Phần lớn lượng dầu mỏ Iraq đang được xuất khẩu sang châu Á, trong đó có thị trường Ấn Độ và Trung Quốc, những nước sẽ đóng góp đáng kể nhất cho tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu trong những năm tới.
Nền kinh tế của Iraq hiện phụ thuộc rất nhiều vào hoạt động xuất khẩu dầu thô - lĩnh vực đóng góp hơn 90% nguồn thu ngân sách của nước này, trong bối cảnh nước này đang cần nguồn vốn đầu tư khổng lồ để tái thiết đất nước.
Ngành năng lượng đã trở thành một trong số ít những điểm sáng của nền kinh tế quốc gia Trung Đông này khi sản lượng khai thác “vàng đen” tăng đáng kể trong những năm qua.
Sản lượng dầu mỏ của Iraq đã đạt gần 5 triệu thùng dầu/ngày trong năm 2018.
Trong năm 2018, ngành công nghiệp dầu mỏ Iraq cũng được hưởng lợi đáng kể từ sự ổn định tại vùng phía Nam nước này - nơi sản xuất phần lớn lượng dầu mỏ của Baghdad. Theo báo cáo, sản lượng dầu mỏ của Iraq đã đạt gần 5 triệu thùng dầu/ngày.
Ngoài ra, Baghdad đã được miễn hạn ngạch cắt giảm sản lượng từ Tổ chức Các nước xuất khầu dầu mỏ (OPEC), trong khi hầu hết các quốc gia thành viên khác trong tổ chức này, phải thực hiện việc hạn chế sản xuất nhằm tránh tình trạng dư thừa nguồn cung để đẩy giá dầu phục hồi. Vì vậy, tầm ảnh hưởng và vị thế của Iraq trong OPEC cũng được cải thiện nhờ sản lượng dầu mỏ gia tăng mạnh trong năm 2018.
Về vai trò của các nước thành viên OPEC, sản lượng dầu mỏ của mỗi nước sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc có “tiếng nói” đối với bất kỳ một quyết định nào của liên minh này. Sản xuất “vàng đen” của Iraq đã đủ “sức mạnh” có thể xoay chuyển tình thế trong các cuộc tranh luận của OPEC liên quan đến việc khai thác dầu. Iraq cũng có mặt trong danh sách các nước thành viên OPEC tham gia Ủy ban giám sát chung tuân thủ sản lượng khai thác để kiểm soát thị trường.
Nhà phân tích Riccardo Fabiano của trung tâm Energy Aspects nhận xét: “Tăng sản lượng dầu mỏ đồng nghĩa với việc Iraq có thể phải đàm phán lại vấn đề hạn ngạch sản xuất trong OPEC và Iraq cũng đang nỗ lực vươn lên vị trí nhà sản xuất dầu mỏ lớn thứ 2, chỉ xếp sau Ả Rập Saudi, với sản lượng gần 12,5 triệu thùng/ngày, cũng là nhà lãnh đạo thực tế của OPEC và có ảnh hưởng nhất trong tổ chức do quy mô và công suất dự phòng lớn.
Tuy nhiên, điểm yếu của ngành công nghiệp dầu mỏ Iraq là việc phải phụ thuộc chủ yếu vào các công ty khai thác năng lượng nước ngoài, hiện đang chiếm gần 2/3 sản lượng dầu mỏ của nước này. Sau nhiều năm chiến tranh, cơ sở hạ tầng của lĩnh vực năng lượng Iraq đã bị phá hủy đáng kể.
Bên cạnh đó, nếu không có công nghệ khoan được cung cấp bởi các công ty dầu mỏ nước ngoài, gồm tập đoàn Shell (Anh), Exxon của Mỹ cùng các công ty năng lượng Lukoil và Rosneft của Nga, ngành dầu mỏ Iraq khó có thể tăng sản lượng lên mức hiện tại.
Baghdad đặt mục tiêu tăng sản lượng từ mức hiện tại lên khoảng 8,5 triệu thùng/ngày vào năm 2025.
Iraq đã đặt mục tiêu tiếp tục tăng sản lượng trong thời gian sắp tới. Trên thực tế, phần lớn lượng dầu mỏ Iraq đang được xuất khẩu sang châu Á, trong đó có thị trường Ấn Độ và Trung Quốc, những quốc gia sẽ đóng góp đáng kể nhất cho tăng trưởng nhu cầu dầu thô toàn cầu trong những năm tới.
Chính quyền Baghdad có tham vọng tăng sản lượng từ mức hiện tại lên khoảng 8,5 triệu thùng/ngày vào năm 2025 sau khi nâng cấp cơ sở hạ tầng của ngành dầu mỏ. Việc tăng mạnh sản lượng dầu bao gồm sản lượng 6,5 triệu thùng dầu từ các mỏ dầu ở phía Nam và 1 triệu thùng dầu khác được bổ sung từ Kirkuk sau khi xây dựng một đường ống dẫn dầu mới đến cảng Ceyhan của Thổ Nhĩ Kỳ.
Bên cạnh đường ống dẫn dầu từ Kirkuk-Ceyhan, được biết các nhà hoạch định chính sách Iraq đang tìm cách hồi sinh đường ống dài từ Bắc Iraq đến Syria và Lebanon.
Mặc dù các kế hoạch này mới đang trong giai đoạn đầu, song điều này cho thấy Iraq đang đầu tư một cách nghiêm túc cho các cơ sở hạ tầng phục vụ xuất khẩu dầu mỏ để đáp ứng các mục tiêu của chính phủ.
Một số nhà phân tích quốc tế nhận định, nhiều khả năng Iraq sẽ không đạt được mục tiêu nâng sản lượng lên 8,5 triệu thùng dầu/ngày, thay vào đó “chỉ đơn giản là” tăng sản lượng lên mức 6 triệu thùng dầu mỗi ngày. Mặc dù giới phân tích dầu mỏ còn tỏ ra hoài nghi với các kế hoạch của Bagdad, họ vẫn không thể phủ nhận thực tế rằng tầm quan trọng của Iraq trên thị trường dầu mỏ thế giới đang tăng nhanh.
Nguồn tin: kinhtedothi.vn