|
Cước vận tải sẽ giảm theo giá xăng dầu? Ảnh: HTD |
Hôm qua (8-11), giá xăng tiếp tục được giảm thêm 1.000 đồng/lít, theo đó xăng A92 chỉ còn 14.000 đồng/lít.
Như vậy, đây là lần thứ bảy giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh theo cơ chế thị trường với tổng mức giảm là 5.000 đồng/lít, tương đương giảm trên 30%.
Giảm để hài hòa lợi ích
Giải thích việc giảm giá xăng dầu, ông Nguyễn Tiến Thỏa - Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết do trong thời gian qua, giá xăng dầu trên thế giới liên tiếp giảm mạnh, thậm chí có phiên giao dịch còn xuống mức dưới 60 USD/thùng. Chính vì vậy, quyết định này đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà nước, người dân và doanh nghiệp, đồng thời tiếp tục điều hành giá mặt hàng xăng dầu theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước.
Cùng với việc điều chỉnh giá, Bộ Tài chính cũng đã tăng mức thuế nhập khẩu các mặt hàng này lên 5%. Cụ thể: thuế nhập khẩu xăng, dầu hỏa và mazút đều có mức 20%, còn diezel 15%. Mức thuế nhập khẩu được áp dụng cho các tờ khai hải quan hàng hóa nhập khẩu đăng ký với cơ quan hải quan từ ngày 11-11.
Giá cước sẽ giảm khoảng 16%
Ngành vận tải vốn là ngành chịu tác động trực tiếp từ giá xăng dầu. Dự kiến giá cước vận tải xăng cũng sẽ giảm thêm khoảng 16%.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hiệp hội Ôtô vận tải Việt Nam cho biết trước khi có đợt giảm giá xăng lần này, hiệp hội cũng đã có chỉ đạo các doanh nghiệp phải cân đối các nguồn chi theo nguyên tắc xăng dầu giảm giá thì cước vận tải phải được giảm tương ứng. So với điểm ngày 21-7, giá xăng đã giảm 31% thì cước vận tải xăng phải giảm 16%, còn giá dầu giảm 19% tương ứng cước dầu cũng phải giảm 9%. Các doanh nghiệp phải làm phương án điều chỉnh giá cước. Đơn vị nào trước đây chưa giảm thì phải điều chỉnh ngay làm sao cho tương xứng với giá bán lẻ xăng, dầu.
Tuy nhiên, theo ông Hùng, hiện nay cước vận tải còn phải đang gồng thêm cả lãi suất ngân hàng. Bởi 70% vốn của các doanh nghiệp kinh doanh vận tải là vay của ngân hàng với lãi suất trên 16%/năm, có lúc đến 21%/năm. Từng doanh nghiệp sẽ căn cứ theo tình hình cụ thể của đơn vị mình để điều chỉnh mức phù hợp. Bên cạnh đó, Hiệp hội Ôtô vận tải Việt Nam cũng khuyến cáo các doanh nghiệp phải chuẩn bị phương án giá của năm 2009 nhằm đảm bảo giá cước ổn định cho người tiêu dùng.
Theo ông Bùi Văn Quảng - Chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hóa TP.HCM, các doanh nghiệp vận tải hàng hóa chủ yếu là chạy bằng dầu. Nếu tính ba lần giảm giá thì nay diezel giảm 2.000 đồng/lít. Vì giá dầu chiếm khoảng 35% giá thành cước vận tải nên mức giảm cước dự kiến lần này sẽ khoảng 5%-7%.
(Pháp luật)