Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Venezuela nhận được khoản đầu tư mới vào dầu từ Trung Quốc

 

Chính phủ Venezuela đã tuyên bố mở rộng việc đầu tư của Trung Quốc vào ngành dầu mỏ nước này, với mục đích tăng sản lượng thêm 120.000 thùng mỗi ngày.

Khoản đầu tư mà chính quyền cho biết có trị giá 3 tỷ USD, đã tài trợ cho việc xây dựng một nhà máy pha trộn dầu mới được khánh thành hôm thứ Năm tuần trước như là phần đầu tiên của kế hoạch gồm hai giai đoạn.

Nhà máy Jose, được đặt tại Barcelona, ​​bang Anzoátegui, được điều hành bởi liên doanh Sinovensa, thuộc sở hữu 49% của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) và 51% bởi công ty dầu khí nhà nước Venezuela PDVSA. Cơ sở này sẽ pha trộn các loại dầu cực nặng từ Oil Orinoco Belt của Venezuela cùng với dầu thô Merey có thể xuất khẩu, vốn phổ biến ở các thị trường châu Á.

Sinovensa hiện sản xuất 110.000 thùng mỗi ngày, một con số mà các quan chức tuyên bố sẽ tăng lên 165.000 thùng/ngày với việc bổ sung nhà máy pha trộn mới. Giai đoạn thứ hai của dự án dự kiến ​​sẽ làm tăng con số này lên 230.000 thùng/ngày, nhưng cho đến nay không có thêm thông tin chi tiết nào được tiết lộ.

Tin tức này xuất hiện sau việc chuyển đổi nhà máy nâng cấp dầu thô siêu nặng Petropiar thành cơ sở pha trộn nhiên liệu hồi đầu tháng này. Petropiar dự kiến ​​sẽ sản xuất thêm 130.000 thùng/ngày dầu thô Merey, làm nhẹ hơn cho hỗn hợp dầu xuất khẩu chính của Venezuela.

Được biết Caracas cũng đã ký hợp đồng sửa chữa và bảo trì với các nhà thầu Wison Engineering Services có trụ sở tại Thượng Hải.

Theo Bloomberg, công tác phục vụ cho các nhà máy lọc dầu của Venezuela sẽ mất từ ​​sáu tháng đến một năm và sẽ được thanh toán bằng các sản phẩm dầu, trong đó có dầu diesel. Không biết nhà máy lọc dầu nào sẽ được hưởng lợi từ việc bảo trì.

Dòng tiền tài trợ của Trung Quốc xuất hiện chỉ một tuần sau khi Washington tuyên bố cấm vận đối với tất cả việc giao thương với các thực thể và cộng sự của Venezuela. Sự leo thang này đã bị chỉ trích bởi cộng đồng quốc tế, bao gồm gần đây nhất là Cao ủy Nhân quyền LHQ Michelle Bachelet, người bày tỏ lo ngại về “tác động ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền con người của người dân Venezuela”.

Washington đã nhiều lần đe dọa Bắc Kinh và Moscow ngừng mối quan hệ mật thiết với chính quyền Maduro, Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ John Bolton tuyên bố sẽ trừng phạt thứ cấp đối với các công ty Nga và Trung Quốc vi phạm lệnh cấm vận.

Bắc Kinh đã bác bỏ lời đe dọa này đối với các công ty của họ như là “sự khủng bố tâm lý” và “sự can thiệp nghiêm trọng”, trong khi Bộ trưởng Dầu mỏ Venezuela, ông Manuel Quevedo, hứa sẽ “chiến đấu với việc phong tỏa mọi thứ chúng tôi có”.

Ngành dầu mỏ Venezuela đã sụp đổ trong những năm gần đây, với sản lượng ổn định khoảng 750.000 thùng/ngày kể từ tháng 4, giảm so với mức trung bình 1,3 triệu thùng/ngày được sản xuất trong năm 2018.

Một sự kết hợp của nhiều vấn đề - bao gồm quản lý sai, đầu tư kém và lệnh cấm mới năm 2017 của Hoa Kỳ - đã trở nên trầm trọng vào tháng 1 khi Nhà Trắng tuyên bố cấm vận dầu mỏ và đóng băng các nhà máy lọc dầu CITGO có trụ sở tại Hoa Kỳ, làm hạn chế việc tiếp cận các chất pha loãng và các sản phẩm khác của Venezuela để chế biến dầu thô.

Trong những tháng gần đây, tình trạng thiếu nhiên liệu đã ảnh hưởng đến các vùng của nước này khi PDVSA phải vật lộn để đáp ứng nhu cầu trong nước ước tính 250.000 thùng/ngày, buộc nước này phải nhập khẩu thêm nhiên liệu.

Bloomberg đưa tin trong tuần này rằng nhập khẩu nhiên liệu trong tháng Bảy nhiều hơn gấp đôi so với tháng Sáu, nối tiếp xu hướng tăng gần đây.

Theo các báo cáo vận chuyển và dữ liệu được tổng hợp bởi hãng dịch vụ, Venezuela đã nhập khẩu 196.000 thùng/ngày trong tháng 7, con số cao nhất kể từ tháng 1. Dầu được cho là chủ yếu đến từ công ty Rosneft của Nga thông qua Hy Lạp và Malta.

Nguồn tin: xangdau.net/ Bloomberg

ĐỌC THÊM