Sau hơn 40 năm thiết lập quan hệ thương mại, Nhật Bản hiện là đối tác kinh tế, thương mại hàng đầu của Việt Nam. Kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước dự kiến sẽ cán đích 60 tỷ USD năm 2020.
Kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và Nhật Bản 10 năm trở lại đây luôn đạt mức tăng trưởng trung bình 13,9%/ năm. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Nhật Bản trong tháng đầu tiên của năm 2020 đạt 1,54 tỷ USD, giảm 16,83% so với tháng 12/2019 và giảm 18,53% so với cùng kỳ.
Nhật Bản là nước nhập siêu lớn về thủy sản, mặt hàng công nghiệp tiêu dùng như dệt may, giày da, thực phẩm chế biến, dầu thô… trong khi Việt Nam lại là nước có lợi thế cạnh tranh về các sản phẩm này. Bốn nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt hàng trăm triệu USD, trong đó dầu thô là mặt hàng có kim ngạch tăng trưởng rất mạnh với 587,17% so với cùng kỳ đạt 144,15 triệu USD, chiếm 9,31% thị phần. Hàng dệt, may chiếm 18,47% tỷ trọng đạt 286,08 triệu USD, giảm 28,15%; phương tiện vận tải và phụ tùng chiếm 11,5% tỷ trọng đạt 178,1 triệu USD, giảm 30,4%; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác chiếm 9,07% thị phần đạt 140,52 triệu USD, giảm 20,79% so với cùng kỳ.
Để tăng cường xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản đầy tiềm năng, đặc biệt là sau khi Hiệp định FTA Việt Nam-Nhật Bản chính thức có hiệu lực, ông Lê An Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á-Thái Bình Dương khuyến cáo các doanh nghiệp cần đầu tư phù hợp để cải thiện năng lực kinh doanh, giám sát tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa xuất khẩu.
Cùng với đó, cần tích cực thực hiện công tác xúc tiến thương mại để khai thác tốt hơn cơ hội từ thị trường Nhật Bản và tận dụng triệt để những thuận lợi của các Hiệp định mang lại.
Trong khi đó, một số các chuyên gia thương mại thì cho rằng, doanh nghiệp phải tự trang bị cho mình năng lực hoạt động hiệu quả trong môi trường kinh doanh của kinh tế thị trường. Vì thế, ngay từ bây giờ các doanh nghiệp cần bắt đầu bằng việc xây dựng và triển khai các chiến lược kinh doanh hiệu quả dựa trên việc phân tích và đánh giá đúng những điểm mạnh, yếu, cơ hội và thách thức, vị thế của doanh nghiệp hiện tại và đích cần đạt tới.
Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, thì việc thực hiện một chiến lược marketing xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản là điều phải tính đến trước tiên. Theo các chuyên gia, đây là điều kiện tiên quyết để xuất khẩu bền vững sang thị trường Nhật Bản cũng là góp phần thúc đẩy quan hệ thương mại hai nước phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Hàng hóa xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản tháng 1 năm 2020
(Tính toán từ số liệu công bố ngày 13/02/2020 của TCHQ)
Mặt hàng | T1/2020 | So với T12/2019 (%) | T1/2020 | So với T1/2019 (%) | Tỷ trọng (%) |
Tổng kim ngạch XK | 1.548.763.246 | -16,83 | 1.548.763.246 | -18,53 | 100 |
Hàng dệt, may | 286.083.276 | -21,61 | 286.083.276 | -28,15 | 18,47 |
Phương tiện vận tải và phụ tùng | 178.104.513 | -15,91 | 178.104.513 | -30,4 | 11,5 |
Dầu thô | 144.155.348 | 17,12 | 144.155.348 | 587,17 | 9,31 |
Máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác | 140.520.257 | -23,32 | 140.520.257 | -20,79 | 9,07 |
Giày dép các loại | 92.381.646 | -0,6 | 92.381.646 | -26,7 | 5,96 |
Gỗ và sản phẩm gỗ | 89.793.261 | -29,07 | 89.793.261 | -22,28 | 5,8 |
Hàng thủy sản | 88.717.151 | -18,93 | 88.717.151 | -28,16 | 5,73 |
Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện | 80.089.742 | -15,91 | 80.089.742 | -8,21 | 5,17 |
Sản phẩm từ chất dẻo | 48.495.997 | -12,65 | 48.495.997 | -29,83 | 3,13 |
Túi xách, ví,vali, mũ, ô, dù | 39.758.924 | -21,8 | 39.758.924 | -24,7 | 2,57 |
Sản phẩm từ sắt thép | 33.678.750 | -13,73 | 33.678.750 | -23,8 | 2,17 |
Điện thoại các loại và linh kiện | 28.422.163 | -44,68 | 28.422.163 | 28,38 | 1,84 |
Hóa chất | 26.269.956 | 8,01 | 26.269.956 | -30,46 | 1,7 |
Đồ chơi, dụng cụ thể thao và bộ phận | 21.062.193 | -44,44 | 21.062.193 | -13,64 | 1,36 |
Dây điện và dây cáp điện | 21.042.126 | -20,69 | 21.042.126 | -25,49 | 1,36 |
Kim loại thường khác và sản phẩm | 16.833.961 | -20,17 | 16.833.961 | -28,85 | 1,0 |
Nguồn tin: vinanet.vn