Thị trường năng lượng toàn cầu và những người trong ngành tin rằng việc Ả Rập Xê-út cắt giảm sản lượng dầu 1 triệu thùng mỗi ngày cho đến cuối tháng 3 năm 2021 là một ý tưởng tốt. Tuy động thái này chắc chắn giúp hỗ trợ giá dầu trong ngắn hạn và làm dấy lên sự lạc quan cho triển vọng giá dầu, vốn bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, nhưng có thể nó sẽ không thuận lợi như những gì thoạt tiên đã tin tưởng.
Việc cắt giảm bất ngờ này cho phép một thỏa thuận sản xuất mới của OPEC+ được thiết lập sau khi các cuộc thảo luận ban đầu thất bại vì một số bên tham gia, đặc biệt là Nga và Kazakhstan, muốn tăng sản lượng. Bằng cách thực hiện cắt giảm, sản lượng dầu của OPEC+ cho 3 tháng đầu năm 2021 sẽ đạt trung bình 22,119 triệu thùng/ngày, giảm 13,6% so với mức 25,6 triệu thùng/ngày được bơm vào năm 2020. Khi việc cắt giảm được công bố, giá dầu đã tăng vọt 10% kể từ đầu năm nay dẫn đến tuyên bố về một sự phục hồi bền vững và giá cao hơn sắp tới.
Giá dầu thô cao hơn sẽ có lợi cho các thành viên OPEC vì nền kinh tế của họ và tài chính của chính phủ phụ thuộc nhiều vào giá và xuất khẩu xăng dầu. Bên hưởng lợi chính là nước sản xuất dầu thô lớn thứ ba thế giới- Nga. Matxcơva không chỉ hưởng lợi từ việc giá dầu cao hơn do Ả Rập Xê-út cắt giảm sản lượng đáng kể mà còn có thể tăng sản lượng dầu trong tháng 2 và tháng 3 năm 2020. Trong tháng 1 năm 2021, theo thỏa thuận, Nga có thể bơm trung bình 9,12 triệu thùng dầu mỗi ngày, mà bất ngờ là giống như Ả Rập Saudi. Vào tháng 2 năm 2021, Nga được phép tăng sản lượng 0,7% lên 9,1 thùng/ngày, và sau đó là 0,7% nữa cho tháng 3 lên 9,24 triệu thùng/ngày.
Bằng cách cắt giảm sản lượng, Riyadh có nguy cơ mất thị phần vào thời điểm khi các nước ngoài OPEC đang gia tăng hoạt động khai thác dầu. Các quốc gia Nam Mỹ như Guyana, Brazil, Colombia và Argentina coi sản lượng dầu cao hơn là một cách để tăng cường tăng trưởng kinh tế nhằm giảm thiểu thiệt hại do đại dịch COVID-19 gây ra. Khi sản lượng dầu của họ mở rộng, họ sẽ lấp đầy khoảng trống nguồn cung do Ả Rập Xê Út để lại, đặc biệt là Brazil, khi nhu cầu từ châu Á tăng mạnh đối với các loại dầu thô ngọt trung bình của nước này. Brazil đã kết thúc năm 2020 với tư cách là nhà cung cấp dầu thô lớn thứ tư cho Trung Quốc, một vị trí mà Angola đã soán ngôi trước đó, do xuất khẩu dầu của nước này giảm vì sản lượng thấp hơn do tuân thủ hạn ngạch của OPEC.
Một bên hưởng lợi lớn từ quyết định của Riyadh là ngành công nghiệp dầu đá phiến của Mỹ. Chính sự bùng nổ dầu đá phiến đã đưa Mỹ lên vị trí đầu tiên trong số các nhà sản xuất dầu toàn cầu. Trong năm 2018, Mỹ đã sản xuất trung bình 10.964 thùng mỗi ngày, vượt qua 10.317 thùng của Ả Rập Xê-út, giành vị trí nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới. Ngay cả khi giá dầu suy yếu hơn và dư cung toàn cầu kéo dài cũng không ảnh hưởng nhiều đến sự tăng trưởng của dầu đá phiến Mỹ.
