Thanh tra Bộ Công Thương vừa gửi công văn cho 5 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu để tước giấy phép kinh doanh do các vi phạm liên quan trong quá trình thanh tra.
Trong nội dung công văn số 752/TTB-P5 ngày 31/8/2022, các doanh nghiệp bị xử phạt theo quyết định của Thanh tra Bộ Công Thương gồm: Công ty cổ phần Thương mại dầu khí Đồng Tháp; Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu xăng dầu Tín Nghĩa; Công ty TNHH MTV Dầu khí TP.HCM; Công ty TNHH Xăng dầu Hùng Hậu; Công ty cổ phần Dầu khí Đông Phương.
Hiện các quyết định xử phạt đã được gửi đến các doanh nghiệp qua đường bưu điện. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh việc các doanh nghiệp phải giao nộp giấy phép kinh doanh cho Thanh tra Bộ Công Thương tại trụ sở của Bộ tại TP Hồ Chí Minh.
Được biết, việc Thanh tra Bộ Công Thương ký quyết định tước giấy phép kinh doanh của 5 doanh nghiệp nêu trên là kết quả của hoạt động thanh tra với 33 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu được Bộ Công Thương thực hiện từ hồi tháng 2/2022, do Tổng cục Quản lý thị trường và Thanh tra Bộ Công Thương thực hiện.
Như vậy, đến nay đã có 12 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu bị rút phép có thời hạn sau đợt thanh tra 33 đầu mối của Bộ Công Thương.
Đáng chú ý là thông tin về việc xử phạt, tước giấy phép với các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu vẫn chưa được các cơ quan chức năng công bố, khiến cho giới kinh doanh xăng dầu lo ngại có thể ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh, trao đổi mua bán xăng dầu với những doanh nghiệp do có thể không được công nhận về tính pháp lý trong các giao dịch mua bán xăng dầu.
Mặc dù nhiều cơ quan truyền thông đã đưa ra cảnh báo có thể đẩy doanh nghiệp hợp tác mua bán xăng dầu với các đầu mối nêu trên vi phạm pháp luật do không nắm được thông tin các đơn vị đang bị tạm đình chỉ kinh doanh. Hơn thế nữa, việc rút giấy phép của các doanh nghiệp nếu như không được thông tin rộng rãi sẽ khiến doanh nghiệp lo ngại không có thời gian để chuẩn bị nguồn hàng thay thế, cũng có thể tiếp tục làm ảnh hưởng đến cung cầu trên thị trường, trong bối cảnh nguồn cung xăng dầu vừa qua đang bị thiếu hụt cục bộ.
Theo quy định của hoạt động thanh tra và công bố thông tin, quyết định xử phạt vi phạm hành chính là nội dung không công bố trên phương tiện thông tin đại chúng. Theo đó, Bộ Công Thương sẽ là nơi công bố các thông tin khi được người có thẩm quyền phê duyệt. Do vậy, khi kết thúc hoạt động thanh tra, các đoàn thanh tra sẽ có báo cáo tổng hợp với Bộ Công Thương và bộ này sẽ thực hiện công bố, công khai kết luận thanh tra tổng thể theo quy định trong thời gian tới. Nhưng căn cứ quyết định của Thanh tra Bộ ghi ngày 31/8 thì cho đến 5/9 vẫn chưa công bố thông tin về vấn đề liên quan đến xăng dầu là quá chậm.
Nguồn tin: PetroTimes