Ý tưởng rằng dầu thô có thể một lần nữa đạt mức giá ba con số nghe có vẻ vô lý vào thời điểm nhu cầu suy giảm trong bối cảnh đại dịch khiến dầu bị kẹt ở mức 50 đô la. Tuy nhiên, có một điều mà bất kỳ thị trường nào cũng thay đổi và nhiều người kỳ vọng vắc xin sẽ thúc đẩy nhu cầu trước khi kết thúc năm nay. Trên thực tế, một số đang cảnh báo về tình trạng thiếu hụt dầu sắp diễn ra. Và các ông lớn trong ngành dầu mỏ (Big Oil) đang cắt giảm các hoạt động thăm dò.
Reuters đưa tin trong tuần này, trích dẫn dữ liệu từ Rystad Energy, rằng các vụ mua lại hợp đồng cho thuê đất trên đất liền và ngoài khơi của 5 công ty dầu mỏ hàng đầu thế giới đã giảm xuống mức thấp nhất trong ít nhất 5 năm vào năm 2020. Tất nhiên, phần lớn sự sụt giảm này là do đại dịch, nhưng cũng chính đại dịch đang thúc đẩy một sự thay đổi có khả năng vĩnh viễn trong chương trình nghị sự của Big Oil.
Một báo cáo khác của Reuters dẫn nguồn tin từ các công ty cũng cho biết BP đã giảm 7 lần đội ngũ thăm dò dầu khí của hãng trong tuần này. Từ hơn 700 người cách đây vài năm, giờ chỉ còn chưa đầy 100 người trong nhóm này, những người còn lại bị sa thải hoặc chuyển sang các bộ phận năng lượng carbon thấp — đây là ưu tiên hàng đầu của BP trong tương lai.
Có lẽ việc cắt giảm các hoạt động thăm dò là hoàn toàn hợp lý bởi sự thay đổi trong các ưu tiên của BP và những công ty trong cùng ngành. Big Oil hiện nay đang tập trung về năng lượng tái tạo, xe điện và lưu trữ năng lượng. Tất cả các ông lớn dầu mỏ của châu Âu đều có một số kế hoạch hoặc cách khác để giảm sản lượng dầu trong dài hạn. Chẳng hạn, BP dự kiến đạt mức giảm 1 triệu thùng/ngày vào năm 2030.
Sự thay đổi về các ưu tiên của những hãng dầu lớn của châu Âu chủ yếu là do châu Âu thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng nhằm mục đích truất ngôi dầu - và sau đó là khí đốt – khỏi vị trí hàng đầu khi các nguồn năng lượng trả lại cho năng lượng mặt trời và gió. Các nền kinh tế châu Á cũng có những kế hoạch đầy tham vọng theo hướng này, điều này hẳn đã giúp tạo động lực cho Big Oil. Tuy nhiên, có một khả năng nhỏ là có thể họ đã đánh giá quá cao tốc độ chuyển đổi năng lượng.
Gần đây, một tổ chức tư vấn của Đức đã vui mừng về thành tựu mới nhất của Châu Âu trong quá trình chuyển đổi: lần đầu tiên năng lượng tái tạo chiếm một phần lớn hơn trong sản xuất điện của Châu Âu so với nhiên liệu hóa thạch. Ở mức 38%, gió, năng lượng mặt trời và thủy điện đánh bại dầu, than đá và khí đốt, xét theo điểm phần trăm.
Tuy nhiên, sự sụt giảm nhu cầu năng lượng tổng thể, công bằng mà nói, là do đại dịch gây ra vào năm ngoái, điều này có thể đã đóng một vai trò quan trọng trong sự thay đổi tình hình cung cấp năng lượng của châu Âu. Gần đây, chúng ta đã thấy bằng chứng về điều này: đầu tháng này, một đợt lạnh vào mùa đông điển hình ở châu Âu đã đẩy giá khí đốt tự nhiên lên mức cao nhất trong nhiều năm khi sản lượng điện gió giảm. Năng lượng mặt trời thường không ở mức tốt nhất trong mùa đông.
Về dầu mỏ, trên thực tế, mọi ngân hàng và hãng tư vấn năng lượng đều dự báo nhu cầu sẽ phục hồi ngay sau khi đủ số người được tiêm chủng để cuộc sống bắt đầu trở lại bình thường. Nhu cầu dầu mạnh vẫn là một phần của sự bình thường nên đã đủ nói lên rằng: quá trình chuyển đổi năng lượng sẽ không diễn ra nhanh như nhiều người có thể hy vọng, trong đó có cả một số Big Oil.
Dự báo nhu cầu dầu tăng đã làm gia tăng cảnh báo về sự thiếu hụt có thể xảy ra ngay trong năm nay. Điều này có thể xảy ra hoặc có thể không xảy ra, nhưng những cảnh báo như vậy gợi ra khả năng Big Oil, với sự thu hẹp nhanh chóng hoạt động khai thác dầu khí mới, có lẽ là “đang cầm đèn chạy trước ô tô” về vấn đề chuyển đổi năng lượng. Ngay cả khi EU có ý định không khuyến khích đầu tư vào sản xuất dầu và khí đốt trên toàn cầu.
Nguồn tin: xangdau.net