Có nhiều dấu hiệu cho thấy các công ty khoan đá phiến sẽ tăng cường hoạt động để tận dụng giá dầu cao hơn. Dữ liệu từ Baker Hughes cho thấy có 378 giàn khoan đang hoạt động ở Mỹ tính đến thứ Sáu ngày 22 tháng 1 năm 2021. Con số này lớn hơn 5 giàn so với một tuần trước đó và cao hơn 134 giàn so với mức đáy của năm 2020 xảy ra vào giữa tháng 8. Theo Ngân hàng Dự trữ Liên bang Dallas, giá hòa vốn đang giảm liên tục đối với các sản phẩm đá phiến của Mỹ, hiện trung bình từ 46 đến 52 USD/thùng, cùng với giá dầu ổn định hơn đã thúc đẩy hoạt động khoan gia tăng. Điều này cho thấy hoạt động khoan đã tăng lên bất chấp lời kêu gọi của những người trong ngành về việc hạn chế.
Ngành công nghiệp dầu đá phiến Mỹ có một lịch sử tăng trưởng lâu dài không kiểm soát khi các công ty tập trung vào việc tối đa hóa dòng tiền bằng cách nhanh chóng đưa giếng mới vào hoạt động khi giá dầu tăng. Ngay cả khi giá dầu thấp hơn rất nhiều sau khi sụp đổ vào tháng 8 năm 2014, khiến giá dầu WTI giảm xuống dưới 30 USD/thùng cũng không ảnh hưởng nhiều đến tăng trưởng của ngành.
Nhiều người đã suy đoán, ngay cả trước khi có thỏa thuận OPEC+ mới đây và đợt tăng giá dầu sau đó, rằng giá hòa vốn thấp hơn sẽ thúc đẩy hoạt động khoan mới ở Permian và các lưu vực dầu đá phiến lớn khác. Hãng khai thác lớn nhất ở lưu vực Permian, Occidental Petroleum, có vẻ sẽ tiếp tục khoan dù giá dầu thấp hơn. Vào tháng 9 năm 2020, công ty dầu khí quốc gia Ecopetrol của Colombia, liên doanh với Occidental, đã công bố kế hoạch khoan 100 giếng ở Permian trong năm 2021. Ông lớn ExxonMobil đã tuyên bố vào tháng 10 năm 2020 rằng họ dự định tăng sản lượng dầu ở Permian bất chấp việc cắt giảm chi phí và giảm lực lượng lao động. Số lượng giàn khoan hoạt động ở Permian đã tăng liên tục kể từ khi chạm mức thấp nhất năm 2020 là 116 giàn vào giữa tháng 8 năm 2020 lên 188 giàn khoan hoạt động vào thứ Sáu tuần trước.
Đối với một ngành chịu áp lực đáng kể từ các nhà đầu tư và chủ ngân hàng để tạo ra dòng tiền, đáp ứng nghĩa vụ tài chính và tạo ra lợi nhuận, rất khó để thấy các hãng khai thác thực hiện cách tiếp cận hạn chế. Cần nhớ rằng ngành công nghiệp đá phiến Mỹ đã phải chịu đựng một đợt sụt giảm giá dầu trong nhiều năm ở trạng thái tương đối tốt do giá hòa vốn giảm.
Những diễn biến đó cùng với khả năng vận hành linh hoạt hơn, công nghệ cải tiến và cấu trúc hoạt động mỏng hơn đã khiến ngành này đặc biệt nhanh nhẹn. Điều đó có nghĩa là đá phiến của Mỹ có thể nhanh chóng gia tăng hoạt động và khoan các giếng mới. Có một khối lượng lớn các giếng khoan chưa hoàn thành (DUC), đặc biệt là ở Permian, theo dữ liệu của EIA có 3.524 DUC vào cuối tháng 12 năm 2020. Các DUC sẽ hoàn thành và đưa vào sản xuất nhanh chóng hơn so với một giếng thông thường, khi có thể phải mất lên đến 90 ngày từ lúc chọn địa điểm đến khi khai thác. Lượng DUC lớn, theo số liệu EIA tổng cộng là 7.298, có nghĩa là sản lượng dầu đá phiến có thể tăng nhanh chóng. Vì những lý do này, ngành công nghiệp dầu đá phiến của Mỹ sẽ tăng cường hoạt động khoan và phản ứng với giá dầu cao hơn.
