Nhà máy Ethanol Bình Phước
Bộ Công Thương cho biết sẽ sớm triển khai kế hoạch đưa hai nhà máy nhiên liệu sinh học đang "đắp chiếu" của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam hoạt động trở lại để đảm bảo lộ trình sử dụng hoàn toàn xăng E5 từ đầu năm 2018.
Bộ Công Thương cho biết trong 4 nhà máy chuyên cung cấp etanol nhiên liệu để phối trộn lượng xăng sinh học E5 trên cả nước hiện nay thì Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) có 3 nhà máy đang dừng hoạt động do chưa có thị trường tiêu thụ, đó là Nhà máy sản xuất Bio-Ethanol Dung Quất (Quảng Ngãi), Nhà máy Ethanol Bình Phước và Nhà máy Nhiên liệu sinh học Ethanol Phú Thọ.
Theo đó, chủ yếu nguồn cung thời gian qua là đến từ 2 Nhà máy Nhiên liệu sinh học của Công ty TNHH Tùng Lâm với tổng công suất: 200.000 m3/năm (200 triệu lít/năm) đủ để phối trộn 3,9 triệu m3 (3,0 triệu tấn) xăng sinh học E5/năm.
Bộ Công Thương cho biết nếu hai Nhà máy Ethanol Bình Phước và Bio-Ethanol Dung Quất đi vào hoạt động thì sẽ cung cấp ra thị trường với công suất 100.000 m3/năm (100 triệu lít/năm). Trường hợp này thì trong năm 2017, cả nước sẽ có nguồn cung khoảng 400.000m3 E100, hoàn toàn đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng cho năm 2018.
Chính vì vậy, Bộ Công Thương hiện đang nỗ lực đưa 2 nhà máy này khẩn trương hoạt động trở lại, dự kiến sẽ khởi động lại chậm nhất là cuối năm 2017.
Nhu cầu cũng như lộ trình bắt buộc phải dùng hoàn toàn xăng E5 sắp đến gần đồng nghĩa với việc 2 nhà máy của PVN phải đi vào hoạt động trước năm 2018 để đáp ứng đủ nguồn cung cho thị trường. Vì vậy, đây sẽ là điều kiện tiên quyết để 2 nhà máy trên được "cứu sống" trong thời gian sớm nhất, thậm chí đây sẽ là 2 dự án được "ưu tiên" giải cứu nhanh nhất trong 12 dự án thua lỗ của ngành Công Thương.
Nhưng "cứu" ra sao mới là vấn đề cốt lõi. Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho rằng PVN sẽ có nhiều nguồn vốn và giải pháp xử lý. Nếu đầu tư dự án thua lỗ có thể trích lập quỹ dự phòng. Trong đó, phương án ưu tiên vẫn là khởi động lại dự án, sau đó mới thoái vốn.
Đưa ra phương án cụ thể cho từng dự án, lãnh đạo Bộ Công Thương nêu rõ, với dự án Nhà máy sản xuất Bio-Ethanol Dung Quất, quan điểm là khởi động lại dự án sau đó mới thoái vốn, chuyển nhượng vốn.
Với Dự án Nhà máy Ethanol Bình Phước, PVN và phía nhà máy cần làm việc với đối tác để sớm khởi động lại dự án, bởi việc khởi động dự án không chỉ liên quan đến nguồn vốn mà còn liên quan đến lộ trình thay thế và sử dụng xăng sinh học E5 từ đầu năm 2018.
Nhà máy Nhiên liệu sinh học Ethanol Phú Thọ cũng là một trong những nhà máy cung cấp nhiên liệu sinh học của PVN được Bộ Công Thương đề cập đến trong tiến trình sử dụng xăng E5. Song, với tình hình khó khăn của dự án thì phương án dừng và tiến hành phá sản sẽ là lựa chọn ưu tiên.
