Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Vụ tấn công cơ sở dầu mỏ của Saudi Arabia​ - “Hồi chuông cảnh tỉnh” cho châu Á

Các vụ tấn công nhằm vào hai cơ sở lọc dầu Khurais và Abqaiq của tập đoàn dầu khí Saudi Aramco của Saudi Arabia đã khiến người ta thêm chú ý đến những rủi ro đối với thị trường dầu thô toàn cầu.

 

Mặc dù Saudi Arabia thông báo đã khôi phục hoàn toàn sản lượng, song dường như những căng thẳng tại khu vực vùng Vịnh một lần nữa thôi thúc các chính phủ và thị trường phải chú trọng tới các biện pháp ứng phó với nguy cơ thiếu hụt nguồn cung trong tương lai.

* Sự phụ thuộc vào nguồn cung dầu của Saudi Arabia

Theo bài viết đăng trên Nikkei Asian Review, trước khi xảy ra các vụ tấn công trên, hầu hết thị trường đều tin tưởng rằng nguồn cung sẽ không giảm mạnh, kể cả sau khi các tàu chở dầu bị tấn công ở eo biển Hormuz gần Iran hồi tháng Sáu.


Khói bốc lên từ nhà máy lọc dầu Aramco ở Abqaiq, miền Đông Saudi Arabia sau vụ tấn công ngày 14/9/2019. Ảnh: AFPF/TTXVN

Tuy nhiên, các vụ tấn công hai cơ sở lọc dầu Khurais và Abqaiq của Saudi Aramco hôm 14/9 đã gây tổn thất to lớn, làm giảm 50% sản lượng dầu (tương đương 5,7 triệu thùng dầu/ngày) của Saudi Arabia - nước xuất khẩu dầu hàng đầu của thế giới.

Đây được coi là hồi chuông cảnh tỉnh cho nhiều quốc gia châu Á ghi nhận sự phụ thuộc ngày càng lớn vào nguồn cung dầu của Saudi Arabia, trong bối cảnh Iran đang phải chịu các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), các nước sản xuất dầu chủ chốt trên thế giới, trừ Iran, có sản lượng khoảng 3,2 triệu thùng/ngày, trong đó Saudi Arabia chiếm khoảng 70% với sản lượng đạt khoảng 2,3 triệu thùng/ngày.

Saudi Arabia giữ vai trò quyết định trong việc điều phối cắt giảm sản lượng của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và cũng là quốc gia duy nhất có thể nhanh chóng tăng sản lượng trong trường hợp cần thiết.

Giá dầu thô đã ổn định trở lại sau khi nhiều quốc gia như Hàn Quốc cho biết sẽ xem xét giải phóng dầu từ kho dự trữ chiến lược trong trường hợp xảy ra khủng hoảng nguồn cung.

Báo chí Trung Quốc cũng trấn an dư luận khi thông báo về khả năng “tự cung tự cấp” nếu nguồn dầu nhập khẩu từ Saudi Arabia bị ảnh hưởng. “Người khổng lồ” dầu mỏ này cũng là nhà cung cấp dầu hàng đầu cho Trung Quốc trong năm nay.

Trong khi đó, Chính phủ Nhật Bản đã cho Saudi Aramco thuê các cơ sở lưu trữ dầu ở Okinawa kể từ năm 2011.

Loại dầu này chủ yếu được bán cho các khách hàng ở Đông Nam Á, song trong trường hợp khẩn cấp, Saudi Aramco sẽ ưu tiên bán cho Nhật Bản.

Tokyo cũng có một thỏa thuận tương tự với Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Saudi Arabia chiếm gần 40% nhập khẩu dầu mỏ của Nhật Bản.

Theo số liệu do Viện Nghiên cứu Kinh tế Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Đông Á công bố, nhu cầu dầu ở châu Á ước tăng 2,5 lần trong khoảng thời gian từ năm 2016 đến năm 2040.

Sản xuất dầu trong khu vực sẽ không thể đáp ứng nhu cầu này, nhập khẩu dầu ròng khi đó sẽ tăng nhanh và hầu hết nguồn cung sẽ đến từ Trung Đông.


Nhân viên làm việc tại nhà máy lọc dầu Abqaiq của tập đoàn dầu khí Saudi Aramco ngày 20/9. Ảnh: AFP/TTXVN

Hiện tại, 68% xuất khẩu dầu thô của Saudi Arabia là sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trong đó 16% đến Nhật Bản, một lượng tương tự đến Trung Quốc và 11% tới Ấn Độ.

Ngay cả khi tính đến việc nhập khẩu dầu đá phiến từ Mỹ, khu vực châu Á vẫn đặc biệt dễ bị tổn thương trước sự gián đoạn nguồn cung do thiên tai, tai nạn, xung đột khu vực hay tấn công khủng bố...

Kho dự trữ dầu mỏ chiến lược được coi là tấm đệm an toàn giúp các quốc gia tránh được sự gián đoạn nguồn cung trong ngắn hạn. Giá dầu tăng đột biến có thể làm trầm trọng hơn sự trì trệ của nền kinh tế toàn cầu vốn bị ảnh hưởng bởi căng thẳng thương mại Mỹ-Trung.

