Khơi mào cho cuộc chiến giá dầu, Riyadh liệu có giữ được vị thế cho mình là câu hỏi đang bỏ ngỏ. Và tất nhiên, nếu giá dầu quá thấp lại duy trì trong một thời gian dài thì kể cả người khổng lồ “không sứt đầu cũng mẻ trán”.
Theo một số chuyên gia, việc Riyadh quyết định tăng tối đa công suất khai thác của mình từ 1/4 chẳng khác nào trò đùa “cá tháng tư”.
Cơ sở cho nhận định này là bởi có vẻ như Mohammedh bin Salman Al Saud – vị Thái tử 34 tuổi đã quên mất thảm kịch mà Vương quốc của mình từng nếm trải trong giai đoạn 2014-2016, giá dầu mỏ khi đó tụt dốc khiến các nước thành viên OPEC thiệt hại khoảng 450 tỷ USD (theo số liệu của Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA)), riêng Saudi Arabia đã phải rút từ nguồn dự trữ ngoại tệ 250 tỷ USD để bù đắp cho thâm hụt ngân sách của mình, đỉnh điểm là năm 2015 khi số chi của Riyadh vượt mức thu là 98 tỷ USD! Năm 2016, nền kinh tế của quốc gia này chơi vơi tới mức Thứ trưởng Bộ Kinh tế Mohammedh Al-Tuvary đã phải thốt lên: “Nếu chúng ta không tiến hành cải cách và nếu nền kinh tế toàn cầu không hồi phục thì chỉ 3-4 năm nữa, Saudi Arabia sẽ không tránh khỏi phá sản.
Theo Oil Price, trong cuộc chiến giá dầu lần này, Saudi Arabia dường như yếu thế hơn hẳn so với 2 đối thủ chính là Nga và Mỹ, bởi để bảo đảm ngân sách không bị âm, quốc gia này cần mức giá 84 USD/thùng, trong khi với cả Moscow và Washington, con số này chỉ bằng phân nửa – khoảng 40 USD/thùng.
Để đương đầu với khó khăn đang hiện hữu, các bộ trưởng của Saudi Arabia đã nhận được lệnh phải cắt giảm ngân sách từ 20-30% ngay trong năm nay. Năm 2019, thâm hụt ngân sách của Riyadh là 4,7%, theo một số dự báo con số này trong năm nay sẽ là 15%. Chi ngân sách năm 2020 dự kiến là 168 tỷ USD, trong đó chi cho quốc phòng là 68 tỷ USD (con số này của LB Nga là 61 tỷ USD). Nếu các khoản chi bị cắt giảm thì đồng nghĩa các hoạt động quân sự sẽ bị ảnh hưởng mà trước tiên là cuộc chiến với lực lượng khởi nghĩa Yemen mà Riyadh bắt đầu tham chiến từ tháng 3/2015. Nếu buộc phải thỏa hiệp thì vai trò của Saudi Arabia trong khu vực sẽ trở nên mất vị thế. Cũng phải nói thêm rằng, cuộc chiến giá dầu nổ ra đúng vào thời điểm nhạy cảm với Saudi Arabia khi mà tình hình trong nước đang không mấy êm ả sau những vụ bắt bớ thanh trừng với một số người thân trong Hoàng tộc.
Sau khi Saudi Arabia chính thức “tuyên chiến”, một loạt các quốc gia vùng Vịnh như Kuwait, UAE, Iraq… đều nhất loạt "hát vang bài ca tăng hết công suất". Theo phân tích, việc khai thác không còn công suất dự trữ sẽ rất nguy hiểm vì chỉ cần xảy ra trục trặc thì hậu quả theo hiệu ứng domino là rất khó lường.
Thỏa thuận OPEC+ năm 2016 cũng đã khiến nhiều thành viên Arab “ngủ yên” và quên mất nhiệm vụ cấp bách là phải thực hiện cải cách nền kinh tế của mình. Hồi tháng Giêng năm nay, nghiên cứu của IMF đã chỉ ra rằng với mức 55 USD/thùng, nguồn dự trữ của các quốc gia vùng Vịnh sẽ cạn kiệt vào năm 2034. Với mức giá khoảng 30 USD/thùng, Oman sẽ chịu tổn thất khủng khiếp với mức thâm hụt ngân sách tương đương với 22% GDP!