Bộ Công Thương cho biết đến nay đã thành lập đoàn công tác làm việc với các đầu mối sản xuất và kinh doanh xăng dầu, nhà máy sản xuất ethanol sinh học, Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn nhằm đôn đốc các đơn vị khẩn trương đẩy nhanh tiến độ và chuẩn bị đầy đủ về cơ sở hạ tầng vật chất, kỹ thuật, nghiêm túc triển khai thực hiện kinh doanh xăng E5 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đảm bảo từ ngày 1.1.2018, chỉ cho phép sản xuất kinh doanh xăng E5 RON 92 và xăng khoáng RON 95.
Vào ngày 6.7 vừa qua, Bộ Công Thương đã tổ chức buổi làm việc với 26 đầu mối kinh doanh xăng dầu trên mặt đất để chỉ đạo các doanh nghiệp nghiêm túc triển khai thực hiện kinh doanh xăng E5 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời lắng nghe, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp khi triển khai thực hiện lộ trình.
Qua quá trình rà soát, kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, nhà máy sản xuất ethanol nhiên liệu, Bộ Công Thương cho biết tổng lượng xăng tiêu thụ cả nước năm 2016 đạt khoảng 7,4 triệu m3. Trong đó, xăng E5 RON 92 khoảng 590.000 m3, chiếm 8% so với tổng lượng xăng tiêu thụ trên thị trường;
Tổng lượng xăng E5 bán ra trên toàn bộ các địa phương trong cả nước từ tháng 12.2015 đến hết tháng 10.2016 là 630.876 m3, chiếm khoảng 12,15% so với tổng lượng xăng khoáng RON92; 9,21% so với tổng lượng xăng khoáng.
Xu thế sử dụng xăng E5 có chiều hướng tăng dần thể hiện ở lượng xăng E5 RON92 tiêu thụ đạt khoảng 50.000m3/tháng, chiếm 12,18% so với tổng lượng xăng khoáng RON 92.
Về số cửa hàng kinh doanh xăng dầu có bán xăng E5 đạt 1.283 cửa hàng, chiếm 10,07% so với tổng số cửa hàng bán lẻ xăng dầu, trong đó có những tỉnh như Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng, Cần Thơ đạt tỷ lệ 100%.
Trong trường hợp chuyển toàn bộ việc tiêu thụ xăng RON 92 sang xăng sinh học E5 RON 92 bắt đầu từ ngày 1.1.2018, dự báo tổng lượng xăng E5 RON 92 tiêu thụ trên cả nước ước đạt 5,35 triệu m3.
Bộ Công Thương cũng khẳng định với tình hình chuẩn bị và thực hiện hiện nay thì từ đầu năm 2018, nguồn cung xăng sinh học E5 RON 92 hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu thị trường khi thay thế toàn bộ xăng khoáng RON 92 bằng xăng nhiên liệu sinh học E5 RON 92.
Dự án Nhà máy sản xuất Bio-Ethanol Dung Quất (Quảng Ngãi) có tổng mức đầu tư được phê duyệt là hơn gần 1.900 tỉ đồng nhưng đã bị đội vốn lên hơn 2.100 tỉ đồng. Nhà máy chỉ hoạt động cầm chừng, thậm chí không vận hành nhưng vẫn phát sinh nhiều chi phí. Năm 2014 nhà máy lỗ khoảng 164 tỉ đồng.
Dự án Nhà máy Ethanol Bình Phước có tổng mức đầu tư gần 1.500 tỉ đồng, bị đội vốn lên hơn 1.700 tỉ đồng. Đến tháng 3.2013, nhà máy hoàn thành nhưng chỉ hoạt động được 5 đợt, sản xuất hơn 16 triệu lít xăng ethanol. Giá thành sản phẩm cao, tiêu thụ hạn chế nên từ tháng 4.2013 đến nay, nhà máy này hầu như không vận hành thương mại, dự tính mỗi năm dự án bị lỗ khoảng 200 tỉ đồng cho các khoản khấu hao tài sản, lãi vay, bảo dưỡng máy móc thiết bị, chi phí bộ máy.
Nguồn tin: Motthegioi.vn