Sau nhiều lần giảm giá, xăng dầu trong nước đã giảm khoảng 40% so với thời kỳ cao điểm nhất. Tuy nhiên, khác với thông lệ, trong lần giảm giá gần đây, chỉ riêng dầu diezen chưa được giảm. Giá diezen đã trở thành mặt hàng đắt nhất thay cho giá xăng như trước đây.
Doanh nghiệp thất vọng
PGS Ngô Trí Long - Học Viện Tài chính cho biết, trong lý thuyết cũng như trên thực tế, diezen là là dạng năng lượng lỏng có ý nghĩa quan trong bậc nhất đối với đầu vào của sản xuất.
Các nguồn điện, các dây chuyền máy móc, bốc dỡ và vận tải phục vụ kinh doanh, chạy máy thi công... đều dùng diezen. Vì thế, nếu như việc giảm giá xăng có tác động tới diện rộng là đa số những người tiêu dùng cá nhân thì giảm giá dầu không chỉ tác động tới các DN sản xuất mà còn tác động dây chuyền theo hướng tích cực tới nhiều đối tượng khác.
Giảm giá xăng chủ yếu tác động tơi tiêu dùng cá nhân, còn giá dầu tác động sâu rộng đến nền sản xuất. (Ảnh: VNN)
Đoàn trưởng một đoàn xe thuộc Hà Nội Transerco cho biết, đối với DN vận tải, giá dầu là yếu tố quyết định giá vé. "Chúng tôi đã giảm giá vé theo lộ trình giá dầu giảm và đã giảm khoảng 30% so với thời kỳ cao điểm. Chúng tôi đã có dự định giảm tiếp giá vé nếu giá dầu tiếp tục được giảm trong đợt vừa qua. Nhưng dự định đó không thực hiện được vì giá dầu diezen đã không hề giảm. Trong khi đó, người dân chỉ biết là giá xăng dầu giảm và đặt vấn đề giảm giá vé đối với DN. Tuy nhiên, DN không thể giảm giá khi giá dầu không giảm" - ông này nói.
Một DN trong ngành xây dựng và khai thác cho biết, chi phí máy mà chủ yếu là tiềm mua dầu chiếm một lượng lớn trong giá dịch vụ xây dựng, giá dầu không giảm nên DN khó có thể cân đối lại giá dịch vụ xây dựng và điều đó khiến cho khả năng cạnh tranh của DN sẽ giảm sút.
Đặc biệt, đối với những DN sản xuất có những dây chuyền hay bộ phận sử dụng nhiều dầu để chạy máy thì việc giá dầu không giảm sẽ khiến họ mất đi cơ hội giảm giá sản phẩm. Trong khi đó, để cạnh tranh với sản phẩm ngoại nhập trên thị trường Việt Nam về giá cũng đủ khiến nhiều DN khó khăn, chật vật.
Vậy vì sao trong lần giảm giá xăng dầu mới đây nhất (ngày 10/12/2008) riêng giá diezen lại không được giảm?
Ông Vương Tiến Dũng - Phó Tổng giám đốc Petrolimex, DN chiếm phần lớn thị phần xăng dầu hiện nay- cho biết, DN đã cố hết sức và không thể giảm hơn nữa vì nếu giảm sẽ lỗ. Trong các thành phẩm xăng dầu nhập khẩu, diezen luôn là sản phẩm có giá cao nhất. Giá trung bình 20 ngày gần đây là 62 USD/thùng.
Cập nhật về giá dầu tại nguồn nhập khẩu chính Singapore thì diezen có giá 61,27 USD/thùng trong khi giá xăng là 42,25 USD/thùng. Mức giá này cộng các loại thuế và phí, giá dầu diezen đã lên đến trên 10.000 đồng/lít, chưa kể chi phí đại lý và chi phí kinh doanh của DN. Nếu như vậy, có vẻ như giải thích của DN xăng dầu là hợp lý.
Tuy nhiên, theo ông Long, diezen tiêu dùng nhiều và có tầm quan trọng thì cần tính toán giảm giá mạnh để tác động lớn đến nền kinh tế. DN xăng dầu kinh doanh theo giá thị trường, họ sẽ phải cân đối giá theo hướng có lãi nhưng cũng phải cạnh tranh để hút khách. Vấn đề là cần phải giám sát và công khai, minh bạch các tiêu chí giá.
Giảm giá dầu tác dụng không thua kém giảm thuế
Theo ông Long, trong xu hướng giá xăng dầu giảm có hai quan điểm là tăng thuế để tăng thu ngân sách nhưng cũng có quan điểm duy trì thuế thấp để giảm giá mạnh để kích cầu đầu tư và tiêu dùng.
Diễn biến vừa rồi cho thấy, Chính phủ đã thực hiện cả hai vừa giảm giá vừa tăng thuế theo nguyên tắc chia sẻ lợi ích giữa các bên. Tuy nhiên, với diezen - loại nhiên liệu quan trọng có tác động đầu vào lớn với nền kinh tế - nếu được giảm giá mạnh sẽ có tác động tích cực lớn.
"Khi đầu vào cho DN giảm thì có cơ hội giá thành sản phẩm sẽ giảm chi phí sản xuất và đầu tư, DN sẽ hào hứng hơn với việc tái khởi động đầu tư các dự án và tăng các dự án mở rộng kinh doanh mới. Giá thành sản phẩm giảm cũng sẽ kích thích người tiêu dùng mạnh tay hơn"- ông Long nói
Giảm giá dầu có thể xem là biện pháp kích cầu đầu tư đúng địa chỉ. (Ảnh: VNN)
Trong khi Chính phủ đang có chính sách giảm thuế đến 30% cho các DN nhưng vẫn duy trì một giá dầu cao với mức thuế nhập khẩu hiện nay là 25% chưa kể 10% thuế VAT và 10% thuế tiêu thụ đặc biệt.
Vì thế, nhiều chuyên gia cho rằng, việc giảm giá dầu thông qua kiểm soát giá của DN và Nhà nước chấp nhận một mức thuế thấp để giảm chi phí đầu vào cho DN là một điều cần thiết không thua kém việc giảm thuế cho DN.
Đó có thể coi là cách làm nhằm hỗ trợ đúng địa chỉ để chống suy giảm kinh tế. Vì giảm giá dầu đồng nghĩa với việc giảm chi phí đầu vào cho sản xuất sẽ có tác động tới nhiều người trong xã hội hơn cả.
"Nếu có điều kiện hạ thuế xuống thì chúng tôi sẽ có cơ hội giảm giá. Đây là cách trực tiếp để hỗ trợ sản xuất. Vì thế cần cân nhắc về các chính sách cho giá dầu"- ông Vương Tiến Dũng nói.
(Vietnamnet)