Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Ứng phó với giá xăng dầu tăng "nóng": Kinh nghiệm thế giới và giải pháp cho Việt Nam

Giá xăng dầu tăng “nóng” đã tạo thêm gánh nặng cho người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh. Vì vậy, cần có giải pháp linh hoạt, phù hợp để ứng phó và hỗ trợ kinh tế phục hồi phát triển.

Hiện nay, giá dầu trên thế giới đang trong giai đoạn biến động mạnh, đặc biệt trước tình hình chiến sự ở Ukraina, quan hệ Mỹ - Trung, khiến nhiều chuyên gia dự báo dầu thô có thể lên đến 100 USD/ thùng mà không có xu hướng giảm. Điều đó chắc chắn sẽ làm tăng thêm chi phí và tác động đến chỉ số giá tiêu dùng, cũng như lạm phát của Việt Nam.

Kinh nghiệm quốc tế nhìn từ Israel

Theo thông tin từ Tổng cục Dự trữ Nhà nước, (Bộ Tài Chính), cơ quan này đã có những chuyến công tác, làm việc, trao đổi kinh nghiệm về quản lý dự trữ quốc gia tại Israel. Quốc gia này sử dụng ngân sách mua toàn bộ xăng dầu đưa vào dự trữ và ký hợp đồng thuê bảo quản với các doanh nghiệp. Toàn bộ bồn bể do Nhà nước mua hoặc thuê. Xăng, dầu dự trữ quốc gia hoàn toàn được để bồn bể riêng, tách bạch với xăng dầu của doanh nghiệp.

Xăng dầu dự trữ quốc gia của Israel thường được lưu kho khoảng 5 năm. Sau thời gian này, nếu không sử dụng vào mục tiêu dự trữ thì được doanh nghiệp được thuê bảo quản xuất bán và chịu trách nhiệm mua đủ số lượng đúng chất lượng hàng dự trữ quốc gia để nhập kho. Định mức hao hụt do bốc hơi sau 5 năm là 0,1 - 0,2 %. Về chất lượng không có thay đổi gì so với chất lượng ban đầu. Vì vậy, giá bán ra tương đương so với xăng dầu mới.

Từ đó có thể thấy, việc ứng phó với các tình trạng khẩn cấp, trong đó, vấn đề bảo đảm đầy đủ lực lượng dự trữ quốc gia luôn được đặt ra ở tầm quan trọng đặc biệt, với những kinh nghiệm về quản lý xăng dầu dự trữ quốc gia như:

Thứ nhất, về kinh nghiệm quản lý xăng dầu dự trữ quốc gia. Việc quản lý trực tiếp được giao cho Bộ chuyên ngành, cơ quan quản lý ký hợp đồng bảo quản với doanh nghiệp xăng dầu; Được để riêng với kho và bồn bể riêng; Toàn bộ hoạt động dự trữ được lập trình và kiểm soát thông qua hệ thống máy tính. Việc quản lý này bảo đảm tính khách quan, liên tục, chính xác, kịp thời đầy đủ và bí mật; Khi sử dụng xăng dầu dự trữ tuân thủ theo kịch bản được xây dựng trước, theo đó có sắp xếp thứ tự ưu tiên về đối tượng, số lượng được sử dụng.

Thứ hai, công tác điều phối, hỗ trợ hàng dự trự như nhập, xuất, vận chuyển, cấp phát ở Israel được cơ quan điều phối, hỗ trợ trực thuộc Bộ Quốc phòng đảm nhiệm. Cơ quan này chỉ huy chung giữa cơ quan quản lý hàng dự trữ, lực lượng vận chuyển, cơ quan tiếp nhận và phân phối đến đối tượng sử dụng. Điều này bảo đảm được sự thống nhất kịp thời, hiệu quả trong việc sử dụng  hàng dự trữ phục vụ ứng phó với các tình trạng khẩn cấp.

Thứ ba, để ứng phó với các tình trạng khẩn cấp, phải tiến hành phân loại và xếp thứ tự các loại thảm họa có thể xảy ra và xây dựng các kịch bản ứng phó với các thảm họa này. Việc xây dựng kịch bản ứng phó bảo đảm cho công tác chuẩn bị được đầy đủ hơn, đảm bảo nhanh chóng và không bị lúng túng.

