Cuối tháng này, khoảng 25.000 người sẽ đến Glasgow để tham dự Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (UNFCCC) thường niên lần thứ 26, được gọi là COP26. Vương quốc Anh, chủ nhà của Hội nghị này năm nay, đã yêu cầu các bên tham gia đệ trình mục tiêu tham vọng hơn về giảm phát thải vào năm 2030 nhằm tạo khả năng đạt được mức phát thải ròng bằng 0 trên toàn cầu vào giữa thế kỷ này. Các nhà lãnh đạo hội nghị cũng đã yêu cầu tăng cường đóng góp bằng tiền cho các quỹ thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu, đồng thời nêu rõ mục tiêu là hoàn thiện khung pháp lý để thực hiện và thực thi các cam kết trong thỏa thuận Paris năm 2015.
Đồng thời khi thế giới nô nức cho cuộc họp khí hậu toàn cầu mới nhất và mạnh mẽ nhất, một cuộc khủng hoảng năng lượng đang diễn ra ở Châu Âu và Châu Á có thể khiến thế giới quay đầu lại với lượng khí thải carbon, và điều này cho thấy con đường khử cacbon sẽ khó khăn như thế nào. Khi các nền kinh tế toàn cầu khôi phục trở lại từ đại dịch, nhu cầu về hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng đã tăng vọt. Tuy nhiên, mặc dù phần lớn người tiêu dùng đã quay trở lại đời sống như bình thường, nhưng các chuỗi cung ứng vẫn chưa thể theo kịp.
Trong lĩnh vực năng lượng, nguồn cung không thể bắt kịp nhu cầu, gây ra tình trạng khủng hoảng năng lượng và giá cả tăng đột biến ở Liên minh châu Âu, Trung Quốc và Ấn Độ, dẫn đến sự gián đoạn lớn của chuỗi cung ứng và các ngành công nghiệp trên toàn cầu. Ở châu Âu, EU đang lâm vào một tình thế khó xử giữa việc muốn nhận đủ khí tự nhiên từ Moscow để duy trì hoạt động mà không ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh năng lượng của họ và trao cho Điện Kremlin quá nhiều quyền lực địa chính trị. Ấn Độ đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt than, vốn chiếm 70% tổng năng lượng quốc gia. Tại Trung Quốc, nhiều công ty năng lượng đã ngừng sản xuất do giá than tăng vọt nhưng giới hạn giá quốc gia khiến các công ty năng lượng không thể tăng giá điện lên theo, buộc họ phải thua lỗ hoặc đóng cửa hoàn toàn.
Cuộc khủng hoảng năng lượng và dẫn đến mất an ninh năng lượng ở những khu vực này đã cho thấy rõ mức độ mà tất cả các cơ quan quản lý này, đã đưa ra những cam kết đáng kể về khí hậu, vẫn phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Quả thật, Trung Quốc hiện đã nới lỏng các hạn chế đối với khai thác than trong ba tháng cuối năm nhằm duy trì hoạt động và giữ cho chuỗi cung ứng vận hành, có nghĩa là Trung Quốc sẽ đốt và nhập khẩu nhiều than hơn trong năm nay so với năm ngoái, làm vi phạm nghiêm trọng các cam kết về khí thải của quốc gia này cũng như cơ hội của thế giới trong việc tránh những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu.
Hơn nữa, cuộc khủng hoảng năng lượng của Trung Quốc có thể gây thiệt hại cho người tiêu dùng trên toàn cầu vì tình trạng thiếu năng lượng đã buộc sản xuất của Trung Quốc chậm lại vào thời điểm nhu cầu hàng hóa do Trung Quốc sản xuất đang tăng cao khi người tiêu dùng bắt đầu chi tiêu trở lại thời hậu Covid. Và cuộc khủng hoảng năng lượng chỉ là sự kiện mới nhất trong chuỗi dài các sự kiện không may liên quan đến đại dịch đối với chuỗi cung ứng toàn cầu, bao gồm tình trạng thiếu nhân công, thiếu vi mạch và thiếu vận chuyển. Điều này có nghĩa là chúng ta có thể chứng kiến giá cả tăng trên tất cả các loại hàng hóa trong khi lạm phát đang leo thang ở nhiều quốc gia.
Để đạt được phát thải ròng bằng 0 sẽ đòi hỏi một hành động cân bằng cực kỳ khéo léo khi thế giới phải chật vật để thoát khỏi nhiên liệu hóa thạch trong khi giữ cho nền kinh tế vận hành trơn tru. Cuộc khủng hoảng hiện nay có thể chỉ là một trong nhiều trục trặc tương tự sắp xảy ra. Tuy nhiên, nếu những khó khăn này tiếp tục khiến các quốc gia thiếu năng lượng quay trở lại với than đá, như hiện nay đã diễn ra, thì điều đó sẽ gây vấn đề lớn cho khí hậu. Quá trình chuyển đổi xanh có thể sẽ không dễ dàng hay suôn sẻ và gần như chắc chắn sẽ tiếp tục gây tổn hại cho người tiêu dùng trong quá trình này, nhưng giải pháp thay thế còn tồi tệ hơn nhiều.
Nguồn tin: xangdau.net