Việt Nam cần thực hiện đồng bộ các giải pháp để thích ứng tốt trong điều kiện giá xăng dầu từ nay đến giai đoạn Tết Nguyên Đán nếu có biến động bất thường.
Nhiều yếu tố thúc đẩy giá dầu neo cao
Yếu tố quan trọng nhất tác động lớn đến giá dầu tăng mạnh trong thời gian gần đây đó là vấn đề về nguồn cung. Hiện nay, nguồn cung đang bị thắt chặt do OPEC+ thực hiện việc cắt giảm sản lượng rất lớn, khoảng hơn 2 triệu thùng một ngày. Riêng Ả Rập Xê Út cắt giảm tự nguyện hơn 1 triệu thùng một ngày. Đồng thời họ đưa ra luồng thông tin là sẽ tiếp tục duy trì mức cắt giảm này cho đến hết năm 2024. Đây là yếu tố chủ chốt tác động đến giá dầu ở mức độ cao trong suốt tháng 9.
Nguồn cung dầu đang bị thắt chặt do OPEC+ thực hiện việc cắt giảm sản lượng rất lớn, khoảng hơn 2 triệu thùng một ngày |
Bên cạnh đó, sản lượng khai thác dầu đã phiến tại Mỹ tiếp tục đi xuống từ tháng 5/2023 đến thời điểm này. Trong giai đoạn tháng 9 vừa rồi, theo số liệu báo cáo của Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA), sản lượng dầu đã phiến của Mỹ đang ở mức gần thấp nhất trong năm và Mỹ thường xuyên giải phóng kho dầu kể cả thương mại lẫn chiến lược.
Dự trữ dầu thô tổng thể của Mỹ bao gồm thương mại và chiến lược khoảng 1 tỷ thùng, trong đó dự trữ chiến lược khoảng 40%. Hiện các số liệu báo cáo cho thấy lượng dầu trong kho dự trữ chiến lược của Mỹ đang thấp hơn khoảng 20 - 30 triệu thùng so với đầu năm.
Đến tháng 10, có một yếu tố nổi cộm đang tiếp tục giữ và tác động khiến giá dầu ở mức cao đó là căng thẳng địa chính trị tại khu vực dải Gaza giữa Israel và Hamas. Việc xung đột này nếu chỉ ở trong phạm vi khu vực đó thì có tác động vừa phải, tuy nhiên thị trường rất lo ngại cuộc chiến sẽ lan rộng, làm cho Trung Đông - vốn dĩ là khu vực có trữ lượng dầu chiếm khoảng 40% của thế giới - sẽ có một cuộc xung đột rất gay gắt, vì thế đẩy giá dầu tăng cao.
Ngoài ra, có các yếu tố khác tiếp tục hỗ trợ giá dầu tăng cao trong tháng 9, tháng 10 đó là sau khi thị trường sản phẩm trong nước của Nga có sự thiếu hụt, ngay lập tức họ ban hành cấm xuất khẩu sản phẩm, làm dấy lên lo ngại nguồn cung sản phẩm dầu mỏ sẽ thiếu hụt.
Đáng chú ý, Mỹ bắt đầu thắt chặt nguồn cung xuất khẩu dầu của Nga ra thị trường, vì Nga hiện đang vướng phải lệnh áp đặt về giá trần xuất khẩu ở mức 60 USD một thùng. Tuy nhiên trong suốt giai đoạn từ đầu năm đến nay, việc xuất khẩu dầu của Nga vẫn được nới lỏng và có những giai đoạn giá dầu của Nga vượt lên rất cao so với giá chuẩn áp đặt. Gần đây nhất, Mỹ đã trừng phạt hai công ty vận chuyển dầu có đơn hàng cao hơn mức chuẩn đó và động thái này là một trong những hành động quan trọng khiến cho giới kinh doanh trên thị trường đều cho rằng nguồn cung có thể sẽ tiếp tục bị thắt chặt hơn nữa.
Tác động toàn cầu
Về tác động của việc giá dầu tăng cao, các thống kê đều chỉ ra, nếu giá dầu thô thế giới tăng khoảng 10% sẽ tạo áp lực khiến lạm phát có thể tăng khoảng 0,4 điểm phần trăm và kinh tế toàn cầu giảm 0,15 điểm phần trăm.
Thực tế khi giá dầu tăng, trước hết là ảnh hưởng đến giá xăng và chi phí lưu thông, cước phí vận tải. Ví dụ, kết thúc tuần 17/10, một tàu trọng tải 100.000 tấn chở dầu thô và sản phẩm từ khu vực Baltic sang Ấn Độ, cước phí của toàn bộ chuyến tàu đó đã tăng lên khoảng gần 8 triệu USD, tăng 50% chỉ trong một tuần.
Cước phí vận chuyển tăng cũng ảnh hưởng đến giá hàng hóa, đặc biệt khi giá dầu thô tăng cao trong suốt giai đoạn tháng 9, tháng 10 đã khiến chỉ số giá tiêu dùng tại các nước như Mỹ, EU, Trung Quốc tăng rất cao. Cụ thể, chúng ta sẽ thấy ngay tại Mỹ và EU, mức tăng CPI trong tháng đã tăng từ 0,3 - 0,5%. Khi CPI tăng sẽ tác động trực tiếp tới sản xuất, đơn cử như chỉ số PMI của Mỹ, EU đã ở mức 49 điểm, thấp hơn mức an toàn.
