Việc OPEC + quyết định duy trì mức cắt giảm hiện tại qua tháng 3 đã gây bất ngờ cho thị trường dầu vì nó khác với kế hoạch của nhóm được công bố vào tháng 12 năm ngoái mà đã giúp đưa giá dầu lên trên 60 USD.
Giá dầu thô tăng vào tuần trước và kết thúc trong phạm vi 65- 70 USD. Lo ngại về tốc độ phục hồi của nền kinh tế toàn cầu dường như là một trong những động lực chính để OPEC + duy trì mức tăng sản lượng ở mức tối thiểu. Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Xê Út đã liên tục bày tỏ những lo ngại của mình về nền kinh tế toàn cầu hai tuần trước cuộc họp OPEC + và ông chỉ ra rằng các nhà sản xuất không nên tự mãn với mức giá hiện tại.
Một yếu tố khác cần xem xét đó là thực tế rằng gần 5 triệu thùng sản lượng của OPEC mỗi ngày đã không được đưa vào thị trường kể từ tháng 5 năm ngoái. Việc đưa bất kỳ thùng dầu nào trong số này trở lại cũng đều có thể khiến giá giảm xuống dưới 60 đô la, làm giảm dòng tiền cho các nước thành viên và dẫn đến mất cơ hội bù đắp cho những tổn thất đã mất trong đại dịch.
Một trong những trụ cột hỗ trợ chính là việc Ả Rập Xê-út bất ngờ duy trì mức cắt giảm 1 triệu thùng/ngày vào tháng Tư, và việc miễn trừ cho Nga được tăng sản lượng chỉ 130.000 thùng/ngày có thể đã hỗ trợ nhóm đạt được đồng thuận.
Hơn nữa, OPEC + không kỳ vọng đá phiến của Mỹ sẽ thúc đẩy sản xuất khi giá tiếp tục tăng, tạo cơ hội cho các nhà sản xuất bù đắp doanh thu bị mất đồng thời bảo toàn thị phần của họ. Để dầu đá phiến quay trở lại, chúng ta cần (1) nhu cầu dầu trở lại mức trước đại dịch, và (2) mức giá hiện tại được duy trì trong một thời gian dài. Đây là điều cần thiết để khôi phục niềm tin đầu tư vào ngành công nghiệp đá phiến đồng thời giảm thiểu rủi ro. Báo cáo EIA tuần trước cho thấy sản lượng của Mỹ ở mức 10 triệu thùng/ngày, thấp hơn 3,1 triệu thùng/ngày so với mức một năm trước. Theo các kịch bản sản xuất hiện tại, giá được dự báo sẽ trên 70 USD trong tháng 3 được hỗ trợ bởi triển vọng thị trường thắt chặt quá mức, tỷ lệ tiêm chủng toàn cầu ngày càng tăng và khả năng một số quốc gia trở lại tình trạng bình thường trước khủng hoảng ngày càng cao. Nhu cầu nhiên liệu tại Mỹ hiện đang được cải thiện, đặc biệt là xăng và dầu hỏa với nhu cầu tăng lần lượt 942.000 thùng/ngày và 305.000 thùng/ngày, đạt mức tương ứng là 8,15 triệu thùng/ngày và 1,29 triệu thùng/ngày.
Nhập khẩu dầu của Mỹ cũng đang tăng, trong khi xuất khẩu hầu như không thay đổi, cho thấy nhu cầu tăng trong bối cảnh sản lượng nội địa giảm. Ảnh hưởng của đợt đóng băng vẫn còn nhìn thấy đối với lĩnh vực lọc dầu, vì lượng dầu thô đầu vào cho các nhà máy lọc dầu gần đây nhất được báo cáo là 9,9 triệu thùng/ngày, phản ánh mức giảm 5,7 triệu thùng/ngày so với mức bình thường vào năm ngoái. Hầu hết nhu cầu xăng tăng được đáp ứng bằng cách sử dụng xăng dự trữ, vốn đã giảm 13,6 triệu thùng so với tuần trước đó. Những con số này sẽ được cải thiện trong những tuần tới khi các nhà máy lọc dầu trên Vịnh Mexico bắt đầu hoạt động trở lại.
Cuối tuần trước, Thượng viện Mỹ đã thông qua gói cứu trợ trị giá 1,9 nghìn tỷ USD, được cho là sẽ làm tăng lạm phát giá do đầu cơ. Có vẻ như các mức giá và thậm chí cả đường cong kỳ hạn dường như không đủ để thúc đẩy OPEC đưa ra quyết định nới lỏng cắt giảm, và có lẽ khi chúng ta thấy sự mở cửa nhiều hơn của các nền kinh tế toàn cầu, sự gia tăng các chuyến bay và chiến dịch tiêm chủng mở rộng, thì OPEC + có thể sẽ nới lỏng cắt giảm để đáp ứng tăng trưởng nhu cầu có thể diễn ra vào một thời điểm nào đó trong Q2/2021.
Tuần trước, cuộc họp OPEC + đã chứng kiến một số kết quả bất ngờ, và rất khó để dự đoán diễn biến tiếp theo vào tháng Tư và những tháng sau đó. Bây giờ chúng ta có hai động lực, cắt giảm của OPEC + và quan trọng không kém là việc cắt giảm tự nguyện của Ả Rập Xê Út. Nói chung, chúng tôi cho rằng các nhà cung cấp sẵn sàng tăng sản lượng khi giá tiếp tục tăng, tuy nhiên khi nào các nhà sản xuất trong OPEC được thuyết phục làm như vậy thì vẫn chưa chắc chắn.
Ngay cả khi OPEC + đồng ý về việc tăng sản lượng vào tháng Tư, thì Ả Rập Xê-út có thể vẫn sẽ không vội vàng nới lỏng việc cắt giảm tự nguyện ngay lập tức. Các tuyên bố từ Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Xê Út đã xác nhận điều đó trong cuộc họp báo vừa qua, cho thấy rằng những đợt cắt giảm này có thể tiếp tục trong suốt Q2 năm 2021 và những thùng dầu này sẽ được đưa trở lại theo từng giai đoạn. Điều này cho thấy giá sẽ được hỗ trợ không chỉ bởi việc cắt giảm của OPEC + mà còn bởi việc cắt giảm tự nguyện của Ả Rập Xê Út trong Q2 năm 2021.
Tuần này, Brent đã giao dịch trong thời gian ngắn trên 70 USD, do căng thẳng gia tăng ở Trung Đông, khi phiến quân Houthi gây ra các cuộc tấn công vào các cơ sở dầu khí tại thành phố Ras Tanura của Saudi Aramco vào cuối tuần qua. Sau đó, có vẻ như phần bù rủi ro địa chính trị đối với dầu đã quay trở lại khi thị trường dầu một lần nữa đang thắt chặt hơn.
Nguồn tin: xangdau.net