Sau 4 tháng thanh tra quyết liệt, lực lượng thanh tra đã bước đầu xử phạt 797/4.441 (chiếm 17,9%) cơ sở kinh doanh xăng dầu và gas trong cả nước vi phạm các quy định về đo lường và chất lượng.
|
Chánh thanh tra Bộ KH&CN Trần Minh Dũng báo cáo tổng kết đợt thanh tra các cơ sở kinh doanh xăng dầu và gas trên toàn quốc. (Ảnh: N.D) |
Chánh thanh tra Bộ KH&CN Trần Minh Dũng đã cho biết như vậy trong báo cáo trình bày tại buổi họp tổng kết và đánh giá lại kết quả việc kiểm tra các cơ sở kinh doanh xăng dầu và gas trên quy mô toàn quốc sáng qua(7/1).
Theo ông Trần Minh Dũng, qua thanh tra, đã có 52 cơ sở vi phạm bị rút giấy phép kinh doanh và nộp phạt gần 4 tỉ đồng (tăng gần 2,5 tỉ so với đợt kiểm tra năm 2007).
Các hành vi vi phạm đã bị lập biên bản xử phạt ở lĩnh vực kinh doanh xăng dầu gồm: Tác động làm thay đổi tình trạng kĩ thuật của phương tiện đo, sai số của phương tiện đo quá cao, vi phạm về kiểm định, vi phạm về chất lượng - ghi nhãn...
Trong lĩnh vực kinh doanh gas, các lỗi vi phạm hầu hết là bình gas không đủ định lượng, không được kiểm định, sang chiết gas trái phép...
Các tỉnh, TP có số lượng cơ sở kinh doanh xăng dầu và gas vi phạm nhiều là Thanh Hóa (208 cơ sở), Nghệ An (200 cơ sở), Gia Lai (200 cơ sở)... 100% các tỉnh, TP trong cả nước đều có cơ sở kinh doanh vi phạm bị phát hiện trong đợt kiểm tra này.
Cũng theo ông Trần Minh Dũng thì tuy kết quả thanh tra vi phạm trong năm 2008 có giảm so với các năm trước (năm 2003 tỷ lệ vi phạm là 29% thì năm 2008 chỉ còn 17,9%) nhưng quy mô vi phạm ngày càng rộng lớn hơn, thủ đoạn ngày càng tinh vi, phức tạp hơn.
"Hiện nay công tác quản lý chất lượng và đo lường xăng dầu, gas vẫn còn chưa được quan tâm đúng mức. Hoạt động thanh - kiểm tra chưa được thực hiện thường xuyên.
Rất nhiều cây xăng trong cả nước đã bị phát hiện dùng chip điện tử để vi phạm hành vi đo lường trong việc kinh doanh xăng dầu. (Ảnh: Sở KH&CN Gia Lai)
Việc chấp hành chưa nghiêm các quy định của pháp luật và quy trình quản lý ở các khâu như: sản xuất, kiểm định, sử dụng và hiệu chỉnh phương tiện đo (cột xăng dầu), quản lý chất lượng xăng dầu đã làm ảnh hưởng không tốt tới công tác quản lý nhà nước đối với mặt hàng thiết yếu này trong đời sống người dân...", ông Dũng chỉ rõ.
Qua đợt thanh tra này, những kẽ hở trong công tác quản lý đã được nghiên cứu bổ sung để hoàn thiện các quy định pháp lý trong công tác đo lường, kiểm tra mặt hàng này.
Thay mặt lãnh đạo Bộ KH&CN, Thứ trưởng thường trực Trần Quốc Thắng đề nghị công tác thanh kiểm tra cần phải được tiến hành thường xuyên, liên tục. Ngoài ra, sự phối kết hợp có trách nhiệm giữa các ban ngành có liên quan cần phải được thực hiện chặt chẽ, hiệu quả hơn.
(Tin tức Online)