Nhu cầu tê liệt, kho dầu đầy và thị trường dịch chuyển theo hướng giá tương lai cao hơn giá giao ngay cùng hội tụ khiến giá dầu chìm sâu.
Ảnh minh họa
Phiên giao dịch ngày 20/5, giá dầu thô WTI hợp đồng tháng 5 có thời điểm lao dốc về âm 40,32 USD mỗi thùng, mức thấp nhất lịch sử từng được ghi nhận. Giá dầu WTI hợp đồng tháng 6 giảm 10% còn 22,54% USD mỗi thùng, hợp đồng tháng 7 giảm 5%, còn 28 USD mỗi thùng. Trong khi đó, dầu Brent hợp đồng tháng 6 giảm còn 26,13 USD mỗi thùng.
Theo các nhà phân tích, giá dầu thô của Mỹ rơi xuống mức âm do ngày thứ hai (20/4) hội tụ nhiều yếu tố từ nhu cầu, tình hình lưu trữ và đặc biệt là do hợp đồng tương lai tháng 5 sẽ hết hạn vào ngày 21/4.
Nhu cầu hiện tại quá yếu
COVID-19 bùng phát khiến các quốc gia đã phải đóng cửa để kiểm soát. Nhiều chính phủ áp dụng các biện pháp hạn chế đối với cuộc sống hàng ngày của hàng tỷ người. Nó đã tạo ra một cú sốc nhu cầu chưa từng có ở các thị trường năng lượng, với các kho lưu trực trên bờ lẫn ngoài khơi nhanh chóng bị lấp đầy.
Trong khi OPEC và các đồng minh sản xuất dầu đã chốt thỏa thuận lịch sử hồi đầu tháng 4/2020 để cắt giảm sản lượng 9,7 triệu thùng mỗi ngày, bắt đầu từ ngày 1/5, nhiều ý kiến cho rằng biện pháp vẫn không đủ trước sự sụt giảm nhu cầu.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế đã cảnh báo, nhu cầu dầu trong tháng 4 có thể thấp hơn 29 triệu thùng mỗi ngày so với một năm trước, mức thấp từng được ghi nhận lần cuối vào năm 1995.
"Vấn đề thực sự của sự mất cân đối cung cầu dầu toàn cầu bắt đầu thực sự ở giá của nó", Bjornar Tonhaugen, quản lý thị trường dầu mỏ của Rystad Energy, cho biết, "Khi việc sản xuất tiếp tục không được quan tâm thì các kho dầu đang đầy lên mỗi ngày".
Helima Croft, chiến lược gia mảng hàng hóa tại RBC Capital, thì nói rằng dầu thô đang tràn ngập nhưng các nhà máy lọc dầu không cần tới chúng. "Ngay lúc này, chúng tôi không thấy bất kỳ sự hỗ trợ ngắn hạn nào cho thị trường dầu. Chúng tôi thực sự lo ngại về triển vọng trong ngắn hạn".
Trong khi đó, lưu trữ dầu toàn cầu đang được lấp đầy nhanh chóng, "vượt 70% và tiếp cận mức vận hành tối đa", Steve Steve Puckett, Chủ tịch điều hành của công ty chuyên tư vấn năng lượng TRI-ZEN International, cho biết.
Giới đầu cơ bán tháo
Chiến lược gia Daniel Hynes tại ANZ cho biết, một trong những lý do kéo thảm giá dầu là hợp đồng tương lai tháng 5 hết hạn vào thứ ba (21/4). Thời điểm này, những người giao dịch đầu cơ sẽ bán mạnh ra hết hợp đồng tháng 5 để mua hợp đồng tháng 6, khiến giá giảm mạnh. Tất nhiên, cũng có những thương nhân có nhu cầu thực bên họ giữ hợp đồng hết hạn và giao dầu thô.
Ở một thị trường bình thường, chênh lệch giữa giá giao ngay và hợp đồng tương lai kỳ hạn một tháng có thể chỉ ở mức khoảng 40-50 cent mỗi thùng. Tuy nhiên, hiện tại, nó đã dao động khoảng 60-70 USD mỗi thùng.
Sự chênh lệch giữa giá hợp đồng tháng 5 và tháng 6 hiện là rộng nhất trong lịch sử, theo Jeff Kilburg của KKM Financial. "Đây là hiện tượng kết hợp của hết hạn hợp đồng tháng 5 cùng với cơn rớt giá lịch sử", ông nói.
"Các đường cong diễn biến giá dầu Brent và WTI đang ở trạng thái contango (bù hoãn mua - giá tương lai cao hơn giá giao ngay) rất sâu, nhưng contango cũng rất không đồng đều", Bjarne Schieldrop, nhà phân tích hàng hóa hàng đầu tại SEB, nhận xét.
Thị trường đang ở trạng thái bù hoãn mua nghĩa là các thương nhân tin rằng giá dầu sẽ tăng trong tương lai. Do đó, họ tranh thủ bán hết hợp đồng tháng 5 để mua lại hợp đồng tháng 6 hoặc các hợp đồng kỳ hạn xa hơn.
Niềm tin của họ càng được củng cố khi nhiều chuyên gia dự báo, trong nửa cuối năm, khó khăn về lưu trữ sẽ nhanh chóng được giải quyết vì nhu cầu dầu tăng mạnh nên hàng tồn kho sẽ giảm theo. "Đây là lý do tại sao giá dầu thô Brent năm 2021 đang giữ giá rất tốt, mức 40 USD một thùng", Schieldrop nói thêm. Do vậy, tháng 4 là thời điểm nền kinh tế và nhu cầu dầu đang rơi vào vùng lõm của đường cong và giá cũng thế.
Vì sao dầu WTI giảm sâu hơn?
Đầu tháng này, các nhà phân tích tại Goldman Sachs cảnh báo rằng COVID-19 tạo ra cú sốc rất tiêu cực đối với giá dầu, và khiến dầu sản xuất trên đất liền nằm trong vùng tiêu cực. Trong đó, dầu Brent là loại sản xuất tại vùng Biển Bắc còn dầu WTI là dầu khai thác trong đất liền của Mỹ.
"Đây là một điểm rất quan trọng", chuyên gia Goldman Sachs, bình luận. Theo đó, dầu khai thác ngoài khơi có lợi thế giá tốt hơn so với dầu khai thác trong đất liên như của Mỹ, Canada và Nga. Bởi lẽ, yếu tố địa hình khiến loại dầu này thuận lợi trong việc tiếp cận các tàu chở dầu hơn. Nói một cách đơn giản, dầu Brent đắt nhưng chi phí vận chuyển sẽ thấp hơn nhiều so với dầu WTI.
"Tình hình dầu của Mỹ khá thảm", Daniel Hynes bình luận hôm thứ hai (20/4). Là một thị trường dầu khai thác từ đất liền, Mỹ chịu áp lực thực sự của việc lưu trữ dầu do nhu cầu sụp đổ. "Tôi cho rằng không có bất kỳ hy vọng nào về việc cải thiện trong tháng tới. Giá dầu sẽ vẫn chịu áp lực", Hynes nói.
Trước khủng hoảng này, Samir Madani, Nhà sáng lập TankerTrackers, dự báo rằng thị trường sẽ sớm chứng kiến các nhà khai thác dầu tại Mỹ giảm mạnh sản lượng hơn nữa để "đẩy giá lên cao hơn một chút".
Nguồn tin: vtv.vn