Cuộc họp COP26 diễn ra vào tuần tới có thể sẽ là bữa tiệc thoái vốn lớn nhất từng thấy. Các nhà đầu tư với 39,2 nghìn tỷ đô la vào các khoản đầu tư được quản lý đã cam kết thoái vốn khỏi dầu khí và danh sách các chính sách phản đối hydrocacbon và chiến lược thoái vốn sẽ ngày càng tăng từ mức này.
Quỹ hưu trí lớn nhất của Hà Lan ABP, chủ yếu đại diện cho chính phủ và công chức và nắm giữ hơn 330 tỷ EUR, đã thông báo rằng họ sẽ thoái vốn cổ phiếu dầu, khí đốt và than trước năm 2023. Chủ tịch ABP Corien Wortmann-Kool xác nhận rằng “ABP sẽ không đầu tư vào các công ty dầu khí nữa”. Bà cũng chỉ ra rằng các báo cáo của IEA, cơ quan giám sát năng lượng của OECD tại Paris và các báo cáo của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) Liên hợp quốc là một lời cảnh tỉnh và là cơ sở cho quá trình ra quyết định của ABP. Đồng thời, một số nhà phân tích cho rằng đây là một động thái nhằm dập tắt mọi khả năng về vụ kiện được cho là chống lại ABP của các cổ đông hoạt động môi trường và những người hưu trí, chẳng hạn như ABP Fossielvrij (Fossil Free).
Động thái từ ABP, một công ty đã tạo ra lợi nhuận khổng lồ từ hợp đồng tương lai dầu và khí đốt trong những năm 1990-2000, được các nhóm phản đối hóa thạch xem là một hành động táo bạo. Động thái mới cho thấy ngay cả các quỹ hưu trí của Hà Lan, về mặt pháp lý buộc phải có quan điểm đầu tư thận trọng trong dài hạn, hiện cũng dễ bị ảnh hưởng bởi các nhóm áp lực chính trị và xã hội.
Việc thiết lập một chiến lược chống lại việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch mới dựa trên các báo cáo như của IPCC và IEA là điều khá kỳ lạ, vì cả hai báo cáo đều không rõ ràng và đến từ những tổ chức tiếp tục mâu thuẫn với nhau. Ví dụ, Fatih Birol của IEA, lần đầu tiên kêu gọi chấm dứt mọi hoạt động đầu tư vào dầu khí thượng nguồn trước khi yêu cầu các công ty dầu khí tăng đáng kể sản lượng do cuộc khủng hoảng năng lượng đang diễn ra. Bất chấp sự thiếu rõ ràng này, Wortmann-Kool cho biết hiện có nhiều tổ chức rất muốn thoái vốn.
Vẫn chưa rõ tác động thực sự từ quyết định của ABP sẽ như thế nào. Với chỉ khoảng 15 tỷ EUR được đầu tư vào dầu và khí đốt, động thái này khó có thể có tác động đáng kể đến thị trường. Quỹ này cũng đã tự đề ra mục tiêu đưa tất cả vào đúng vị trí từ nay cho đến quý 1 năm 2023.
Động thái của ABP cũng tương tự như các tuyên bố khác của các quỹ hưu trí quốc tế, đặc biệt là ở Mỹ và Hà Lan. Quyết định thoái vốn của ABP được đưa ra sau khi một số quỹ hưu trí khác của Hà Lan cũng làm như vậy.
Một báo cáo mới được công bố bởi DivestInvest cho biết khoảng 1.500 tổ chức đầu tư có tổng tài sản trị giá 39,2 nghìn tỷ đô la được quản lý hiện đã cam kết thoái vốn khỏi nhiên liệu hóa thạch. Những tên tuổi lớn tham gia vào năm nay bao gồm Quỹ Ford 16 tỷ đô la, Đại học Harvard với 42 tỷ đô la và bang Maine của Hoa Kỳ. Hầu hết những quỹ này đều khẳng định, giống như ABP, việc thoái vốn khỏi hydrocacbon là một chiến thắng nhanh chóng đối với các quỹ muốn loại bỏ cacbon trong danh mục đầu tư. Tất cả đều cho rằng đây là một bước tiến lớn trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Trên thực tế, những động thái này còn lâu mới có hiệu quả. Những cổ phiếu và trái phiếu bị thoái vốn của các công ty dầu khí quốc tế lớn niêm yết, hoặc các dịch vụ mỏ dầu, sẽ không làm giảm sản lượng dầu khí hay giảm nhu cầu toàn cầu. Thay vào đó, trên thực tế, nhu cầu toàn cầu đối với hydrocacbon sẽ tăng cao hơn nữa, khi một số nhà quan sát tin rằng nhu cầu sẽ không giảm cho đến năm 2050. Nhu cầu thực tế sẽ không bị thay đổi bởi các quỹ hưu trí và các nhà đầu tư giữ vững lập trường. Thay vào đó, việc thoái vốn cổ phần và tài sản sẽ nhanh chóng được các quỹ đầu tư khác mua vào, đặc biệt là các quỹ đầu tư không thuộc OECD, chẳng hạn như PIF của Saudi, ADIA của Abu Dhabi, hoặc liên doanh giữa Nga-Trung.
Đồng thời, các quỹ đầu tư tư nhân rất muốn mua cổ phiếu, trái phiếu và tài sản có sẵn, vì tỷ suất lợi nhuận trong ngành dầu khí, và thậm chí là cả than, rất ấn tượng và sẽ duy trì trong thời gian gian dài hơn. Các công ty dầu khí quốc gia và những gã khổng lồ dầu khí không thuộc phương Tây sẽ rất vui khi sản xuất được từng giọt dầu, khí đốt và thậm chí là than đá cuối cùng mà họ có thể. Các quỹ đầu tư tư nhân, với thời gian đầu tư ngắn hơn nhiều so với các quỹ, sẽ thúc đẩy sản xuất cao hơn sớm hơn, điều này không chỉ tạo ra mức phát thải cao hơn mà còn hạn chế khả năng cạnh tranh về giá của năng lượng tái tạo.
Hoạt động chính trị và sự bền vững chắc chắn không phải là một cuộc hôn nhân do trời định. Trong khi các nhà hoạt động môi trường hiện đang ăn mừng trên đường phố, ngay cả ở Hà Lan, tất cả đều hướng về hội nghị COP26, thì sẽ có rất ít hoặc không có kết quả hữu hình. Các chuyên gia về hydrocacbon và năng lượng hiểu rằng nhu cầu năng lượng toàn cầu sẽ tăng theo cấp số nhân trong những năm tới. Bất chấp các khoản đầu tư hàng tỷ USD đang được rót vào năng lượng tái tạo, hydro, hoặc thậm chí là năng lượng hạt nhân, nhưng nhiên liệu hóa thạch vẫn không hề mất đi vẻ huy hoàng của nó. Các nền kinh tế toàn cầu đang bị cuốn theo và nghiện dầu khí và điều đó sẽ còn kéo dài trong nhiều năm tới.
Nguồn tin: xangdau.net