Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Xăng dầu dự trữ phải được bảo quản chặt chẽ về số lượng và chất lượng

Việc bảo quản xăng dầu dự trữ quốc gia hiện nay ở trong tình trạng chứa chung bồn bể với xăng dầu kinh doanh, chưa đúng nguyên tắc quy định, gây khó khăn cho cơ quan quản lý trong kiểm soát, không đảm bảo theo Luật Dự trữ quốc gia.

Xăng dầu dự trữ phải được bảo quản chặt chẽ về số lượng và chất lượng

Không luân phiên đổi hàng, mua tăng, mua bù

Bộ Tài chính mới đây đã có ý kiến tham gia gửi Bộ Công thương về việc giải quyết khó khăn, vướng mắc trong công tác bảo quản xăng dầu dự trữ quốc gia (DTQG).

Trong đó, về công tác bảo quản xăng dầu DTQG, Bộ Tài chính nêu rõ từ khi Luật DTQG ban hành năm 2012 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2013) đến nay, Bộ Công thương bảo quản xăng dầu DTQG chung với xăng dầu kinh doanh theo hợp đồng bảo quản, phụ lục hợp đồng bảo quản ký với 4 doanh nghiệp và không lựa chọn doanh nghiệp bảo quản theo quy định của tại Điều 51, Điều 52, Điều 53 Luật DTQG; Điều 13, Điều 15 Quyết định số 16/2020/QĐ-TTg ngày 15/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế quản lý xăng dầu DTQG và Điều 4 Thông tư số 172/2013/TT-BTC ngày 20/11/2013 của Bộ Tài chính về quy định bảo quản hàng DTQG. Hàng năm (từ năm 2014 đến 2022), Bộ Công thương thực hiện chuyển tiếp các hợp đồng bảo quản đã ký năm 2014 thông qua các phụ lục hợp đồng để bảo quản xăng dầu DTQG. Riêng năm 2023 chưa ký hợp đồng bảo quản xăng dầu DTQG.

Về việc nhập, xuất xăng dầu DTQG, từ khi Luật DTQG ban hành năm 2012 đến nay, Bộ Công thương không xây dựng và thực hiện mua tăng, mua bổ sung, mua bù xăng dầu DTQG. Xăng dầu DTQG từ trước đến nay cũng chưa sử dụng để xuất cấp theo quy định của Luật DTQG, mà chỉ thực hiện xuất bán (14.751 m3 dầu hỏa DTQG năm 2012), xuất chuyển đổi chủng loại (121.435 m3 chuyển đổi dầu diesel 0,25%S sang diesel 0,05%S DTQG năm 2015) và xuất hao hụt hàng năm theo định mức.

Về luân phiên đổi hàng xăng dầu DTQG, theo quy định tại Điều 37 Luật DTQG, Bộ Công thương có trách nhiệm xây dựng kế hoạch luân phiên đổi hàng gửi Bộ Tài chính để tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ quyết định và tổ chức thực hiện trong năm kế hoạch. Hàng năm, Thủ tướng Chính phủ không phê duyệt kế hoạch luân phiên đổi hàng xăng dầu DTQG do xăng dầu DTQG được Bộ Công thương bảo quản chung với xăng dầu kinh doanh của doanh nghiệp, không xác định được thời gian tồn chứa và số lượng xăng dầu DTQG thực tế luân phiên đổi hàng. Theo Bộ Tài chính, do xăng dầu DTQG để chung bồn bể với xăng dầu kinh doanh nên việc nhập, xuất xăng dầu theo kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp, thường diễn ra hàng ngày.

Khác với các mặt hàng DTQG khác, xăng dầu DTQG là mặt hàng duy nhất có cơ chế luân phiên đổi hàng định kỳ mà ngân sách nhà nước không phải cấp kinh phí cho việc xuất luân phiên đổi hàng. Thủ trưởng bộ, ngành quản lý xăng dầu DTQG chịu trách nhiệm về số lượng, chất lượng trong quá trình bảo quản, nhập, xuất luân phiên đổi hàng.

