Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Vì sao giá dầu không leo thang theo xung đột Iran và phương Tây?

Khủng hoảng Trung Đông không còn tác động mạnh tới giá dầu thô, một phần do khu vực này không còn vị thế độc tôn về nguồn cung.

Một trong những lo ngại lớn nhất của ngành dầu mỏ là xung đột tại Trung Đông có thể làm gián đoạn giao thương tại eo biển Hormuz - tuyến đường biển vận chuyển dầu chủ chốt của thế giới.

Tuy nhiên, sau việc Iran bắt tàu dầu Anh - Stena Impero thứ sáu tuần trước và chặn một tàu dầu khác do Anh sở hữu, giá dầu chỉ tăng nhẹ. Diễn biến này không hề giống những lần trước.

"Tôi cho rằng dầu đã không còn là phong vũ biểu cho xung đột tại Trung Đông. Vài năm trước, anh có thể đánh giá mức độ nghiêm trọng của khủng hoảng Trung Đông từ giá dầu", Helima Croft - Giám đốc Chiến lược Hàng hóa Toàn cầu tại RBC nhận xét.

Vụ việc xảy ra đúng thời điểm căng thẳng giữa Iran và phương Tây gia tăng. Vài tuần trước, Anh cũng bắt một tàu dầu Iran với cáo buộc tàu chuyển dầu thô tới nhà máy lọc dầu ở Syria. Iran đã bác bỏ điều này. 

Xuồng tuần tra của Iran cạnh tàu dầu bị bắt - Stena Impero. Ảnh: AFP

Thứ ba tuần trước, giá dầu giảm mạnh sau bình luận của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo rằng Iran sẵn sàng nói chuyện về chương trình hạt nhân của nước này. Iran sau đó phủ nhận tin này, nhưng giá dầu không tăng lại như cũ.

"Những điều này không có nghĩa là tình hình không căng thẳng. Nó chỉ cho thấy dầu mỏ không còn là chỉ báo hàng đầu cho cuộc khủng hoảng này mà thôi", Croft cho biết. Bà cho rằng các nhà buôn giờ quan tâm đến chiến tranh thương mại hơn là chiến tranh quân sự.

Coft cho biết lý do chính khiến các nhà buôn không đẩy giá dầu lên cao là nguồn cung khổng lồ từ Mỹ. Mỹ đã vượt Nga và Saudi Arabia để trở thành nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới. Bên cạnh đó, bà cho rằng hoạt động giao dịch dầu mỏ cũng đã thay đổi. Thị trường hiện phụ thuộc nhiều vào máy tính, với ít người chơi lớn hơn trước đây.

"Việc sản xuất tại Mỹ tăng vọt, lên hơn 12 triệu thùng một ngày đã tạo ra một bức tường lửa ngăn cách rủi ro", John Kilduff - nhà phân tích tại Again Capital nhận định, "Nguồn cung vẫn còn rất lớn. Đặc biệt tại Saudi Arabia. Tôi cho rằng đó là điều đang ghìm giá lại".

Kilduff cho biết trong các xung đột lớn trước đây, giá dầu tăng rất nhanh, nhưng chỉ trong thời gian ngắn. Thêm vào đó, thời điểm giá dầu đạt đỉnh cũng không phải do một cuộc xung đột nào cả. "Năm 2008, giá dầu lên tới gần 150 USD, nhưng không phải do một cuộc chiến, mà vì nguồn cung thắt chặt và nền kinh tế khi đó đang trong giai đoạn cuối của chu kỳ bùng nổ", ông nói.

Dù vậy, Kilduff cho rằng giá dầu sẽ tiếp tục tăng nếu những sự việc như trên tiếp tục xảy ra. Trước vụ bắt tàu dầu, Iran cũng bị cáo buộc tấn công nhiều cơ sở dầu mỏ chủ chốt, như sân bay ở Saudi Arabia. Đầu tháng này, Iran còn xác nhận bắn rơi một máy bay không người lái của Mỹ. Nhà Trắng đã sẵn sàng đáp trả bằng biện pháp quân sự, nhưng Tổng thống Mỹ Donald Trump ra lệnh hoãn vào giờ chót.

Giá dầu tuần trước giảm mạnh, khi Brent mất tổng cộng 6,4% - mạnh nhất kể từ cuối năm ngoái. Dầu WTI mất 7,6%, mạnh nhất kể từ tháng 5.

Kilduff cho rằng giá dầu có thể tăng cao hơn, sau khi đã giảm mạnh và các ngân hàng trung ương đang tăng tốc kích thích kinh tế. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) được kỳ vọng hạ lãi suất trong lần họp vào thứ năm tuần này, hoặc lần tới vào tháng 9. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ họp vào cuối tháng, cũng được kỳ vọng giảm lãi.

Nguồn tin: petrotimes.vn

ĐỌC THÊM