Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Vì sao BSR cần nhập dầu thô từ Azerbaijan?

Khi lượng dầu khai thác từ mỏ Bạch Hổ ngày càng cạn dần, Nhà máy lọc dầu (NMLD) Dung Quất đứng trước bài toán phải tìm nguồn nguyên liệu thay thế. Và dầu thô Azeri từ Azerbaijan được chọn. Tại sao phải chọn nhập dầu thô từ Azerbaijan mà không phải từ nơi khác là câu hỏi mà dư luận thắc mắc. Và không phải ai cũng hiểu đúng về bản chất khoa học, kinh tế của câu chuyện này. 

Người lao động làm việc tại NMLD Dung Quất.

Dầu Azeri chất lượng “top” đầu thế giới

Điều đầu tiên và cũng là quan trọng nhất để dầu Azeri được Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) chọn mua là tính phù hợp trên phương diện kỹ thuật. Và muốn hiểu điều này, chúng ta phải kể lại câu chuyện về cấu hình của nhà máy này.

NMLD Dung Quất được xây dựng với cấu hình phù hợp với nguồn dầu thô được khai thác từ mỏ Bạch Hổ. Dầu thô Bạch Hổ được gọi là “dầu ngọt”, là một trong những nguồn dầu thô tốt nhất thế giới vì chứa ít chất lưu huỳnh, nguy cơ ăn mòn bên trong đường ống/thiết bị là rất thấp. Thế nhưng, sau hơn 30 năm khai thác thương mại, trữ lượng của mỏ Bạch Hổ giảm mạnh. Vì thế, nếu không nâng cấp, mở rộng NMLD Dung Quất và không đi tìm nguồn nguyên liệu thay thế thì không khác gì đưa nhà máy vào “ngõ cụt”.

Xét trên phương diện kỹ thuật, dầu Azeri từ Azerbaijan là một trong số ít loại dầu ngọt, nhẹ, tương đồng dầu Bạch Hổ. Để có thể đi đến kết luận này, nhiều năm qua, BSR đã nghiên cứu lựa chọn các loại dầu thô thay thế dầu Bạch Hổ để đưa vào chế biến. Việc đánh giá khả năng chế biến các loại dầu thô tại NMLD Dung Quất cũng được thực hiện tương tự như các NMLD khác trên thế giới, đó là xem xét chất lượng dầu thô thể hiện qua bảng phân tích chất lượng dầu (Crude Assay) để đánh giá độ phù hợp với cấu hình công nghệ của nhà máy.

Từ các bảng phân tích tính chất dầu thô được cung cấp bởi các nhà sản xuất, buôn bán dầu như PVOIL, BP, Shell, Chevron, Total, Exxon, Petronas…, BSR đã sơ loại các loại dầu thô có thể xem xét đánh giá trong giới hạn vận hành của nhà máy. Đó là điểm chảy thấp hơn 38 độ C; hàm lượng lưu huỳnh thấp hơn 0,47 wt.%.

Những loại dầu đã vượt qua bước sơ loại sẽ được xử lý cập nhật sản lượng các phân đoạn, thành phần kim loại, hàm lượng conradson carbon, tính chất các phân đoạn, để phản ánh đúng tính chất của dầu thô thương mại có trên thị trường. Trên cơ sở các dữ liệu thu thập được, BSR đã xây dựng được danh sách các loại dầu thô có thể đưa vào chế biến, nâng danh sách các loại dầu thô có khả năng chế biến tại nhà máy từ 48 loại năm 2012 lên 75 loại ở thời điểm hiện tại.

BSR cũng đã thiết lập được tỷ lệ phối trộn của từng nhóm dầu thô làm cơ sở cho việc lập kế hoạch sản xuất, mua dầu, lập kế hoạch nhập dầu, xuất kho phù hợp, đảm bảo cho nhà máy vận hành ổn định ở công suất cao. Sau tất cả các công đoạn phức tạp trên, các kết luận chỉ ra dầu Azeri từ Azerbaijan là phù hợp nhất cho cấu hình của NMLD Dung Quất.