Tách bạch xăng dầu dự trữ và xăng dầu kinh doanh

Bộ Công Thương đã có văn bản chỉ đạo các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu triển khai các giải pháp bảo đảm nguồn cung xăng dầu

Bình luận thêm về vấn đề này, TS. Nguyễn Văn Bình - Phó Giám đốc Học viện Tài chính cho biết, căn cứ theo Luật DTQG và các nghị định hướng dẫn, nhóm hàng nhiên liệu DTQG được Chính phủ quy định chi tiết thành 6 mặt hàng cụ thể và phân công cho 2 bộ quản lý. Bộ Công thương quản lý xăng ô tô, dầu diesel, mazut, dầu thô và nhiên liệu dùng cho máy bay dân dụng. Bộ Quốc phòng quản lý nhiên liệu chuyên dùng cho quân sự, xăng ô tô và dầu diesel. Đây là nhóm hàng duy nhất trong danh mục hàng DTQG được quản lý theo quy chế quản lý riêng.

Quy chế quản lý xăng dầu DTQG quy định nguyên tắc quản lý xăng dầu từ khâu nhập, xuất luân phiên đổi hàng, xuất sử dụng; hợp đồng thuê bảo quản, quản lý chất lượng; quản lý danh mục và chủng loại; xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch, dự toán ngân sách nhà nước và quản lý chi phí nghiệp vụ; quy hoạch hệ thống kho; chế độ thông tin báo cáo; đồng thời, quy định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan đến việc tổ chức quản lý và điều hành DTQG về xăng dầu, tạo cơ sở pháp lý để quản lý chặt chẽ, an toàn, hiệu quả nguồn lực xăng dầu dự trữ.

Thực tế, xăng dầu DTQG hiện nay được quản lý theo hai phương thức là tự bảo quản và thuê bảo quản. Bộ Công thương ký các hợp đồng thuê doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu bảo quản (thuê bảo quản).

“Dù bảo quản theo phương thức tự bảo quản, hay thuê bảo quản thì vẫn phải bảo đảm nguyên tắc quản lý chặt chẽ về số lượng và chất lượng; phải cất giữ riêng đúng địa điểm quy định; bảo quản theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và định mức kinh tế - kỹ thuật hàng DTQG do Bộ Tài chính ban hành; phải sử dụng đúng mục đích, không được sử dụng xăng dầu DTQG để kinh doanh; hệ thống kho chứa phải bảo đảm phù hợp với quy hoạch được duyệt và tiêu chuẩn theo quy định...” - TS Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia, việc bảo quản xăng dầu DTQG theo phương thức thuê bảo quản hiện nay còn tình trạng chứa chung bồn bể với xăng dầu kinh doanh. Điều này dẫn đến khó khăn trong việc kiểm soát, không bảo đảm nguyên tắc “hàng DTQG phải được cất giữ riêng” và “không được sử dụng hàng DTQG để kinh doanh” quy định tại Luật DTQG.

Để khắc phục những bất cập trên, trong thời gian tới, cần có giải pháp đồng bộ triển khai theo phương án tách bạch xăng dầu DTQG với xăng dầu kinh doanh của doanh nghiệp, bảo đảm đúng nguyên tắc bảo quản hàng DTQG quy định tại Luật DTQG và công khai, minh bạch trong ký kết và thực hiện các hợp đồng thuê bảo quản.

Giá trị xăng dầu dự trữ quốc gia đến cuối năm 2022 khoảng 2.603 tỷ đồng

Theo báo cáo của Bộ Công thương, tổng mức xăng dầu dự trữ quốc gia (DTQG) đến ngày 31/12/2022 là 367.125 m3, tấn. Bộ Tài chính cho biết, tổng mức xăng dầu này đúng với số lượng Bộ Tài chính đang theo dõi, tổng giá trị khoảng 2.603 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 95% tổng lượng xăng dầu DTQG.

Trên cơ sở các chỉ tiêu xăng dầu DTQG đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và thực tiễn công tác quản lý xăng dầu DTQG hiện nay, Bộ Tài chính đã có Văn bản số 11445/BTC-TCDT ngày 19/10/2023 xin ý kiến tham gia của Bộ Công thương và Bộ Công thương đã có ý kiến tham gia tại Văn bản số 8148/BCT-KHTC ngày 16/11/2023, trong đó thống nhất mức xăng dầu DTQG đến năm 2030 đạt khoảng 800 ngàn m3 đối với sản phẩm xăng dầu và 1.000 - 2.000 ngàn tấn đối với dầu thô, tương đương 15 - 20 ngày nhập ròng.

Hiện nay, Bộ Tài chính đang tổng hợp ý kiến tham gia của Bộ Công thương để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển DTQG đến năm 2030, trong đó có mức xăng dầu DTQG.

 

Nguồn tin: Tài chính doanh nghiệp

ĐỌC THÊM