Thứ tư, về xây dựng cơ sở hạ tầng và thực hiện xã hội hóa hoạt động dự trữ quốc gia, Israel đã đầu tư hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị cho công tác dự trữ quốc gia. Song song với sự đầu tư của Nhà nước, quốc gia này còn thực hiện xã hội hóa hoạt động dự trữ quốc gia rất tốt, như khuyến khích doanh nghiệp, các thành phần kinh tế tham gia.

Việt Nam: Tăng cường dự báo, ứng phó linh hoạt

Có thể thấy, nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu từ bên ngoài, với tỷ lệ chi phí nguyên vật liệu nhập khẩu trong tổng chi phí nguyên vật liệu của toàn nền kinh tế là 37%. Khi giá xăng dầu thế giới tăng sẽ làm tăng giá nguyên vật liệu nhập khẩu và nguyên vật liệu trong nước.

Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, TS. Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cho biết, Việt Nam hiện không có khả năng gì để trợ cấp hoặc tìm cách giảm tác động bằng ngân sách Nhà nước, trong khi tình hình ngân sách Nhà nước đã và đang khó khăn rồi. Vì vậy, chúng ta cần phải tìm những giải pháp khác, mà tối ưu nhất đó là nâng cao hiệu quả ngành vận tải. Nghĩa là tìm cách giảm bớt chi phí về xăng dầu trên một đơn vị vận tải (tấn/kilômét). Để làm được việc này, các cơ quan quản lý thì nên trao đổi với các Hiệp hội vận tải, Hiệp hội doanh nghiệp, thẳng thắn trong việc trợ giúp những ngành, lĩnh vực nào một cách có hiệu quả nhất. Ví dụ, chúng ta có thể tận dụng nhiều hơn nữa vận tải đường sắt, đường thủy và hợp lý hóa các khâu vận tải đường bộ.

“Trong những diễn biến như hiện nay, có rất nhiều doanh nghiệp cần được trợ giúp, dẫn đến việc “chạy chọt” ở các cơ quan quản lý. Muốn tránh xảy ra tình trạng này, chúng ta có thể tổ chức một cuộc tọa đàm với các Hiệp hội, trên cơ sở đó công khai, minh bạch thông tin và Chính phủ sẽ có căn cứ để đưa ra các biện pháp, quyết định phù hợp.

Bên cạnh đó, giải pháp Quỹ bình ổn xăng dầu cũng hay được đề cập, nhưng quỹ này chỉ có thể vận dụng ở một mức độ rất hạn chế, nên cách tốt nhất vẫn là tìm cách tiết kiệm, nâng hiệu quả của lĩnh vực vận tải. Ngoài ra, công tác dự báo, điều hành của Bộ Công Thương cũng cần được thực hiện sát sao để có những phương án linh hoạt, phù hợp ứng phó với tình hình”, TS. Lê Đăng Doanh khuyến nghị.

Cũng theo vị chuyên gia, vừa qua, Chính phủ đã ban hành gói hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế - xã hội năm 2022-2023 trị giá 350.000 tỷ đồng, đây được xem là một gói kích thích khá mạnh để hỗ trợ nền kinh tế nói chung. Nhưng làm sao phải sử dụng gói đó một cách có hiệu quả nhất và đúng mục đích nhất, trong bối cảnh giá xăng dầu tăng “nóng” đã tạo thêm một gánh nặng nữa cho người dân, doanh nghiệp, bên cạnh câu chuyện về dịch bệnh.

Mặt khác, chi phí mà chúng ta phải bỏ ra sẽ nhiều hơn, tác động đến chỉ số giá cả có thể tăng lên. Đó cũng là điều cần phải tính toán, để kiềm chế và giữ cho sự tác động của việc tăng giá xăng dầu vào chỉ số giá tiêu dùng ở mức hợp lý nhất có thể.

“Nền kinh tế luôn có những diễn biến khó lường, ngay như việc giá xăng dầu tăng nóng đã thể hiện sự bất định của kinh tế thế giới. Đối với Việt Nam, xăng dầu là một mặt hàng chiến lược trong sản xuất, lưu thông, an sinh xã hội,... vì thế, chúng ta phải luôn nhạy bén tìm ra giải pháp để thoát khỏi các khó khăn, hạn chế. Thay vì sử dụng nhiều xăng dầu, có thể tăng thêm việc sử dụng than và các nguyên liệu khác, như tăng thêm tỷ lệ năng lượng tái tạo, đó đều là những yếu tố mà chúng ta có thể cố gắng được”, TS. Lê Đăng Doanh nhận định.

Nguồn tin: Tài chính

ĐỌC THÊM