Thêm vào đó, giá dầu tăng còn tác động trực tiếp đến nhu cầu của các nước, tại Mỹ tháng 9 vừa qua tiêu thụ xăng và các sản phẩm khác giảm 1 triệu thùng một ngày xuống mức tiêu thụ trung bình là 8,33 triệu thùng một ngày (một triệu thùng dầu tương đương với 1% tiêu thụ nhiên liệu của toàn cầu).
Tổng quan chung lại, giá nhiên liệu tăng trong suốt giai đoạn vừa qua tác động rất lớn đến nhu cầu tiêu thụ, đến chỉ số giá tiêu dùng và tác động đến tăng trưởng kinh tế của tất cả các quốc gia, khu vực.
Giải pháp ứng phó
Hầu hầu hết các tổ chức uy tín như EIA, World Bank, McKenzi,... đều có nhận định chung giá dầu thô sẽ dao động trung bình từ 90-91 USD một thùng cho quý 4/2023.
Dưới góc độ của Viện Dầu Khí Việt Nam, chúng tôi có các mô hình học máy áp dụng công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) vào trong dự báo, với những tham số đầu vào dựa trên các yếu tố như nguồn cung, nhu cầu, khả năng tiêu thụ nhiên liệu của các nước trên thế giới,... thì giá dầu thô trong giai đoạn quý 4 năm nay sẽ dao động ở mức 85-90 USD một thùng.
Những nguyên nhân cơ bản để đưa ra kết quả này, ngoài các tham số đầu vào đã xây dựng thì chúng tôi cho rằng: Thứ nhất, nguồn cung dầu thô của thế giới tiếp tục khan hiếm và thắt chặt do việc cắt giảm sản lượng của OPEC và OPEC+.
Thứ hai, căng thẳng và xung đột chính trị tại dải Gaza sẽ không lan rộng ra và việc đó không tạo ra cú sốc về giá dầu quá lớn. Từ nay đến cuối năm, chúng tôi vẫn nhận định bức tranh kinh tế sẽ không có nhiều đột biến và tiếp tục ở trong trạng thái trầm lắng do thời gian còn quá ngắn.
Thứ ba, một thông tin nữa mà chúng tôi cho rằng hợp lý và đã đưa vào trong kết quả mô hình dự báo đó là kế hoạch ngân sách của Ả Rập Xê Út dựa trên mức giá dầu khoảng 83 USD một thùng và mức giá dầu tại thời điểm này là mức giá làm hài lòng họ.
Về giải pháp ứng phó với giá dầu tăng, chúng tôi cho rằng điều căn cơ nhất mà các nước như Mỹ, Trung Quốc đang áp dụng và có hiệu quả đó là họ xuất hàng từ kho dự trữ chiến lược. Trước đó, trong giai đoạn nửa cuối năm 2022 khi giá dầu ở mức lắng dịu vừa phải (khoảng hơn 70 USD một thùng), Mỹ đã liên tục mua vào một lượng dầu rất lớn để lấp đầy các kho dự trữ chiến lược của mình. Tại Trung Quốc cũng mua vào một lượng dầu rất lớn, tăng khoảng 25% lượng nhập khẩu.
Giải pháp khác là họ có các chính sách hỗ trợ phần giá nhiên liệu, tăng cường các phương tiện giao thông công cộng và tiết kiệm năng lượng tại các khu vực công cộng vốn được áp dụng từ rất lâu.
Đối với Việt Nam, theo Tổng cục Thống kê, khi giá xăng dầu tăng 10%, có thể khiến lạm phát tăng khoảng 0,36 điểm phần trăm và GDP có thể giảm 0,5 điểm phần trăm. Chúng tôi cũng căn cứ trên nghiên cứu này để đưa ra các luận điểm và cho rằng, giá xăng dầu tăng 20% có tác động cơ học rất lớn đến chỉ số giá lạm phát và giảm mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Về bản chất hiện nay, xăng dầu chiếm khoảng 35-40% trong chi phí lưu thông, khi giá xăng dầu tăng cao sẽ kéo theo chi phí lưu thông vận chuyển tăng và ảnh hưởng trực tiếp đến giá hàng hóa. Chúng ta đều thấy giá hàng hóa tăng cao đồng pha với giá xăng dầu, là những tác động nhìn thấy trực tiếp.
Theo Nghị định 95/2021 về kinh doanh xăng dầu trước đây, trong phần kết cấu bán lẻ xăng dầu có rất nhiều phần có thể điều chỉnh được, mà hiện nay Chính phủ cũng đang xem xét để điều chỉnh như giảm các phần thuế, phí gồm thuế bảo vệ môi trường, hay điều chỉnh liên quan đến trích lập chi sử dụng Quỹ bình ổn một cách hợp lý hơn.
Đặc biệt, chúng ta cần thực hiện một cách chặt chẽ và tốt hơn nữa chiến lược dự trữ dầu mỏ quốc gia, bài học hiệu quả từ Mỹ đã rất rõ.
Một yếu tố nữa sẽ mất thời gian hơn là áp dụng các công nghệ tiên tiến, tối ưu trong việc tính toán các kho để giúp vận chuyển cung ứng xăng dầu giữa các khu vực, vùng miền được tốt hơn, tránh hiện tượng thừa thiếu cục bộ, giúp đảm bảo lưu thông hàng hóa.
Từ những giải pháp như vậy tôi cho rằng, nếu Việt Nam thực hiện một cách đồng bộ sẽ giúp chúng ta thích ứng rất tốt trong điều kiện thị trường từ nay đến giai đoạn Tết Nguyên Đán Nếu có biến động bất thường về giá xăng dầu.
Nguồn tin: PetroTimes