Trước khi hội nghị OPEC+ diễn ra (tháng 3/2020), Riyadh đã dự định cố thuyết phục Nga giảm sản lượng tiếp 400.000 thùng/ngày và hy vọng các thành viên chủ chốt của OPEC sẽ đồng ý với phương án của mình nhằm giữ giá dầu ổn định tạo điều kiện cho việc tiến hành IPO Saudi Aramco với mục tiêu sẽ nhanh chóng thu được khoản tiền khổng lồ từ việc chào bán cổ phần này ra thị trường. Nay giá dầu lao dốc, sự “giật mình thức giấc” để triển khai cải cách (nếu có) của các quốc gia Arab vào thời điểm này cuối cùng cũng chỉ là sự vá víu– lỗ hà ra lỗ hổng.
Dầu mỏ đã mất giá thì khí đốt ắt cũng tụt dốc. Qatar – quốc gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực sản xuất khí hóa lỏng chắc chắn cũng sẽ điêu đứng từ những bất ổn này.
Không chỉ ngành dầu khí bị ảnh hưởng mà kênh đào Suez – luồng giao thông đi tắt cho những chuyến tàu biển cũng sẽ “vắng khách” cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng (vận tải và du lịch…).
Venezuela đang gồng mình vì bất ổn, siêu lạm phát kinh tế và những biện pháp trừng phạt từ Mỹ, những cơn sóng đang làm lộ đáy của giá dầu chắc chắn sẽ càng đẩy Caracas vào thế khốn đốn.
Mặc dù bị Mỹ phong tỏa và kìm hãm nhưng Iran cũng đang có những kế hoạch rất cụ thể trong bối cảnh được coi là cơ hội như lúc này. Cụ thể là tại khu mỏ Tây Karun - Azadegan, nơi có trữ lượng khoảng 35,2 tỷ thùng (chỉ đứng sau mỏ Gavar của Saudi Arabia và mỏ Burgan của Kuwait). Với sự trợ giúp của các công ty Trung Quốc và Nga, Teheran đang quyết tâm trước mắt sẽ nâng ngay từ mức 105.000 thùng/ngày hiện nay lên 320.000 thùng và sau đó sẽ tăng thêm gấp đôi con số đó, tức là 600.000 thùng/ngày. Vẫn có những “khe cửa” để dầu mỏ của Iran “tràn” qua, ví dụ như thông qua đường biên “bỏ ngỏ” với Iraq, bán qua Thổ Nhĩ Kỳ và các quốc gia thuộc Liên Xô cũ - những nơi mà Washington dù muốn cũng khó có thể kiểm soát được.
Còn với LB Nga thì sao?
Các nhà phân tích tại Viện các quốc gia vùng Vịnh (Washington) nhận định: Năm 2014, cùng với sự lao dốc của giá dầu, những biện pháp trừng phạt mà Mỹ và các đồng minh phương Tây áp đặt đã giúp điện Kremlin thay đổi chính sách - vừa giảm bớt sự lệ thuộc vào dầu mỏ vừa xây dựng Quỹ bình ổn quốc gia. Nếu cuối 2014, đầu 2015, dự trữ vàng - ngoại tệ của LB Nga đang từ mức trên 500 tỷ USD đã “bốc hơi” mất hơn 1/3 thì đến ngày 13/3/2020, con số này đã lại đạt 583 tỷ USD. Đó là chưa kể tới khoảng 150 tỷ USD đang nằm tại Quỹ bình ổn quốc gia mà Chính phủ Nga đã và sẽ tung ra trong thời kỳ bấn loạn này.
Khác với cách duy trì tỷ giá ấn định giữa đồng nội tệ với đồng dollar Mỹ của Riyadh, Moscow lại dùng biện pháp “thả nổi” thậm chí đôi khi ở mức thái quá nhằm tạo nên thế cạnh tranh cho hàng hoá Made in Russia trên thị trường thế giới. Trong vòng nửa thập kỷ qua, từ một quốc gia không tự túc được lương thực, thực phẩm đến nay nhiều mặt hàng như lúa mì, thịt gà, thịt lợn… khó có quốc gia nào có thể cạnh tranh được với Nga về giá (với tỷ giá khoảng 80 ruble/USD như hiện nay và giá bán lẻ thịt lợn tại các cửa hàng, siêu thị là khoảng 250 ruble/kg, tương đương khoảng 80-90.000 VNĐ/kg).
Còn trong lĩnh vực khai thác và chế biến dầu mỏ, đã từ lâu Tổng thống Nga V.Putin yêu cầu tập trung nguồn lực cho chế biến để tạo thêm giá trị gia tăng khi xuất khẩu. Cũng như các sản phẩm nông nghiệp, đồng ruble càng mất giá thì các sản phẩm của ngành luyện kim và hoá chất Made in Russia càng không có đối thủ.
Chính vì lý do đó mà các chuyên gia cho rằng, rất ít khả năng Moscow sẽ nhún nhịn để là người đầu tiên đưa ra lời đề nghị đàm phán về những thỏa thuận nhằm cải thiện tình hình.
