Liên quan đến việcTP Hà Nội yêu cầu di dời 32 cây xăng nằm trong khu vực nội thành đông dân cư, nhiều ý kiến trái chiều đã được đưa ra: Người gần thì muốn các cây xăng nhanh chóng dời đi, trong khi người ở xa cho rằng… vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu.
Hiện nay, còn 32 cây xăng trong khu vực đông dân cư vẫn chưa di dời sau yêu cầu của UBND TP Hà Nội từ năm 2014.
Năm 2014, UBND TP Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị chức năng xử lý các điểm kinh doanh xăng dầu nằm trong khu dân cư.
Theo quy hoạch được Thành phố công bố, đến năm 2020, toàn thành phố có 456 cây xăng; tuy nhiên, năm 2014, Hà Nội đã có tới 485 cây xăng đang hoạt động. Chính vì việc phát sinh quá số lượng cây xăng theo quy định nên thành phố đã yêu cầu giải tỏa và di dời 55 cây xăng trong khu vực nội đô.
Đây chủ yếu là những cây xăng nằm trong khu đông dân cư, thiếu diện tích sử dụng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ. Thế nhưng, hiện nay, 32 cây xăng nằm trong diện di dời vẫn đang hoạt động bình thường.
Liên quan đến vấn đề này, phóng viên Báo điện tử Infonet đã có cuộc khảo sát ý kiến người dân và nhận được nhiều thông tin trái chiều.
Anh Lư Thị Thắm (Khâm Thiên, Đống Đa, Hà Nội) cho biết: “Tôi ở gần cây xăng 233 Khâm Thiên, vào giờ cao điểm đoạn đường này rất dễ xảy ra ùn tắc bởi các phương tiện như ô tô, xe máy vào mua xăng rất nhiều”.
Theo quan sát của phóng viên, cây xăng 233 Khâm Thiên không có không gian cho xe ô tô dừng, đỗ mua xăng, vì thế mỗi khi xe ô tô nào mua xăng sẽ phải đỗ ghé vào vỉa hè hoặc dừng lại ven đường. Tình trạng này đương nhiên sẽ gây cản trở giao thông, đặc biệt vào giờ cao điểm.
Còn cây xăng 29 Tạ Quang Bửu (Bách Khoa, Hà Nội) thậm chí còn không có cả vỉa hè, phần ngăn cách giữa người vào đổ xăng với đường đi chỉ là vài rào sắt nhưng quá trình hoạt động của cây xăng này lại không ảnh hưởng nhiều đến người dân.
Anh Ngọc (sống tại Khu tập thể E7 Bách Khoa) cho biết: “Tôi sống ở đây từ nhiều năm nay và nhận thấy cây xăng 29 Tạ Quang Bửu không làm ảnh hưởng đến giao thông cũng như người dân”. Theo anh Ngọc, mặc dù cây xăng không có vỉa hè và nằm độc lập trên đường nhưng đây lại là đoạn đường cong, rộng nên không ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân.
“Cá nhân tôi thấy việc các hàng quán xung quanh đó để xe ô tô, xe máy dưới lòng đường còn ảnh hưởng đến giao thông nhiều hơn là cây xăng” – anh Ngọc chia sẻ.
Đồng quan điểm với anh Ngọc, ông Nguyễn Văn Khang – Chủ tịch UBND phường Bách Khoa cho rằng trong nhiều năm qua, cây xăng tại 29 Tạ Quang Bửu không gây ảnh hưởng đến giao thông trên địa bàn. Tuy nhiên, với tư cách là người quản lý hành chính, ông Khang cho rằng cây xăng đặt ở vị trí đó cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro bởi xung quanh cây xăng là nhiều tòa nhà tập thể cũ, nếu xảy ra cháy thì hậu quả sẽ rất lớn. “Mặc dù từ trước đến giờ chưa có ý kiến phản ánh nào về hoạt động của cây xăng nhưng xét một cách khách quan thì cây xăng đặt ở vị trí đó không được an toàn” – ông Khang khẳng định.
Theo ông Khang, nhu cầu của người dân vẫn là mong muốn sự thuận tiện trong việc đổ xăng, chính vì vậy họ cho rằng việc di dời các cây xăng tại khu đông dân cư không hợp lý, người dân phải di chuyển xa. Thậm chí nhiều người còn cho rằng số cây xăng hiện nay phân bổ trên địa bàn thành phố còn... chưa đủ để đáp ứng nhu cầu của người dân.
