Dựa vào quy định “cư dân vùng giáp biên được mua bán hàng hóa qua biên giới không quá hai triệu đồng/ngày”, nhiều người dân tại tỉnh Kiên Giang đã vận chuyển đến hàng trăm lít xăng dầu từ Campuchia về Việt Nam.
Tháng 7/2008, khi giá xăng dầu tại Campuchia đắt hơn giá xăng dầu trong nước thì nạn xuất lậu xăng dầu sang Campuchia đã được các cơ quan cảnh báo.
Chỉ chưa đầy năm tháng sau, khu vực biên giới giữa hai tỉnh Kiên Giang (Việt Nam) và Cam-pốt (Campuchia) lại có hiện tượng xăng dầu chảy ngược trở lại từ Campuchia tràn vào Việt Nam. Nguyên nhân là do giá xăng dầu trong nước hiện cao hơn Campuchia 3.000-4.000 đồng/lít.
Trao đổi với báo chí chiều qua (22/12), ông Lữ Hải, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Kiên Giang, cho biết khoảng 10 ngày nay có việc một số ngư dân từ Campuchia chở xăng dầu bằng đường biển sang bán trực tiếp cho bà con ngư dân Việt Nam trên vùng biên giới hai nước. Tuy nhiên, hiện tượng mua bán trên chỉ là nhỏ lẻ của một vài tàu đánh cá phía Campuchia, chủ tàu tranh thủ kiếm thêm tiền lời.
Ông Triệu Quang Thìn, Trưởng phòng Tổng hợp-Đối ngoại, Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), cho biết Cục đã nắm được thông tin về hiện tượng nhập lậu xăng dầu qua biên giới. Cục đã chỉ đạo các địa phương xử phạt nghiêm cây xăng mua bán hàng nhập lậu.
Tuy nhiên, một trong những cách người người buôn lậu xăng dầu lách luật là dựa vào Quyết định 254 quy định về việc cư dân biên giới mỗi người trao đổi mua bán hàng hóa qua biên giới không quá hai triệu đồng/ngày. Với số tiền hai triệu đồng, mỗi người được có thể vận chuyển đến hàng trăm lít xăng dầu.
Cục Quản lý thị trường đã chỉ đạo các địa phương kiểm soát chặt, xử lý mạnh khi phát hiện vi phạm; áp dụng Nghị định 107/2008 về xử phạt đầu cơ, buôn lậu để xử lý, biện pháp cao nhất là rút giấy phép kinh doanh đối với doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, tịch thu tang vật, phương tiện và phạt tiền hoặc đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự tùy mức độ vi phạm
(Công an nhân dân)