Nhu cầu của Trung Quốc đối với dầu nhập khẩu của Mỹ đang tăng nhanh chóng. Trong 11 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu dầu thô của Mỹ sang nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã tăng gấp hai lần rưỡi lên xấp xỉ 16,2 triệu tấn. Mỹ là nhà cung cấp dầu lớn thứ chín cho Trung Quốc, chiếm hơn 3% tổng lượng xăng dầu nhập khẩu của nước này.
Việc cắt giảm sản lượng của Ả-rập Xê-út khiến người mua châu Á đổ xô tìm kiếm các nguồn dầu thô khác khi chứng kiến lượng dầu Biển Bắc được mua kỷ lục, trong khi nhu cầu đối với dầu thô loại Urals của Nga đã tăng vọt. Có rất nhiều nhà sản xuất dầu thô đang háo hức tìm cách lấp đầy khoảng trống nguồn cung từ việc cắt giảm sản lượng của Ả Rập Xê Út. Các nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ có vị trí độc nhất để lấp đầy khoảng trống đó. Một lý do quan trọng khiến dầu thô của Mỹ đến Trung Quốc tăng mạnh là do nhu cầu dầu thô ngọt nhẹ đang tăng nhanh. WTI Midland có tỷ trọng API từ 40 đến 44 độ và hàm lượng lưu huỳnh cực thấp dưới 0,2%, rất thích hợp để tinh chế thành nhiên liệu có hàm lượng lưu huỳnh thấp chất lượng cao bao gồm dầu chạy tàu biển tuân thủ theo quy định IMO2020.
Trong khi đó, loại dầu thô xuất khẩu chính của Ả Rập Xê Út có tỷ trọng API là 33 độ và 1,77%, đặc biệt chua khiến nó kém hấp dẫn hơn đối với các nhà lọc dầu châu Á vốn đang tìm kiếm dầu thô có hàm lượng lưu huỳnh thấp. Ngành công nghiệp dầu đá phiến của Mỹ có thể sẽ gây bất ngờ cho thị trường năng lượng một lần nữa trong năm 2021, với sản lượng hàng năm có khả năng cao hơn mức 11,1 triệu thùng hàng ngày mà EIA dự đoán.
Quyết định bất ngờ của Ả Rập Xê-út trong việc gánh vác gánh nặng của OPEC cộng với việc cắt giảm sản lượng bằng cách cắt giảm 1 triệu thùng/ngày trong ba tháng đã hỗ trợ giá dầu vào thời điểm quan trọng khi các đợt phong tỏa và hạn chế đi lại do COVID-19 đang kìm hãm nhu cầu dầu nghiêm trọng. Quyết định này rất có thể là một đòn giáng mạnh cho Riyadh. Nó không chỉ cho thấy rằng Ả Rập Xê-út cuối cùng đã nhận ra chiến lược mở van sản xuất để đẩy giá dầu xuống và buộc các nhà sản xuất đá phiến của Mỹ ngừng sản xuất đã thất bại, mà còn đe dọa thị phần của quốc gia này.
Các nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ sẽ không hạn chế cũng như không bỏ qua khả năng củng cố dòng tiền cần thiết bằng cách tận dụng giá dầu thô cao hơn và thúc đẩy sản xuất. Nhiều công ty khoan dầu của Mỹ đã dự tính mở rộng sản xuất để kiếm tiền từ mức giá hòa vốn thấp hơn cho các giếng dầu đá phiến mới và nhu cầu dầu thô ngày càng tăng được kích hoạt bởi vắc xin COVID-19 và gói kích thích kinh tế của Mỹ.
Mặc dù việc cắt giảm bất ngờ đã mang lại cho Ả Rập Xê Út quyền lực lớn hơn trong việc định giá, giảm áp lực tài khóa và có khả năng lấy lòng chính quyền mới của ông Biden, nhưng nó sẽ dẫn đến thị phần của nước này và sản lượng dầu toàn cầu bị mất nhiều hơn. Do đó, sự mất mát trong dài hạn của Riyadh có thể lớn hơn nhiều so với những gì đạt được trong ngắn hạn.
Nguồn tin: xangdau.net