Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Vì sao khó ngăn chặn vấn nạn buôn lậu dầu thô IS?

 Buôn lậu dầu thổ có thể không phải là nguồn thu nhập lớn nhất của các phần tử cực đoan Nhà nước Hồi giáo, nhưng vẫn là một nguồn hấp dẫn nhất.

Việc buôn lậu dầu thô đem lại cho Nhà nước Hồi giáo (IS) khoảng 100 đến 500 triệu USD mỗi năm. Khoản thu nhập đó, thêm vào khoản tiền thu được qua “thuế”, tống tiền và ăn cắp, đã khiến cho phiến quân IS tự do hoành hành, có thêm các cơ hội để thu hút người và tài trợ.


Phiến quân IS chiếm giữ nhiều mỏ dầu lớn ở Iraq và Syria.

Nhà kinh tế Shatz nói thêm: “Càng có nhiều tiền, họ (ban lãnh đạo IS) càng tài trợ thêm cho những vụ tấn công và điều hành một thứ mà thực ra trông giống như một nhà nước.”

Vậy tại sao liên minh do Mỹ cầm đầu lại không ngăn chặn được tình trạng mua bán dầu thô trái phép này?

Ông Ben Bahney, cũng thuộc Rand Corporation, nói với VOA: “Không dễ gì mà đụng tới vấn đề này”. Theo ông Bahney, sau khi IS bán dầu cho những người trung gian ngay tại giếng, hàng trăm xe tải chở dầu thô cho cả bạn lẫn thù: cho lực lượng chính phủ Syria của ông Bashar al-Assad, cho các khu vực của người Kurd, cho phe nổi dậy được Mỹ hỗ trợ, cho Thổ Nhĩ Kỳ, cho các nhà máy lọc dầu di động và trong nội bộ để cung cấp nhiên liệu cho các hoạt động của IS.

Ông Bahney giải thích, “Chúng ta nói về vấn đề phối hợp địa phương với các đối tác địa phương và khu vực vốn có một loạt những ưu tiên riêng. Và có thể hiểu rằng việc này (buôn lậu dầu thô) có thể không đến mức mà họ thấy đáng phải làm”.

Tổng thống Vladimir Putin đã cáo buộc rằng Ankara bắn hạ chiến đấu cơ của Nga là “để bảo vệ các tuyến cung cấp dầu” cho Thổ Nhĩ Kỳ, một cáo buộc mà Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã cực lực phủ nhận.

Hôm 1/12, Tổng thống Barack Obama cũng khiển trách nước đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Obama nói, “Tôi đã có nhiều cuộc đàm thoại với Tổng thống Erdogan về sự cần thiết phải đóng cửa biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria. Mặc dù đã có một vài tiến bộ nghiêm túc về mặt trận đó, những vẫn có một số sơ hở. Đặc biệt, có khoảng 98 kilomet vẫn còn được sử dụng như điểm trung chuyển cho các chiến binh nước ngoài và ISIL gửi dầu đi bán để giúp tài trợ cho các hoạt động khủng bố của nhóm này”.

Giáo sư Andrew Terrill của Đại học Chiến tranh ở Carlisle, Pennsylvania, nói: “Có rất nhiều giới chức tham nhũng và cũng có một cảm giác mà người Thổ Nhĩ Kỳ đã có trước đây là họ không muốn gây áp lực quá mạnh đối với ISIL bởi vì sẽ không phải là chuyện đặc biệt khó khăn cho ai đó thuộc ISIL bắt đầu tiến hành một chiến dịch đánh bom tự sát ở miền nam Thổ Nhĩ Kỳ”.

Hồi đầu năm nay, các chuyên gia phân tích nói rằng nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo không những chỉ sản xuất mà còn tinh chế dầu thô từ những giếng nằm trong quyền kiểm soát của họ, rồi bán sản phẩm đã tinh chế cho những người trung gian, di chuyển chỗ dầu đó trong khắp vùng, kể cả Thổ Nhĩ Kỳ. Do đó liên minh đã oanh kích các nhà máy lọc dầu của IS.

Ông Bahney nói, “Có một số ước tính rất lạc quan của Bộ Tài chính về mức độ ảnh hưởng đến thu nhập của IS. Các con số ước tính của Bộ Tài chính ban đầu cho thấy thu nhập về dầu của IS sụt xuống mức 2 triệu USD một tuần, nay đã được tính lại thành 10 triệu một tuần”.
Washington, cùng với Pháp và Nga mới đây đã bắt đầu oanh kích những xe tải xếp hàng ở các giếng dầu của IS.

Nhưng ông Michael Lynch, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Kinh tế và Năng lượng chiến lược, cảnh báo rằng về mặt lịch sử khó mà gây gián đoạn cho các cơ sở dầu khí. Ông nói với đài VOA: “Chúng ta có thể giảm thiểu, nhưng không thể thực sự triệt hạ toàn bộ công nghiệp dầu.Vấn đề lớn nhất là những nơi chứa dầu của họ bao gồm rất nhiều giếng nhỏ và tiến hành sửa chữa với kỹ thuật thấp là điều tương đối dễ dàng với họ (IS)”.

Nguồn tin: Kiến Thức

ĐỌC THÊM