Kiến nghị chính đáng của tỉnh Quảng Ngãi

NMLD Dung Quất đóng một vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế của tỉnh Quảng Ngãi. Nguồn thu từ NMLD Dung Quất luôn chiếm trên dưới 90% tổng thu ngân sách toàn tỉnh Quảng Ngãi. Nói về việc này, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ nhấn mạnh: "20 năm qua, đóng góp của BSR cho sự phát triển chung của tỉnh Quảng Ngãi là rất lớn. BSR đã giúp Quảng Ngãi chuyển mình từ một tỉnh thuần nông thành một tỉnh công nghiệp".

Với vai trò quan trọng như vậy, chính quyền tỉnh Quảng Ngãi luôn có sự quan tâm sâu sát tới tình hình sản xuất kinh doanh của NMLD Dung Quất. Trong Công văn 6675/UBND - CNXD do Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Ngọc Căng ký gửi Chính phủ liên quan đến những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động đầu tư kinh doanh của NMLD Dung Quất có kiến nghị về việc “xem xét chấp thuận điều chỉnh mức thuế suất nhập khẩu dầu thô Azeri từ Azerbaijan nói riêng và các loại dầu thô nhập khẩu khác nói chung cho NMLD Dung Quất (bao gồm NMLD Dung Quất sau khi được nâng cấp, mở rộng) tương tự như NMLD Nghi Sơn là 0%”.

Sở dĩ có kiến nghị này vì dầu thô Azeri chưa được hưởng ưu đãi thương mại từ nguyên tắc tối huệ quốc nên vẫn bị đánh thuế 5% khi nhập khẩu, dù cho Việt Nam và Azerbaijan có quan hệ ngoại giao truyền thống và thương mại hai bên rất phát triển.

Nguyên tắc tối huệ quốc (Most favoured nation - MFN) là một trong những quy chế pháp lý quan trọng trong thương mại quốc tế hiện đại. Nguyên tắc này được hiểu là chính sách không phân biết đối xử trong thương mại, nó đề ra cho tất cả các đối tác thương mại quy chế hải quan và thuế quan như nhau.

Toàn cảnh NMLD Dung Quất.

Để thuận lợi cho việc nhập khẩu dầu thô và hoạt động sản xuất kinh doanh của NMLD Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi đưa ra kiến nghị này hoàn toàn chính đáng với mong muốn Chính phủ xem xét việc điều chỉnh mức thuế suất nhập khẩu như với dầu thô được nhập với các nước được áp dụng nguyên tắc tối huệ quốc. Điều này sẽ tạo điều kiện cho quan hệ ngoại giao truyền thống và thương mại của Việt Nam và Azerbaijan phát triển thêm.

Xét về yếu tố lịch sử, Azerbaijan cũng là đối tác truyền thống của BSR cũng như các công ty hoạt động trong ngành dầu khí của nước ta. Đối tác cung cấp dầu Azeri cho BSR là SOCAR Trading S.A. Đây là công ty con của Công ty Dầu khí Quốc gia Azerbaijan. Sản lượng kinh doanh dầu thô của SOCAR năm 2016 đạt 298 triệu thùng, trong đó có 158 triệu thùng dầu Azeri, tương đương khoảng 23 triệu tấn dầu Azeri /năm.

Với sản lượng cao như vậy, chất lượng ổn định, tỷ lệ phối trộn cao lên tới 70% khả năng thay thế được dầu Bạch Hổ và độ linh động trong điều kiện bốc dầu, thương mại. Từ các yếu tố trên, dầu thô Azeri được đánh giá là loại dầu chiến lược cho NMLD Dung Quất trước và sau nâng cấp mở rộng. Đến hết năm 2017, khối lượng dầu thô Azeri do đối tác cung cấp cho NMLD Dung Quất đạt khoảng 10,6 triệu thùng.

Với các lý do đã phân tích, có thể thấy dầu Azeri từ Azerbaijan là loại dầu phù hợp nhất để NMLD Dung Quất nhập khẩu chứ không phải nguồn dầu thô từ các nơi khác.

Nguồn tin: thanhtra.com.vn

ĐỌC THÊM