Là lực lượng chuyên trách thực hiện phòng, chống, xử lý các hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm. Thế nhưng, đến khi cảnh sát và Sở Khoa học và Công nghệ Nghệ An phát hiện hơn 2 triệu lít xăng kém chất lượng thì quản lý thị trường mới biết.
Xe bồn chở dung môi từ miền Nam về để pha chế xăng “bẩn” bị tạm giữ
Xảy ra gian lận nghiêm trọng
Vụ hơn 2 triệu lít xăng A92 kém chất lượng vừa bị công an và Sở KH&CN Nghệ An phát hiện, đối tượng Nguyễn Văn Tuấn (32 tuổi) và Nguyễn Văn Kỳ (52 tuổi) cùng trú xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả. Nguyễn Văn Tuấn là Giám đốc Cty TNHH Thương mại Kỳ Phương; Nguyễn Văn Kỳ là người quản lý Cty TNHH Thương mại Sáu Hằng, cùng đóng ở huyện Diễn Châu. Từ tháng 9/2017, Tuấn và Kỳ đã mua dung môi về pha với xăng A92 thật và các dung dịch, chất tạo màu để “sản xuất” xăng A92 kém chất lượng bán ra thị trường.
Theo tài liệu cũng như khai nhận, Kỳ mua 40.000 lít dung môi, còn Tuấn mua 40.000 lít nhưng thực tế là 180.000 lít dung môi tại các tỉnh miền Nam về để pha chế với công thức 50% xăng A92 + 50% dung môi + chất tạo màu = xăng kém chất lượng (xăng “bẩn”). Mỗi lít xăng “bẩn” bán ra thị trường lãi từ 3.500-4.000 đồng/lít, với 2 triệu lít xăng A92 “bẩn”, các đối tượng liên quan đã thu lợi bất chính hơn 2 tỷ đồng từ người tiêu dùng. Thanh tra Sở KH&CN tỉnh Nghệ An đã gửi các mẫu phẩm tại các cây xăng do hai Cty trên cung cấp bán ra thị trường để kiểm định.
Kết quả của Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng 2 cho thấy 11/12 mẫu xăng thử nghiệm không đạt chất lượng theo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về xăng, nhiên liệu diesel và nhiên liệu sinh học theo tiêu chuẩn QCVN 1:2015/BKHCN. Theo đó, có đến 11 mẫu thử không đạt chỉ tiêu chất lượng về trị số Octan - đại lượng đặc trưng cho khả năng chống kích nổ của xăng. Điều này cũng đồng nghĩa với việc tỉ lệ nguyên chất của xăng A92 chưa đến 50%.
Trước sự việc nghiêm trọng trên, ngày 25/10, Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia) đã làm việc với Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Nghệ An để đánh giá tình hình, kết quả đấu tranh chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh xăng dầu giả, kém chất lượng. Bộ Công Thương cũng có công văn về tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu.
Điều đáng nói, sự việc vô cùng nghiêm trọng nhưng lực lượng quản lý thị trường (QLTT) Nghệ An không hề hay biết cho đến khi sự việc được cảnh sát phối hợp các ngành đưa ra ánh sáng vụ này.
Chỉ chấn chỉnh trách nhiệm
Trả lời báo chí, ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT Nghệ An cho biết, thời gian qua lực lượng này mới chỉ dừng lại ở việc kiểm tra giấy tờ và việc chấp hành pháp luật đối với các cơ sở kinh doanh xăng dầu chứ không lấy mẫu đi kiểm nghiệm.
Đối với 12 cây xăng bị phát hiện tiêu thụ xăng “bẩn” tại các huyện Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn và TX Thái Hòa do Đội QLTT số 9 phụ trách. Ngày 20/10, Chi cục này mới ban hành văn bản đẩy mạnh kiểm tra tăng cường quản lý các cơ sở kinh doanh xăng dầu trên địa bàn. Công khai danh tính các cây xăng vi phạm, Chi cục QLTT cũng đã tập hợp 12 đội QLTT để chấn chỉnh lại công tác thanh, kiểm tra.
Ông Trần Đăng Ninh, Phó Giám đốc Sở Công Thương, Chi cục trưởng Chi cục QLTT Nghệ An thì cho rằng, để xảy ra vụ việc như vừa qua cũng thấy rằng việc theo dõi nắm bắt tình hình trên thị trường của các Đội chưa tốt nên hiệu quả đấu tranh trong việc xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu chưa được tốt.
Trước đó, ngày 28/7, Chi cục QLTT Nghệ An cũng đã có Kế hoạch 467 về tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại trên địa bàn toàn tỉnh. Tiếp đó, ngày 20/9, đơn vị tiếp tục có Công văn 602 tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện lộ trình áp dụng tỉ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học đối với mặt hàng xăng dầu.
Với vấn đề này, Trưởng ban Chỉ đạo 389 Nghệ An Lê Xuân Đại, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo cơ quan chức năng khẩn trương điều tra làm rõ vụ việc, sớm xử lý các vi phạm theo quy định pháp luật. Bộ Công an cũng đã chỉ đạo Công an Nghệ An khẩn trương mở rộng điều tra, kết luận xử lý các vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu theo quy định của pháp luật.
Có thể thấy, với chức năng, nhiệm vụ được giao trong việc quản lý nhà nước phòng, chống, xử lý các hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm nhưng không biết QLTT Nghệ An ở đâu trong vụ xăng “bẩn” này. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này.
Nguồn tin: Baophapluat