Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Việc giải phóng SPR chỉ kích hoạt một đợt bán tháo ngắn ngủi

 

Báo chí đưa tin về việc Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản cùng phối hợp xả hàng triệu thùng dầu đã dẫn đến tình trạng bán tháo đối với các hợp đồng dầu kỳ hạn và làm giảm giá các chuẩn dầu trong tuần trước. Tuy nhiên, xu hướng đã đảo ngược trong tuần này khi OPEC+ ngụ ý họ có thể thắt chặt nguồn cung để đáp trả lại việc này.

Ý tưởng giải phóng kho dự trữ đến từ Nhà Trắng, vốn đang loay hoay tìm mọi cách kiềm chế giá nhiên liệu bán lẻ trong bối cảnh lạm phát tăng cao. Theo các báo cáo, Tổng thống Biden đã tiếp cận chính phủ các nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc với đề nghị họ cùng nhau giải phóng dầu từ kho dự trữ chiến lược nhằm phát tín hiệu cho OPEC thấy rằng những nước tiêu thụ dầu lớn cũng có thể thay đổi giá, giống như các nhà sản xuất lớn.

Ban đầu, triển vọng của việc xả kho dầu phối hợp là không rõ ràng, nhưng sau đó Trung Quốc thông báo họ đang chuẩn bị cho một cuộc đấu giá mới mà sẽ chào bán dầu thô từ kho dự trữ chiến lược của mình. Sau đó, Nhật Bản cho biết họ đã tìm ra cách để giải phóng hợp pháp dầu thô từ nguồn dự trữ chiến lược của mình.

Quốc gia này đã đặt vấn đề với tính hợp pháp của một động thái như vậy khi luật quy định dầu từ kho dự trữ chiến lược chỉ có thể được giải phóng trong những thời điểm thiếu hụt hoặc trong trường hợp xảy ra thiên tai, nhưng tình huống hiện nay đều không phải hai trường hợp này. Tuy nhiên, theo bản tin của Bloomberg, việc rút dầu từ kho dự trữ là hợp pháp nếu nó được thực hiện từ nguồn cung dư thừa.

Ban đầu, Ấn Độ phản đối động thái này, nói rằng nó sẽ không mang lại hiệu quả như mong muốn, nhưng theo thông tin cập nhật mới nhất về chủ đề này từ Bloomberg, dẫn nguồn tin giấu tên, chính quyền ở New Delhi đang thảo luận về thời điểm giải phóng kho dự trữ và phối hợp với những nước tiêu thụ dầu lớn khác.

Về phía Mỹ, nước này đã công bố việc giải phóng kho Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược vào ngày hôm qua. Và đó là một mức đáng kể với 50 triệu thùng được tung ra trong vài tháng, theo một thông cáo báo chí từ Nhà Trắng.

Theo Warren Patterson, người đứng đầu bộ phận chiến lược hàng hóa tại ING Groep, ngay cả “việc giải phóng 35 triệu thùng từ Hoa Kỳ cũng sẽ rất đáng kể. Nguy cơ về các hạn chế liên quan đến Covid trong mùa đông này và các đợt giải phóng SPR tiềm năng có thể đủ để thuyết phục OPEC+ tạm dừng việc tăng nguồn cung”.

Trong khi những nước tiêu thụ dầu lớn đối đầu với OPEC thông qua việc giải phóng kho dự trữ, thì các quỹ đầu cơ vẫn tiếp tục bán tháo, theo nhà báo John Kemp của Reuters. Các quỹ đã bán 34 triệu thùng dầu West Texas Intermediate và 18 triệu thùng dầu Brent trong tuần trước, trong tổng số 57 triệu thùng được bán trong sáu hợp đồng dầu thô và sản phẩm dầu được giao dịch nhiều nhất.

Hệ quả của việc bán tháo này là giá dầu gần đây đã sụt giảm, đặc biệt là vì dấy lên lo ngại về nhu cầu ở một số nơi trên thế giới như châu Âu bởi đợt bùng phát dịch mới nhất, ngay cả ở những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao, chẳng hạn như Đan Mạch. Điều này làm tăng thêm sức thuyết phục cho lập luận của OPEC về sự không chắc chắn của nhu cầu trong những tháng tới và gợi ý rằng họ có thể cần xem xét lại quyết định bổ sung 400.000 thùng/ngày vào tổng sản lượng hàng tháng. Điều này, được thực hiện nhằm đáp trả lại việc phối hợp giải phóng kho dự trữ dầu của các nước, và nó có thể sẽ đẩy giá dầu lên cao hơn nữa bất chấp những lo ngại về nhu cầu.

John Kilduff, đối tác sáng lập tại Again Capital, cho biết: “Các chiến tuyến đang được vạch ra. Chắc chắn, OPEC và Ả Rập Xê Út có thể giành chiến thắng, ở chỗ họ đang nắm giữ tất cả các quân bài. Họ có thể giữ không cho nhiều dầu hơn ra thị trường so với lượng dầu được giải phóng khỏi SPR. Nếu bạn thấy WTI xuống dưới 70 đôla, thì tôi đoán là sẽ có phản hồi từ OPEC+”.

Nguồn tin: xangdau.net

ĐỌC THÊM