Sự không rõ ràng trong điều hành khiến việc giảm giá dầu không được các DN thực hiện đồng loạt. Ảnh: VNN). |
Vẫn theo ông Chi, nếu đặt vấn đề là DN lớn nhất, có hệ thống phân phối và khách hàng lớn nhất thì chỉ cần chậm thời gian giảm giá DN là có thể kiếm thêm một khoản lãi đáng kể thông qua chênh lệch giữa giá cũ và giá mới. Và như thế, đây là điều không hay khi xảy ra ở DN quốc doanh với trách nhiệm đi đầu và bình ổn thị trường.
Những vấn đề trên không sai, nhưng nếu nhìn nhận lại một cách công bằng thì ngay trong văn bản giảm giá của Bộ Tài chính cũng đã bộc lộ nhiều điểm chưa ổn thoả.
Nếu như những lẫn trước đây, nếu tăng hoặc giảm giá xăng dầu, đều ghi rõ một mốc thời gian và áp dụng cho tấc cả các DN thì lần này, tuy văn bản ghi thời gian áp dụng từ 22 giờ ngày 9/2/2009 nhưng còn "thòng" thêm một đoạn "trường hợp đơn vị kinh doanh xăng dầu nào do điều kiện khách quan, không kịp áp dụng thời điểm nêu trên, liên Bộ Tài chính- Công Thương cho phép áp dụng chậm hơn nhưng phải trước 8 giờ ngày 10/2/2009".
Sở dĩ văn bản phải có "độ mở" tương đối rộng như vậy là do trước khi ban hành, giữa các bộ, ngành quản lý Nhà nước về giá và các DN đã không tìm được tiếng nói chung. Đại diện Petrolimex nói thẳng rằng, họ chỉ đề xuất giảm giá bán 300 đồng/lít và không đăng ký rõ thời gian chứ không như văn bản Bộ Tài chính khẳng định là Petrolimex đề xuất giảm 500 đồng/lít diesel.
Quy định không rõ ràng như vậy thì phía DN có thể thực hiện vào giảm giá vào bất cứ lúc nào miễn là trong khoảng thời gian từ 22 giờ ngày 9/2/2009 đến 8 giờ ngày 10/2/2009 bởi lẽ "điều kiện khách quan" nêu trong văn bản trên có thể hiểu thế nào cũng được và rất khó chứng minh.
Về phía DN, cũng khó có thể trách Petrolimex trong bối cảnh kinh doanh đang lãi ít như họ khẳng định mà lại phải giảm giá. Chính vì thế, sự "kháng cự" của Petrolimex trong việc chậm giảm giá bán lẻ dầu trong đợt giảm giá vừa qua cho thấy nhiều vấn đề cần phải giải quyết ngay trong cách điều hành giá của các bộ, ngành chức năng.
(Vietnamnet)