Tuy nhiên, xét ở góc độ môi trường dân sinh và an toàn cháy nổ thì các cây xăng luôn bị người dân sống quanh đó phản đối.
“Sau 2 vụ cháy cây xăng tại Hà Nội, lúc nào tôi cũng lo sợ cây xăng bên cạnh nhà mình bị cháy” – anh Trần Minh Hiếu (Khâm Thiên, Hà Nội) chia sẻ.
Anh Hiếu cho rằng xung quanh cây xăng 233 Khâm Thiên có mật độ dân cư đông, trong khi nhà cửa thuộc diện xây dựng từ lâu, đang có hiện tượng xuống cấp, thậm chí nhiều nhà phải cơi nới, gia cố để có thêm chỗ ở. Chính vì vậy, nếu xảy ra cháy nổ thì lửa sẽ lan rất nhanh và gây ra hậu quả khôn lường.
Hiện trường vụ cháy cây xăng Trần Hưng Đạo vào năm 2013.
Lo ngại của anh Hiếu không phải không có căn cứ vì trong vòng 5 năm trở lại đây, Hà Nội đã xảy ra 2 vụ cháy cây xăng vô cùng nguy hiểm.
Vào giữa tháng 6/2013, chiếc xe bồn đậu bên trong cây xăng trên phố Trần Hưng Đạo bốc cháy. Ít phút sau, khói và lửa bốc ngùn ngụt bao trùm cả khu vực. Do cây xăng nằm đối diện Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 nên cả đoạn phố bị phong tỏa phục vụ việc cứu hỏa. Phải mất hơn 5 tiếng đồng hồ, ngọn lửa mới được khống chế.
Cũng vào giữa tháng 7/2016, cây xăng tại Đền Lừ (quận Hoàng Mai) bất ngờ bốc cháy khi xe bồn đang tiếp xăng. Rất may mắn khi cả hai cây xăng trên đều nằm xa khu đông dân cư và xảy ra cháy vào lúc không phải giờ cao điểm nên không gây thiệt hại về người.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Infonet, một cán bộ Đội Cứu hộ Cứu nạn Phòng Cảnh sát PCCC số 8 – người trực tiếp chữa cháy tại cây xăng ở Đền Lừ cho biết: “Xăng là nhiên liệu dẫn cháy trực tiếp và rất nhạy với các nguồn lửa. Một cây xăng dù có trang bị an toàn cỡ nào thì nguy cơ cháy nổ vẫn rất cao, đặc biệt lúc tiếp nhiên liệu”.
Theo vị cán bộ này, lúc tiếp nhiên liệu xăng sẽ hở và bay hơi ngoài không khí, chỉ cần một nguồn lửa nhỏ từ công tắc điện, xe máy hay tàn lửa bay qua... cũng có thể gây cháy. Từ phân tích này có thể thấy, việc tiếp nhiên liệu của các cây xăng có vị trí chật hẹp, gần đường đi, gần khu đông dân cư sẽ tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy nổ rất lớn.
Được biết, theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về yêu cầu thiết kế cửa hàng xăng dầu (QCVN 01 : 2013/BCT) ban hành ngày 18/6/2013 của Bộ Công Thương quy định rõ: Vị trí xây dựng cửa hàng xăng dầu phải phù hợp với quy hoạch, phải đảm bảo yêu cầu an toàn giao thông, an toàn phòng cháy chữa cháy và vệ sinh môi trường; Cửa hàng xăng dầu tiếp giáp với các công trình xây dựng khác phải có tường bao kín có chiều cao không nhỏ hơn 2,2m bằng vật liệu không cháy...
Dựa theo Quy chuẩn này và thực trạng hiện tại, ở Hà Nội còn một số cây xăng không đảm bảo quy chuẩn và tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, điển hình như: 42 Nguyễn Trãi (Thanh Xuân), số 29 Tạ Quang Bửu (Hai Bà Trưng), số 233 Khâm Thiên (Đống Đa), số 114 Đốc Ngữ (Ba Đình), số 249 Thụy Khuê (Tây Hồ)…
Về vấn đề này, phóng viên Báo điện tử Infonet đã liên hệ với Sở Công Thương Hà Nội để tìm hiểu rõ hơn việc chưa di dời 32 cây xăng trong nội thành Hà Nội và đang chờ ý kiến trả lời.
Nguồn tin: Infonet.vn