Thị trường xăng dầu Việt Nam hiện nay đang vận hành theo Nghị định 83 của Chính phủ từ năm 2014, mục tiêu là từng bước thị trường hóa đưa hoạt động xăng dầu theo cơ chế thị trường đầy đủ,
Thị trường xăng dầu Việt Nam hiện nay đang vận hành theo Nghị định 83 của Chính phủ từ năm 2014, mục tiêu là từng bước thị trường hóa đưa hoạt động xăng dầu theo cơ chế thị trường đầy đủ, khuyến khích doanh nghiệp (DN) kinh doanh xăng dầu. Tuy nhiên, một số quy định đã không còn phù hợp với thực tế. Trong đó, vấn đề công khai, minh bạch về quỹ bình ổn giá xăng dầu đang là những câu chuyện khiến dư luận đặc biệt quan tâm.
Năm 2016, xăng đã có 13 lần tăng giá, tổng cộng gần 6.500 đồng/lít và 9 lần giảm tổng cộng khoảng 5.000 đồng/lít. Chênh lệch giữa các lần tăng giảm, giá xăng tăng 1.500 đồng/lít (cao hơn 10% so với năm 2015). Trong khi đó, giá xăng dầu thế giới năm 2016 lại giảm 11% so với năm trước. Đây là một nghịch lý mà giá xăng dầu trong nước vẫn chưa tuân thủ theo nguyên tắc thị trường. Nguyên nhân được đánh giá do lạm dụng nhiều vào quỹ bình ổn giá xăng, dầu.
Mặt khác, theo Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu, các đầu mối kinh doanh xăng dầu trong nước nắm giữ quỹ bình ổn giá mà không phải là cơ quan quản lý nhà nước. Chính điều này đang khiến dư luận hoài nghi về tính minh bạch trong sử dụng và quản lý quỹ của các DN trong thời gian qua. Dư luận cho rằng quỹ bình ổn giá này nếu để Kho bạc nhà nước quản lý thì có lợi cho người tiêu dùng. Còn DN quản lý thì không biết là có đúng mục đích hay không? Cũng theo đánh giá của các chuyên gia, khi muốn xả quỹ bình ổn thì các DN kêu lỗ, khi lên sàn lại công bố lãi lớn để tăng giá trị cổ phiếu.
Trong bối cảnh ấy, DN thu được lợi nhuận lớn, còn người tiêu dùng thì vẫn phải chi thêm tiền cho quỹ bình ổn dù xăng tăng hay giảm.
Chính vì vậy, các chuyên gia kinh tế cho rằng, quỹ bình ổn giá cần phải được xem xét cụ thể hơn nữa trong Nghị định 83. Có nên giữ và duy trì quỹ bình ổn nữa hay không? Và nếu giữ, thì cần xem xét lại việc trích quỹ và việc nắm giữ quỹ bình ổn này nên để cho cơ quan quản lý nhà nước.
Trước sức ép mở cửa thị trường xăng dầu, việc điều chỉnh công cụ quản lý là rất cần thiết. Có như vậy, thị trường xăng dầu mới tạo được môi trường cạnh tranh, công khai, minh bạch và bảo vệ người tiêu dùng ở mức cao hơn. Ở đây, theo các chuyên gia kinh tế, nên chuyển quỹ bình ổn trả lại cho Kho bạc nhà nước nắm giữ, không để DN quản lý, tránh việc DN lợi dụng để điều chỉnh giá cả xăng dầu, kinh doanh xăng dầu theo kiểu ma trận mà người dân không thể kiểm soát được. Bên cạnh đó cần mở rộng hơn, đa dạng hơn các kênh nhập khẩu cũng như bán lẻ cho cả nhà đầu tư nước ngoài vào tham gia để hình thành một thị trường xăng dầu cạnh tranh như mong đợi. Điều này sẽ giúp lợi ích của người dân được đảm bảo, giúp người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn về giá và sản phẩm. Đồng thời, tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh, không có độc quyền trong kinh doanh mặt hàng thiết yếu, ảnh hưởng đến quyền lợi và lợi ích của người dân.
Nguồn tin: Suckhoedoisong.vn