Cơn ác mộng của ngành dầu mỏ đang đến. Trong phiên giao dịch sáng nay (19-3), giá dầu Mars US đã mất mốc 20 USD, rớt xuống còn 16 USD/thùng.
Trong khi đó, giá dầu Opec, vốn dẫn dắt thị trường dầu, đã rớt còn 30,36 USD/thùng. Còn tất cả loại dầu khác đều mất mốc 30 USD.
Theo các chuyên gia quốc tế, giá dầu đã thấp nhất kể từ tháng 2-2002. Và vào thời điểm trên, giá xăng Việt Nam dao động hơn 5.000 đồng/lít.
Ông Louise Dickson, chuyên gia Rystad Energy, cho biết mỗi ngày giá dầu càng lún sâu vì nhu cầu đang sụp đổ một cách chóng mặt.
COVID-19 đang làm sụp đổ ngành du lịch trong khi ngành này có mối quan liên kết chặt chẽ với ngành hàng không với vô số chuyến bay bị hủy. Ngoài ra do nỗi sợ nhiễm bệnh khiến mọi người hạn chế ra đường, nhà máy hoạt động cầm chừng... Những điều này khiến nhu cầu về xăng dầu giảm mạnh.
Trong khi đó, nguồn cung dầu vẫn cung cấp số lượng dư thừa do các nước vẫn tiếp tục sản xuất mạnh.
Ông Louise Dickson bi quan khi cho rằng năm 2020 nhu cầu dầu giảm 2,8 triệu thùng/ngày. Ngân hàng Goldman Sachs cũng tính toán năm 2020, nhu cầu về dầu sẽ giảm 1,1 triệu thùng/ngày và cũng cảnh báo giá dầu còn rớt tiếp dưới 20 USD/thùng trong quý II-2020.
Với Việt Nam, các chuyên gia cho rằng giá dầu rớt dưới 20 USD thì giá xăng Việt Nam cũng không thể ở mức hơn 5.000 đồng/lít như năm 2002. Nguyên nhân, cơ cấu thuế và chi phí xăng Việt Nam chiếm đến 56%. Chưa kể Nhà nước còn tăng quỹ bình ổn giá xăng lên.
Theo quy định, cơ cấu giá xăng phải cõng bốn sắc thuế gồm thuế nhập khẩu 20%, thuế tiêu thụ đặc biệt 10%, VAT 10% và thuế bảo vệ môi trường là 4.000 đồng/lít. Ngoài ra người tiêu dùng còn phải trả lợi nhuận cho các công ty xăng dầu. Tính chung, người tiều dùng phải gánh các chi phí này từ 10.000 đồng/lít.
Mới đây, chiều 15-3, giá xăng E5 giảm 2.290 đồng/lít xuống còn 16.056 đồng/lít; xăng A95 được điều chỉnh giảm 2.315 đồng/lít, còn 16.812 đồng/lít.
Nguồn tin: plo.vn