Ảnh minh họa
Mới đây, tác giả đọc một bài viết trên tờ Thanh Niên với tiêu đề “Công ty xăng dầu 'bỏ túi' hàng ngàn tỉ đồng”. Theo như bài viết thì cứ bán 1 lít xăng dầu, các công ty đầu mối sẽ có ngay mức lãi 300 đồng, lợi nhuận nửa tháng đầu năm 2019 Petrolimex có lãi cao hơn 11% so với năm 2018...
Những tin thế này khiến cho người viết lại phải “lan man” về sự độc quyền của ngành hàng này vì nó ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân, lẫn vấn đề phát triển kinh tế nói chung.
Như thông tin truyền thông đã đưa, Báo cáo tài chính quý 2/2019 của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), lũy kế trong 6 tháng đầu năm 2019, tập đoàn xăng dầu đạt doanh thu thuần 91.695 tỉ đồng, giảm 5,1% so với nửa đầu năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế của Petrolimex đạt 2.545 tỉ đồng, tăng 11% so với lợi nhuận đạt được của nửa đầu năm trước.
Còn Tổng công ty dầu Việt Nam (PV Oil) có doanh thu hợp nhất hơn 38.605 tỉ đồng, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên một số chi phí như lãi vay, chi phí quản lý doanh nghiệp lại gia tăng nên lợi nhuận sau thuế còn 271 tỉ đồng, giảm 19% so với 6 tháng đầu năm 2018.
Có thể thấy cả Petrolimex và PV Oil là 2 doanh nghiệp đang dẫn đầu về thị phần với khoảng 70% thị phần xăng dầu tại Việt Nam. Mặc dù thị trường xăng dầu luôn có nhiều biến động nhưng đảm bảo các công ty này không bao giờ bị lỗ, vẫn liên tục tăng trưởng về doanh thu lợi nhuận.
Bởi theo quy định hiện nay, các doanh nghiệp trên cứ bán 1 lít xăng dầu là đương nhiên có lãi 300 đồng. Việc vẫn giữ lợi nhuận định mức như trên khiến một ngành kinh doanh trên thị trường không hề có rủi ro, đi ngược với kinh tế thị trường.
Nói cách khác, theo cơ chế quản lý giá xăng dầu, bất chấp giá cao hay thấp, giá lên hay xuống, bất chấp các doanh nghiệp khác điêu đứng, bất chấp người dân có thở được hay không vì giá xăng dầu, các công ty xăng dầu đều được nhà nước ưu ái bảo đảm “lợi nhuận định mức” là 300 đồng/1lít xăng.
Mặt khác, con số 70% thị phần xăng dầu tại Việt Nam của cả Petrolimex và PV Oil là quá mức định nghĩa về khái niệm thế nào là thống lĩnh. Liên quan đến vấn đề này, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nói: “Nếu muốn xăng dầu kinh doanh theo cơ chế thị trường không áp dụng lợi nhuận định mức thì phải dẹp bỏ độc quyền, bỏ vị trí thống lĩnh. Bởi trong nền kinh tế thị trường, có vị trí thống lĩnh thì nhà nước phải quản lý giá”.
Nói như thế cũng có nghĩa, việc xác lập cơ chế thị trường với ngành hàng này đang gặp “vướng” nhất định từ ngay chính “thượng tầng của chính sách”.
Trước sự bất cập của giá xăng dầu, một văn bản gửi Văn phòng Chính phủ của Hiệp hội xăng dầu Việt Nam (VINPA) vào tháng 5/2019 phản ánh vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp liên quan đến điều hành giá xăng dầu.
VINPA cho rằng, tần suất điều chỉnh giá xăng dầu hiện nay là 15 ngày, không tiệm cận với giá thế giới kiến nghị lùi chu kỳ xuống 10 ngày nhằm tránh độ trễ của giá xăng trong nước so với giá thế giới.
Bên cạnh đó, hiệp hội này cũng đề xuất bỏ giá cơ sở, không dùng giá cơ sở để làm căn cứ điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu. Bởi theo các doanh nghiệp, việc trích lập quỹ bình ổn giá xăng dầu hiện tại 300 đồng/lít khiến người tiêu dùng chịu thiệt… Tuy nhiên, tổ chức này “đã quên” không kiến nghị bỏ lợi nhuận định mức 300 đồng/lít.
Chính vì vậy, với ngành xăng dầu, dù là định hướng gì thì trước hết phải bảo đảm một cơ chế thị trường đầy đủ. Việc “định hướng” thuộc về các chính sách xã hội, không phải là sự can thiệp của nhà nước để hạn chế cạnh tranh.
Chứ nói gì đi nữa, thì dưới con mắt của công luận, người dân không tin, không thấy khái niệm lỗ vì còn độc quyền, còn bao cấp thì đời nào lỗ được! Giả sử có than van lỗ thì cũng đã có dân lo – theo đúng nghĩa “khó vạn lần dân liệu vẫn xong”. Do vậy, cần phải giải quyết tận gốc cái vấn đề của mọi vấn đề, đó là minh bạch 100% và chống độc quyền triệt để.
Nguồn tin: enternews.vn