Saudi Arabia có thể muốn phạt Nga vì từ bỏ liên minh, đồng thời củng cố ngôi xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới bằng chiến lược giá liều lĩnh.
Giá dầu thô sáng nay có lúc giảm tới hơn 30% - mạnh nhất kể từ năm 1991. Cả Brent và WTI đều về đáy 4 năm và giao dịch quanh 30 USD một thùng. Hiện tại, mức giảm co hẹp về 18%.
Dầu thô lao dốc sau khi Saudi Arabia hạ giá bán chính thức (OSP) với các sản phẩm thêm 6 – 8 USD một thùng và công bố kế hoạch tăng sản xuất mạnh tay, châm ngòi cho cuộc chiến giá. Thứ sáu tuần trước, OPEC và Nga không thể thống nhất giảm thêm sản lượng để cứu giá dầu, trong bối cảnh chịu tác động của Covid-19.
Quốc gia này trước đó vẫn muốn lãnh đạo Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và Nga giảm sản lượng sâu hơn nữa, nhằm hỗ trợ giá trong bối cảnh thị trường chịu tác động từ Covid-19. Tuy nhiên, ngay khi Nga từ chối kế hoạch, Saudi Arabia lập tức phản đòn với đồng minh đã cùng họ cứu thị trường từ năm 2016.
Công nhân tại một cơ sở khai thác dầu ở Texas (Mỹ). Ảnh: Reuters
Giới phân tích cho rằng phản ứng của Riyadh nhằm trừng phạt Nga vì từ bỏ liên minh OPEC+ (gồm OPEC và các đồng minh không thuộc tổ chức này). Một nguyên nhân khác là Saudi Arabia muốn củng cố vị trí là nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới. Họ sẵn sàng thách thức Nga và các nước sản xuất dầu chi phí cao khác.
"Các nước OPEC đã đồng thuận cắt giảm sản xuất. Nhưng Nga lại phản đối và nói rằng từ ngày 1/4, ai cũng có thể sản xuất tùy ý. Vì thế, Saudi Arabia cũng thực thi quyền lợi của mình thôi", Financial Times trích lời một nguồn tin thân cận cho biết.
Giới phân tích chỉ băn khoăn về cách tiếp cận của Saudi Arabia. Vì nền kinh tế này không hề miễn nhiễm với việc giá giảm, dù có giành được thị phần từ đối thủ đi chăng nữa. Dù vậy, dưới thời Thái tử Mohammed bin Salman, vương quốc này đã trở nên nổi tiếng với những bước đi liều lĩnh và khó đoán, với mong muốn khẳng định bản thân.
Lý do Nga không đồng ý cắt giảm
Nga cho biết muốn nhìn thấy tác động toàn diện của dịch bệnh lên nhu cầu dầu, rồi mới có động thái. Tuy nhiên, Moskva cũng muốn làm phép thử với ngành dầu đá phiến Mỹ. Họ tin rằng hạ sản lượng sẽ chỉ càng giúp lĩnh vực này sống khỏe, giúp Mỹ củng cố ngôi sản xuất dầu lớn nhất thế giới và nẫng tay trên các khách hàng của Nga.
Các lệnh trừng phạt của Mỹ lên hãng năng lượng Nga, và nỗ lực chặn đường ống khí đốt Nord Stream 2 từ Nga sang Đức càng khiến nước này tức giận.
Ngành dầu đá phiến Mỹ vẫn đang chật vật với việc sinh lời, bất chấp tăng trưởng cả thập kỷ qua. FT trích lời một nguồn tin thân cận cho biết Nga cho rằng đây là cơ hội tấn công ngành dầu mỏ Mỹ. "Tổng sản lượng cắt giảm dầu mỏ của OPEC+ đã rất nhanh chóng được thay thế bằng dầu đá phiến Mỹ", người phát ngôn hãng dầu mỏ Rosneft (Nga) cho biết hôm Chủ nhật.
Điều gì sẽ xảy ra với ngành dầu đá phiến Mỹ?
Giá giảm xảy đến đúng vào thời kỳ khó khăn của các hãng dầu đá phiến Mỹ. Sản xuất tại nước này tăng vọt trong thập kỷ qua, vượt cả Nga và Saudi Arabia. Tuy nhiên, ngành này cũng đã đốt rất nhiều tiền đi vay, khiến các nhà đầu tư phật ý. Giá giảm chắc chắn khiến họ chịu thiệt hại
Việc giá dầu năm nay lao dốc đã khiến rất nhiều kế hoạch mở rộng sản xuất bị cân nhắc lại. Dù vậy, nguồn cung có thể không chịu nhiều tác động. Nhiều hãng sản xuất nhỏ, độc lập đã phòng trừ trường hợp này. Nguồn cung khó có thể giảm đột ngột.
"Theo quan điểm của chúng tôi, sản xuất dầu đá phiến Mỹ sẽ không giảm nhanh như Nga mong muốn", Ayham Kamel - lãnh đạo phụ trách khu vực Trung Đông và Bắc Mỹ tại Eurasia Group cho biết.
Tuy nhiên, nhiều hãng sẽ khó tìm nguồn tài chính mới. Nhiều công ty trước đó đã phát hành trái phiếu ‘rác’ (dưới mức có thể đầu tư).
Còn với Tổng thống Mỹ Donald Trump, giá dầu giảm có thể là bài toán khó. Hạ giá dầu là một trong những cam kết quan trọng của ông với cử tri Mỹ. Tuy nhiên, giá liên tục đi xuống sẽ gây khó cho các bang phụ thuộc vào năng lượng như Texas hay Bắc Dakota.
Dịch bệnh bùng phát đã xóa tan kỳ vọng giá dầu hồi phục đầu năm nay. Nhu cầu dầu toàn cầu năm 2020 được dự báo giảm - lần đầu tiên trong 10 năm. Nguyên nhân là nhu cầu đi lại tụt dốc. Khi dịch bệnh vẫn đang lan rộng, triển vọng ngắn hạn của dầu thô cũng u ám theo.
Saudi Arabia có thể đang hy vọng giá dầu giảm mạnh sẽ buộc Nga ngồi vào bàn đàm phán. Dù vậy, việc này dường như là không thể. "Cách tiếp cận mới của Saudi Arabia chỉ càng khiến lập trường của Nga thêm cứng rắn mà thôi", Amrita Sen - nhà phân tích tại Energy Aspects cho biết.
Điều gì xảy đến với các hãng sản xuất dầu lớn?
Sau đợt lao dốc năm 2014, các công ty như Royal Dutch Shell, BP and ExxonMobil đều đã phải cắt giảm chi phí, bán bớt tài sản và thu hẹp quy mô hoạt động để có lợi nhuận. Tuy nhiên, lần này họ lại phải chịu các áp lực mới.
Các công ty đang vừa phải duy trì cổ tức, vừa giảm vay nợ và tìm các nguồn năng lượng mới. Khi giá dầu xuống dưới 40 USD, rất nhiều nhà đầu tư ngờ vực tính khả thi của việc này. Cổ phiếu BP hiện mất 18%, còn Royal Dutch Shell mất 21%.
"Các công ty có tỷ lệ đòn bẩy tài chính cao sẽ chịu tác động lớn nhất từ đợt lao dốc này", Neil Beveridge - nhà phân tích tại Bernstein kết luận.
Nguồn tin: petrotimes.vn