Theo các chuyên gia, vụ tấn công bằng thiết bị bay không người lái đã thể hiện lỗ hổng về an ninh của các cơ sở dầu mỏ Saudi Arabia, do đó các nước đối tác châu Á phụ thuộc vào “vàng đen” của Saudi Arabia nói riêng và dầu mỏ nói chung đều đang cân nhắc việc mở rộng kho dự trữ và tích cực tìm kiếm các nguồn năng lượng thay thế.

* Hướng tới kết nối năng lượng sạch trong khu vực

Ngành năng lượng tái tạo châu Á tăng trưởng đều đặn trong vài năm qua. Quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa nhanh chóng trong khu vực đã khiến tiêu thụ năng lượng tăng gấp đôi kể từ năm 1995.

Chính bởi nhu cầu năng lượng ngày càng lớn, mục tiêu sản xuất năng lượng sạch đang được các quốc gia chú trọng phát triển trong mọi lĩnh vực.

Năng lượng Mặt Trời, gió và thủy điện ổn định hơn so với nhiên liệu hóa thạch truyền thống và giúp làm giảm ô nhiễm không khí trong khu vực.

Công suất sản xuất điện từ năng lượng tái tạo ở châu Á đã tăng gần gấp đôi chỉ trong 5 năm qua, chiếm một phần đáng kể trong nguồn cung toàn cầu ở mức 2.351 GW.

Con số trên chiếm khoảng 1/3 tổng nguồn cung điện năng trên toàn thế giới và tỷ lệ này đang gia tăng khi mà ngày càng nhiều nguồn năng lượng tái tạo được phát triển, trong khi nguồn nhiên liệu cũ bị loại bỏ.

Trong năm 2018, châu Á chiếm 61% trong hạng mục lắp đặt và triển khai năng lượng tái tạo mới. Điều này tiếp tục khẳng định tiềm năng phát triển của khu vực.

Theo ước tính, châu Á - Thái Bình Dương sẽ chứng kiến đầu tư vào lĩnh vực sản xuất điện bằng năng lượng tái tạo đạt 5.500 tỷ USD trong giai đoạn 2018-2050.

Báo cáo gần đây của Kenanga Research cho hay Trung Quốc (với 2.700 tỷ USD) và Ấn Độ (với 1.600 tỷ USD) là hai nhà đầu tư lớn nhất cho ngành này, với lĩnh vực nổi bật là sản xuất điện gió.

Trong khi đó, Đông Nam Á sẽ là thị trường tăng trưởng lớn nhất châu Á sau Trung Quốc và Ấn Độ với đầu tư ước tính khoảng 500 tỷ USD.

Nhiều sáng kiến đã được đề xuất để chia sẻ nguồn lực trong phát triển năng lượng tái tạo cũng như kết nối hệ thống điện trong khu vực châu Á.


Dự án điện mặt trời Noor Abu Dhabi lớn nhất thế giới đã vận hành thương mại tại thành phố Abu Dhabi của UAE vào ngày 30/6/2019. Ảnh: AFP

Khi mà các quốc gia với sự giàu có về tiềm năng Mặt Trời, gió và thủy triều, có thể cải thiện an ninh năng lượng và thúc đẩy tiêu thụ năng lượng tái tạo bằng cách chia sẻ nguồn năng lượng sạch qua biên giới của họ.

Từ tháng Sáu đến tháng Mười hàng năm, Nepal và Bhutan có thể xuất khẩu một lượng lớn thủy điện sang Ấn Độ, nơi nhu cầu năng lượng lên đến đỉnh điểm giữa mùa Hè nóng bức.

Trong những tháng khô hạn hơn, khi sản xuất thủy điện giảm, các quốc gia nằm bên dãy Himalaya này có thể nhập khẩu điện sản xuất từ năng lượng Mặt Trời và năng lượng gió từ Ấn Độ.

Báo cáo của Viện nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á cho thấy xuất khẩu năng lượng tái tạo như gió và Mặt Trời từ Mông Cổ - nơi có Mặt Trời chiếu sáng trung bình 250 ngày một năm - trong một số điều kiện nhất định có thể dẫn đến chi phí điện thấp hơn so với điện sản xuất tại Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Điều này sẽ mở ra thị trường năng lượng mới ở quốc gia không giáp biển này và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đồng thời cho phép các nước láng giềng được hưởng lợi từ năng lượng sạch và rẻ hơn. Ở Đông Nam Á, việc trao đổi năng lượng tái tạo xuyên biên giới sẽ cải thiện đáng kể tỷ lệ tiếp cận điện trong khu vực.

Đây cũng là tầm nhìn đằng sau sáng kiến “Siêu lưới điện châu Á” của Masayoshi Son, Giám đốc điều hành của tập đoàn đa quốc gia Nhật Bản Softbank.

Trong khi tìm cách phát triển lĩnh vực năng lượng tái tạo của Nhật Bản sau thảm họa hạt nhân Fukushima 2011, ông Son đã đề xuất xây dựng một mạng lưới liên kết điện tái tạo ở Đông Bắc Á kết nối các quốc gia giàu nguồn lực như Mông Cổ và Nga với thị trường có nhu cầu cao như Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc.

Christopher Len, nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện nghiên cứu năng lượng, Đại học Quốc gia Singapore nhận định, trong tương lai, nếu các quốc gia có thể tiếp cận và cùng khai thác nguồn năng lượng tái tạo của các nước trong khu vực, họ có thể dần loại bỏ nhiên liệu hóa thạch vốn gây ô nhiễm môi trường và cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân./.

Nguồn tin: bnews.vn

ĐỌC THÊM