Suốt thời gian qua, các dự án dầu khí mà Moscow triển khai để phục vụ xuất khẩu, đặc biệt là “Dòng chảy phương Bắc – 2” luôn làm cho Washington bất an vì đe doạ đến “an ninh năng lượng” của Mỹ. Theo các nhà phân tích, giá dầu lao dốc sẽ giúp điện Kremlin trở nên “dễ thở” hơn trong lĩnh vực này do “đá phiến Mỹ” cũng đang phải căng sức để giữ được chỗ cho mình trên thị trường ngay tại chính quốc. Điều này cũng có nghĩa là quyền lợi của Nhà Trắng ở Trung Đông sẽ bị suy giảm và sự quan tâm tới khu vực này cũng lơi lỏng. Khơi mào cho cuộc chiến giá dầu, Riyadh liệu có giữ được vị thế cho mình cũng là câu hỏi đang bỏ ngỏ. “Nước đục” chắc chắn sẽ là thời điểm để các quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ … tranh thủ cơ hội.
Theo Oil Price (OP), việc Moscow hợp tác chặt chẽ và quyết tâm giúp đỡ ngành dầu khí của Teheran mặc cho những cấm cản của Washington được đánh giá là “một đòn nhắm vào 2 đích”: Làm suy yếu “nhà vô địch đá phiến Mỹ” (hiện nay Mỹ là quốc gia đứng đầu thế giới với mức khai thác hơn 12 triệu thùng/ngày ) và gây khó cho Riyadh trong việc cố gắng cân đối thu chi ngân sách với ngưỡng giá trên 80 USD/thùng!
OP còn phân tích thêm rằng “màn kịch bão giá” của Riaydh cũng đã nằm trong những toan tính của Moscow bởi nếu giá dầu loanh quanh mức 40 USD/thùng thì ngân sách của Nga vẫn ổn, các công ty dầu mỏ có thể ung dung khai thác bao nhiêu tùy vào khả năng của mình. Còn kể cả giá có thấp hơn thì điện Kremlin vẫn chẳng có gì phải phiền lòng khi trên thực tế chỉ trong vòng chưa đầy một thập kỷ mà Quốc vương Arab đã 2 lần tuyên chiến về giá dầu với đồng minh lớn nhất hành tinh của mình là Mỹ.
Trước khi Bộ trưởng Năng lượng Nga A.Novak lên đường đi Vienna để dự hội nghị OPEC+, Tổng thống V.Putin đã có cuộc gặp với lãnh đạo các công ty dầu khí của Nga. Những ngày đầu các thành viên trong OPEC+ đều chưa tìm được tiếng nói chung, ông A.Novak bay trở lại Moscow để tham vấn thêm. Đàm phán giữa Nga và Saudi Arabia sau đó kéo dài 6 tiếng đồng hồ nhưng cũng không đem lại kết quả gì.
Dường như mục tiêu mà Nga theo đuổi đã có những tính toán và được chuẩn bị rất kỹ lưỡng.
Nếu những nhận định trên là đúng thì kể cả việc Moscow sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán (như lời của trợ lý của Tổng thống Nga D.Peskov) cũng sẽ giúp điện Kremlin giành ưu thế lớn.
Sự biến động trong khai thác dầu của Mỹ, Nga, Saudi Arabia
Biểu đồ trên cho thấy sự tăng trưởng của ngành công nghiệp sản xuất dầu mỏ của Nga rất ổn định trong khi 2 đối thủ là Mỹ và Saudi Arabia có những trồi sụt, nhất là Saudi Arabia.
Cho đến thời điểm hiện nay, tại khu vực “lưỡi liềm” gồm các quốc gia Lebanon, Syria, Iran, Iraq và Yemen (thông qua Iran) Moscow đang giữ vị trí độc tôn và đang gia tăng vai trò ảnh hưởng tại Thổ Nhĩ Kỳ và Azerbaijan.
Tất nhiên, nếu giá dầu quá thấp và duy trì trong một thời gian dài thì kể cả người khổng lồ “không sứt đầu cũng mẻ trán”. LB Nga sẽ càng bộn phần khó khăn khi kinh tế không có tăng trưởng, tiền đầu tư sẽ ít, công nghệ sẽ không được đổi mới dẫn tới thu nhập của người dân giảm, những bất ổn xã hội sẽ âm ỉ và trực chờ bùng phát…
Ngày 12/3 tại trụ sở Bộ Năng lượng Nga, đại diện các công ty dầu khí đều nhất trí cao với quyết tâm sẽ vẫn bảo đảm duy trì guồng làm việc ổn định trong điều kiện giá dầu mỏ ở mức thấp.
Nguồn tin: baochinhphu.vn