Venezuela đang tìm kiếm hơn 13 triệu thùng nhiên liệu nhập khẩu vào cuối năm nay, chiếm khoảng 1/3 nhu cầu mà quốc gia Nam Mỹ này cần mỗi năm. Thông tin này được lấy từ tài liệu đấu thầu mà Bloomberg nhìn thấy, qua đó cho thấy những khó khăn ngày càng sâu sắc đối với ngành dầu khí của nước này.
Các nhà máy lọc dầu đang hoạt động dưới 50% công suất lắp đặt – tức 3,1 triệu thùng/ngày do thiếu nguồn cung dầu thô và bảo trì không đầy đủ, theo BMI Research. Hãng này lưu ý rằng việc bảo trì nhà máy lọc dầu đang không được chú ý tới vì công ty dầu khí quốc doanh tập trung nỗ lực vào việc sản xuất đủ dầu để thanh toán các khoản nợ tích lũy trong vài năm gần đây chủ yếu là cho Trung Quốc và Nga trong bối cảnh giá dầu sụt giảm.
Vào cuối tháng 5, Platts dẫn lời Bộ trưởng Dầu mỏ Nelson Martinez nói rằng mọi việc trong ngành dầu khí Venezuela đâu sẽ vào đấy, mặc dù các báo cáo kỹ thuật cho thấy PDVSA gặp vấn đề trong việc pha trộn dầu thô nặng được pha loãng từ Dải Orinoco - một trong những khu vực dầu mỏ lớn nhất thế giới nằm ở phía Đông nước này. Martinez sau đó cho hay, một trong bốn công ty nâng cấp trong nước sẽ sớm có công suất cao hơn, ở mức 100.000-120.000 thùng/ngày, so với mức 80.000 thùng/ngày hiện tại, nhưng không đề cập đến tình trạng của ba cơ sở khác.
Việc quản lý kém nguồn tài nguyên và thiết bị dầu mỏ của Venezuela trong một thời gian dài được xem là một trong những lý do chính cho cuộc khủng hoảng hiện nay, ngoài sự sụp đổ giá năm 2014. Vận mệnh thay đổi của nhà nước XHCN đã đẩy Venezuela xuống mức suy thoái trầm trọng, thiếu các thực phẩm cơ bản và hàng tiêu dùng, điều này đã dẫn đến nhiều cuộc biểu tình và yêu cầu chính phủ từ chức.
Caracas đã dựa dẫm nhiều vào Moscow và Bắc Kinh để tránh bị vỡ nợ. Nga và Trung Quốc đã cùng nhau cho Venezuela vay số nợ hơn 50 tỷ đô la Mỹ tính cho đến thời điểm này và việc sản xuất dầu thu hẹp đang khiến cho Venezuela khó mà giữ lời hứa như trong thỏa thuận.
Tuy nhiên, như Fred Imbert của CNBC gần đây đã viết, vỡ nợ không phải là một lựa chọn cho Caracas: sẽ mất chi phí để Caracas tiếp cận với thị trường nước ngoài tại một thời điểm khi đất nước đang ngày càng phụ thuộc vào nhập khẩu các loại hàng hoá khác nhau, và cuối cùng có thể lật đổ chính phủ, điều nàyvốn đang rất nguy kịch.
Imbert nhấn mạnh một vụ vỡ nợ sẽ gây nguy hiểm cho ngành công nghiệp dầu mỏ của Venezuela, điều này giờ đây quan trọng hơn bao giờ hết đối với đất nước - đây là nguồn thu nhập xuất khẩu duy nhất của nước này. Nguồn thu này có thể sẽ bị đóng lại nếu Washington quyết định áp dụng lệnh trừng phạt đối với PDVSA, một ý tưởng đã được thảo luận, theo các nguồn tin thân cận với Nhà Trắng, như là một cách để phế truất Nicolas Maduro và chính phủ của ông ta ra khỏi quyền lực.
Tuy nhiên, các lệnh trừng phạt có thể có tác động ngược lại và củng cố chế độ bằng cách thúc đẩy sự ủng hộ của công chúng – Mỹ thường được xem như là một kẻ can thiệp vào chính trị Venezuela.
Venezuela đã bơm 1,95 triệu thùng/ngày tính đến tháng 4 này, theo khảo sát của S&P Global Platts OPEC tháng 5. Theo Caracas, sản lượng tháng 4 trung bình đạt 2,19 triệu thùng/ngày. Dù cho con số thực tế là bao nhiêu thì vẫn thấp hơn mức trung bình 2,31 triệu thùng/ngày của tháng 4 năm 2016. Sự suy giảm này không lớn nhưng nó có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh các hợp đồng vay dựa trên dầu và tỷ lệ sử dụng công suất của các nhà máy lọc dầu Venezuela. Theo một nhà phân tích từ hãng tư vấn trong nước Ecoanalytica trao đổi với Bloomberg rằng Caracas sẽ tìm cách nhập khẩu nhiều nhiên liệu hơn để đáp ứng nhu cầu hàng ngày 200.000 thùng/ngày.
Nguồn tin: xangdau.net