Venezuela đang phớt lờ các lệnh trừng phạt của Mỹ với kế hoạch tăng sản lượng lên 1,5 triệu thùng/ngày vào cuối năm nay, gấp khoảng ba lần mức sản lượng hiện tại.
Một chứng từ được công bố cho thấy Venezuela đã nhận được khí ngưng tụ (condensate) từ siêu tàu chở dầu Rene tại cảng Jose của nước này. Sau khi sản xuất trong nước bị sụp đổ, Venezuela đã dựa vào nhập khẩu condensate để pha loãng các loại dầu thô cực nặng của mình.
Do các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ được thực thi vào năm 2019 nhằm đáp trả chế độ độc tài, Venezuela đã không thể sản xuất và xuất khẩu lượng dầu thông thường của mình, đồng thời cũng gặp khó khăn trong việc tiếp cận các sản phẩm liên quan đến dầu như condensate, vốn rất cần thiết cho việc sản xuất.
Việc nhập khẩu condensate mới đây phản ánh sự háo hức của Venezuela trong việc phục hồi ngành công nghiệp dầu mỏ của mình. Với trữ lượng dầu đã được xác minh gần 300 tỷ thùng, Venezuela nắm giữ dầu nhiều nhất trên thế giới và sản lượng trước khi có lệnh trừng phạt ở mức khoảng 2,4 triệu thùng/ngày, với nhiều dư địa để tăng. Quốc gia này hiện cần phải tiếp tục sản xuất nếu muốn ổn định nền kinh tế quốc gia và cải thiện cơ hội việc làm.
Nước này đã xoay sở để vượt qua nhiều hạn chế với sự trợ giúp của các bên trung gian, thông qua quan hệ đối tác chặt chẽ với Trung Quốc. Công ty TNHH Dầu khí Trung Quốc Concord, CCPC, từ lâu đã gắn bó với dầu của Iran, nhưng Mỹ lại xem thường việc này. Tuy nhiên, có vẻ như hiện giờ CCPC cũng đang dính líu với dầu của Venezuela.
Bất chấp những lời đe dọa từ Mỹ rằng họ sẽ áp đặt các lệnh trừng phạt đối với bất kỳ thực thể nào hỗ trợ ngành công nghiệp dầu mỏ của các quốc gia bị trừng phạt, chẳng hạn như Iran và Venezuela, CCPC đã bắt đầu hợp tác với các công ty dầu mỏ của Venezuela cùng với các nhà máy lọc dầu độc lập của Trung Quốc vào đầu năm 2021, đưa 14 tàu chở dầu trong năm ngoái tới vận chuyển dầu thô ra khỏi Venezuela và Iran.
Trung Quốc từ lâu đã phản đối các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với dầu mỏ. "Trung Quốc phản đối mạnh mẽ các biện pháp trừng phạt đơn phương và kêu gọi Hoa Kỳ dỡ bỏ 'quyền tài phán dài tay' đối với các công ty và cá nhân", phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố.
Vào tháng 6, xuất khẩu dầu từ Venezuela đã tăng đáng kể, trước khi mức thuế nhập khẩu mới do Trung Quốc áp đặt có hiệu lực, làm tăng chi phí nhập khẩu lên khoảng 40%, theo công ty dầu khí nhà nước PDVSA.
PDVSA và các đối tác đã xuất khẩu trung bình 631.900 thùng/ngày các sản phẩm dầu thô và tinh chế, tăng 6,5% trong tháng 5 và 66% so với tháng 6 năm ngoái. Hầu hết các sản phẩm này được vận chuyển đến châu Á, với khoảng 238.000 thùng được chuyển đến Malaysia để đổi tàu và pha trộn trước khi tới điểm đến cuối cùng là Trung Quốc. Hai điểm đến xuất khẩu khác là UAE và Cuba.
Câu hỏi đặt ra là liệu Mỹ có tiếp tục bỏ qua hành động của Venezuela với các bên trung gian để thúc đẩy ngành công nghiệp dầu mỏ nước này hay không. Đặc biệt là sau khi các quan chức Mỹ đe dọa áp nhiều biện pháp trừng phạt hơn đối với hệ thống giao dịch dầu mới giữa Iran và Trung Quốc, ngay tuần trước. Sự khoan từ Hoa Kỳ có thể chấm dứt bất cứ lúc nào nếu nước này quyết định áp đặt các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc hơn đối với Venezuela và các đối tác.
Tuy nhiên, các miễn trừ đối với những lệnh trừng phạt đã được đưa ra trong năm nay, với việc Hoa Kỳ đồng ý cho phép nhập khẩu khí hóa lỏng (LPG) vào Venezuela vào đầu tháng này. Những mặt hàng nhập khẩu như vậy không được phép dưới thời chính quyền Trump. Nhưng Tổng thống Biden thừa nhận nhu cầu sử dụng LPG trong nước, được sử dụng làm nhiên liệu nấu ăn và hiện tại với nguồn cung hạn chế, khiến người dân phải đốt củi.
Vậy, Venezuela có thể đẩy Mỹ đi bao xa trước khi có thêm các lệnh trừng phạt? Trong vài tháng tới, sẽ trở nên rõ ràng hơn về việc liệu quốc gia dầu mỏ khổng lồ này có đạt được mục tiêu tăng gấp ba sản lượng hay không khi họ nỗ lực khôi phục ngành công nghiệp dầu khổng lồ của mình.
Nguồn tin: xangdau.net