùng chưa thấy giảm giá, còn các doanh nghiệp lại tăng chiết khấu cho đại lý.

Giá xăng dầu nhập khẩu giảm mạnh nhưng giá bán lẻ trong nước vẫn chưa giảm (ảnh chụp chiều 16-3 tại cửa hàng xăng dầu trên đường Nguyễn Văn Trỗi, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) - Ảnh: T.ĐẠM

Giá dầu DO nhập khẩu cộng với bảo hiểm và chi phí vận chuyển về đến cảng TP.HCM (giá CIF) hiện còn 50 USD/thùng, tương đương 5.503 đồng/lít. Với thuế nhập khẩu 25%, phí xăng dầu, chi phí từ kho đến cửa hàng bán lẻ, thuế giá trị gia tăng, tính ra mỗi lít dầu DO chỉ 9.098 đồng, chênh lệch với giá bán lẻ hiện tại đến 1.400 đồng.

Trong khi đó, giá CIF xăng A92 nhập khẩu cũng chỉ còn khoảng 52 USD/thùng, tương đương 5.729 đồng/lít. Cũng với công thức tính tương tự, giá xăng là 10.271 đồng/lít, chênh lệch với giá bán lẻ hiện nay hơn 700 đồng (giá bán lẻ 11.000 đồng/lít).

Mặc dù các công ty đầu mối nhập khẩu xăng, dầu luôn tuyên bố vận hành theo cơ chế thị trường, theo sát diễn biến giá thế giới nhưng thật ra vẫn “nhìn nhau” và chờ động thái của cơ quan quản lý nhà nước là chính. Các đợt giảm giá gần đây đều xuất phát từ “gợi ý” của Bộ Tài chính. Các doanh nghiệp cho rằng bị ép phải giảm giá nhưng khi Cục Quản lý giá ra thông báo yêu cầu “đăng ký giá mới sát với giá thế giới” thì lập tức giá bán lẻ mới giảm.

Ông Vương Thế Dũng, phó tổng giám đốc Tổng công ty Xăng dầu VN, thừa nhận: “Đúng là giá dầu DO thời gian vừa qua đang giảm, nhưng lúc nào cũng có độ trễ nhất định khi nhập hàng về nên giá trong nước chưa thể có thay đổi”. Theo ông Dũng, “độ trễ” nhập khẩu phải từ 20-30 ngày.

Trong mấy ngày giá thị trường giảm mạnh vừa qua, khi các cơ quan quản lý nhà nước chưa lên tiếng, các doanh nghiệp thay vì đề xuất giảm giá thì quay ra tăng chiết khấu cho đại lý. Hiện nay mức chiết khấu cho đại lý của mặt hàng dầu DO đã lên đến 1.100-1.200 đồng, trong khi trước đó chỉ 700-800 đồng...

Một lý do khác được các doanh nghiệp viện dẫn cho động thái chậm giảm giá là việc bù lỗ đối với mặt hàng dầu vẫn chưa được giải quyết rốt ráo. Lãnh đạo một đầu mối nhập khẩu xăng dầu nói: “Tôi thật sự không biết mình đang lời hay lỗ đối với mặt hàng dầu nữa, vì hàng tồn kho với hàng mới lẫn lộn mà cơ chế bù lỗ vẫn không rõ ràng”. Theo ông này, một số công ty trước đây không nhập hàng về bán khi thấy giá không có lợi nên không bị lỗ. Còn một số công ty vẫn nhập hàng về bán theo đúng hạn ngạch thì bị lỗ, bù chưa xong đã bị các công ty kia nhập hàng giá thấp về cạnh tranh, đẩy chiết khấu cho đại lý lên cao.

“Cơ chế điều hành xăng, dầu hiện nay khiến có doanh nghiệp lãi to, người khác thì lỗ nặng” - lãnh đạo doanh nghiệp này nhận xét. Và dĩ nhiên trong bối cảnh đó, người tiêu dùng phải chịu thiệt.

Cơ chế tính giá dầu DO:

1. Giá nhập khẩu cộng chi phí vận chuyển và bảo hiểm (giá CIF): 50 USD/thùng (159 lít) = 5.503 đồng/lít(1 USD = 17.500 đồng).

2. Thuế nhập khẩu 25%: 1.375 đồng/lít.

3. Phí xăng dầu: 500 đồng.

4. Chi phí từ kho đến cửa hàng bán lẻ: 800 đồng.

5. Thuế giá trị gia tăng: 920 đồng.

Công thức: 1 + 2 + 3 + 4 + 5 = 9.098 đồng/lít.

Giá bán lẻ hiện tại: 10.500 đồng/lít.

Cơ chế tính giá xăng A92:

1. Giá nhập khẩu cộng chi phí vận chuyển và bảo hiểm (giá CIF): 52 USD/thùng (159 lít) = 5.729 đồng/lít.

2. Thuế nhập khẩu 20%: 1.145 đồng/lít.

3. Thuế tiêu thụ đặc biệt 10%: 687 đồng/lít.

4. Phí xăng dầu: 1.000 đồng.

5. Chi phí từ kho đến cửa hàng bán lẻ: 700 đồng.

6. Thuế giá trị gia tăng: 1.030 đồng.

Công thức: 1 + 2 + 3 + 4 + 5 + 6 = 10.271 đồng.

Giá bán lẻ hiện tại: 11.000 đồng/lít.

(Tuổi trẻ)

ĐỌC THÊM