Thị trường phân phối xăng dầu Việt Nam được nhận định còn nhiều dư địa tăng trưởng với động lực chính đến từ xu hướng chuyển dịch từ xe máy sang xe ô tô khi thu nhập người dân được cải thiện đáng kể trong thời gian tới.
Sản lượng khai thác dầu thô trong nước liên tục giảm qua các năm
Thị trường phân phối xăng dầu tại Việt Nam được nhận định còn dư địa phát triển lớn khi mức tiêu thụ nhiên liệu dự báo sẽ ở mức cao trong những năm tới đây.
Theo đánh giá mới nhất của Vietcombank Securities (VCBS), mặc dù các đơn vị khai thác đã nỗ lực gia tăng năng lực và đảm bảo sản lượng theo kế hoạch được giao nhưng sản lượng khai thác dầu thô của Việt Nam liên tục giảm với tốc độ 7%/năm. Tại các mỏ dầu khí chủ lực (Bạch Hổ, Sư Tử Đen, Sư Tử Vàng...), việc khai thác đang ở giai đoạn sản lượng giảm hoặc độ ngập nước cao, tiềm ẩn rủi ro.
Còn các mỏ mới tìm kiếm được gần đây quy mô nhỏ, nằm ở các khu vực địa chất, địa lý phức tạp, vùng nước sâu khó tiếp cận và cần suất đầu tư lớn, khiến việc bù đắp sản lượng suy giảm hàng năm gặp nhiều khó khăn. Trong năm 2022, có 05 mỏ dầu khí/công trình mới đưa vào khai thác gồm: H4 lô PM3-CAA, mỏ Đại Nguyệt, giàn RC-10, giàn CTC-2 mỏ Cá Tầm, và giàn RCRB-1.
Trong khi đó, nguồn cung xăng dầu nội địa từ hai nhà máy lọc dầu là Dung Quất (BSR) và Nghi Sơn (NSRP) đáp ứng khoảng 70% nhu cầu tiêu dùng trong nước mỗi năm. Hai nhà máy này cung ứng mỗi năm 10 - 13 triệu m3, tấn xăng, dầu thành phẩm các loại. Trong đó, tỷ trọng cung ứng của riêng Nghi Sơn khoảng 35%, có thời điểm lên tới 40%. 30% lượng xăng dầu tiêu thụ còn lại đến từ nhập khẩu, chủ yếu từ Hàn Quốc và Singapore.
Dự báo nhu cầu tiêu thụ xăng dầu tại Việt Nam trong thời gian tới. (Nguồn: VCBS)
Trong 5 tháng đầu năm nay, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) công bố sản lượng xăng dầu sản xuất trong nước (bao gồm sản lượng của NSRP) đạt 6,3 triệu tấn, vượt 26,5% kế hoạch đề ra, bằng 56% kế hoạch cả năm 2023, và tăng trưởng 18,1% so với cùng kỳ 2022. Sản xuất xăng dầu (không bao gồm sản lượng của NSRP) lũy kế 7 tháng vừa qua đạt 4,18 triệu tấn, vượt 25,3% kế hoạch đề ra, bằng 75,6% kế hoạch cả năm.
Nhu cầu xăng dầu năm nay được dự báo tăng cao để phục vụ sản xuất kinh doanh phục hồi sau dịch, Bộ Công Thương đã giao các doanh nghiệp đầu mối mua và nhập 25,9-26,7 triệu m3/tấn xăng dầu, tăng 10-15% so với năm 2022 để đảm bảo nguồn cung tiêu thụ xăng dầu trong nước. Đồng thời, doanh nghiệp phải lên phương án nhập mua hàng bù đắp khi NSRP tiến hành bảo dưỡng, bảo trì.
Xem thêm: "Lọc hóa dầu Bình Sơn: Crack spread có thể tăng 32%, cổ phiếu BSR sẽ niêm yết HoSE vào quý 4" trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Thị trường phân phối xăng dầu Việt Nam còn nhiều dư địa tăng trưởng
Tương quan giữa tăng trưởng tiêu thụ xăng dầu và tăng trưởng GDP của Việt Nam. (Nguồn: VCBS)
Nhận định về triển vọng nhu cầu tiêu thụ xăng dầu của Việt Nam, VCBS cho rằng, nhu cầu tiêu thụ còn rất lớn trong dài hạn và thị trường phân phối xăng dầu còn nhiều dư địa để tăng trưởng.
Cụ thể, dữ liệu doanh số bán hàng của khu vực ASEAN của Hiệp hội Ô tô Malaysia (MAA) vào năm 2021, Việt Nam đã đứng top 3 về doanh số bán ô tô tại Đông Nam Á, tuy nhiên tỷ lệ sở hữu ô tô của Việt Nam hiện đang thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực, trong khi, thu nhập bình quân đầu người đứng thứ 6 trong khu vực.
Doanh số bán xe ô tô tại Việt Nam đang có xu hướng tăng lên trong khi doanh số bán xe máy lại giảm xuống qua các năm. (Nguồn: VCBS)
Tầng lớp trung lưu Việt Nam được dự báo tăng mạnh trong 10 năm tới sẽ là yếu tố thúc đẩy sự gia tăng nhu cầu đối với tất cả các loại hàng hóa cao cấp như xe ô tô. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hiện dự báo đến năm 2025, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đạt khoảng 4.688 USD (CAGR 2020-2025 đạt 5,8%).
VCBS nhận định nhu cầu tiêu thụ xăng dầu ngày càng tăng. Việc chuyển dịch xu hướng từ xe máy sang ô tô sẽ kích thích tiêu thụ xăng nhiều hơn. Tính đến tháng 3 năm 2023, Việt Nam có ít nhất 72 triệu xe máy và hơn 5 triệu ô tô đang tiêu thụ khoảng 60% sản phẩm xăng dầu. Đây chính là động lực chính cho tăng trưởng cho việc tiêu thụ xăng dầu, cũng như thúc đẩy hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp phân phối xăng dầu như: Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (mã cổ phiếu PLX - sàn HoSE), Tổng Công ty Dầu Việt Nam (mã cổ phiếu OIL - sàn UPCoM)...
Biên lợi nhuận gộp của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam và Tổng Công ty Dầu Việt Nam qua các năm. (Nguồn: VCBS)
Theo dõi giá xăng dầu hàng ngày trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Tuy nhiên, VCBS cũng lưu ý một số rủi ro mà hoạt động phân phối xăng dầu tại Việt Nam có thê đối mặt trong thời gian tới. Cụ thể:
Thứ nhất, nguồn cung xăng dầu trong nước có nguy cơ bị gián đoạn khi Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSPR) không tái cấu trúc tài chính thành công và thiếu hụt dòng tiền. NSRP sẽ phải trả 277 triệu USD vào tháng 11 năm nay trong khi phải có đủ dòng tiền để tiếp tục vận hành nhà máy. NSRP và các ngân hàng đang đàm phán về kế hoạch tái cơ cấu nợ bằng việc đề xuất kéo dài thời hạn thanh toán khoản vay 2 tỷ USD trong 3,5 năm để giảm bớt gánh nặng tài chính.
Tuy nhiên, PVN chưa đồng ý do điều khoản và điều kiện được đưa ra nằm ngoài thẩm quyền của PVN nên cần có phê duyệt nội bộ của tập đoàn, cũng như có thể phải xin phê duyệt các cấp có thẩm quyền cao hơn.
Thứ hai, xu hướng sử dụng xe điện ngày càng nở rộ tại nhiều quốc gia đang tác động không nhỏ vào nhu cầu tiêu thụ xăng dầu. Việc phát triển ô tô điện sẽ giảm thiểu khí thải, bảo vệ môi trường, tiết kiệm chi phí nhập khẩu xăng dầu và chi phí đầu tư vào cơ sở hạ tầng cho nhiên liệu hóa thạch. Bên cạnh đó giá pin đã giảm 20% trong thập kỷ qua, điều này sẽ tạo ra thị trường mới rộng lớn cho sự phát triển của xe điện.
Cuối cùng, giá xăng dầu của Việt Nam đang được điều chỉnh bởi quỹ bình ổn giá và đang ở mức thấp hơn các nước trong khu vực. Việc chênh lệch giá xăng dầu giữa Việt Nam và các quốc gia trong khu vực tăng có thể kích thích các đối tượng dùng nhiều thủ đoạn để buôn lậu xăng dầu từ nước ngoài vào nội địa. Điều này sẽ tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp phân phối xăng dầu trong nước.
Nguồn tin: Tạp chí công thương