Trong khi Nga tỏ ra thận trọng hơn với việc ứng phó giá dầu thì dường như Mỹ đang vội vàng khi tiếp tục lắp thêm các giàn khoan.
Nga lên kế hoạch bán dầu với giá 40 USD/thùng
Chính phủ của Tổng thống Putin vừa thiết lập dự thảo ngân sách trong ba năm kế tiếp với giả định bán dầu với giá 40 USD/thùng. Đây là mức giá được xây dựng thấp hơn ngưỡng hiện hành khoảng 10 USD/thùng.
Trong phiên giao dịch ngày 10/10, giá dầu thế giới tăng lên mức cao nhất năm 2016. Tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ WT tăng lên 51,35 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng Bảy năm ngoái.
Tại London, dầu Brent tăng 1,21 USD (2,3%) lên 53,14 USD/thùng. Trước đó có lúc dầu Brent được giao dịch ở mức giá 53,73 USD/thùng, mức cao nhất kể từ 9/11/2015.
Chính phủ của Tổng thống Putin vừa thiết lập dự thảo ngân sách trong ba năm kế tiếp với giả định bán dầu với giá 40 USD/thùng.
Tuyên bố của điện Kremlin được đưa ra nhằm chuẩn bị tinh thần cho trường hợp thỏa thuận cắt giảm sản lượng sơ bộ của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) hồi tháng trước không được thực hiện hoặc không hiệu quả.
Theo nội dụng phiên họp hồi cuối tháng 9 vừa qua tại thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ, OPEC đã lên kế hoạch sẽ cắt giảm sản lượng khoảng 700 nghìn thùng/ngày, đặt mục tiêu tổng sản lượng hàng ngày sẽ chỉ dao động từ 32,5 đến 33 triệu thùng dầu/ngày vào thời điểm cuối tháng 11/2016.
Phát biểu tại diễn đàn tổng thống Putin khẳng định Nga sẵn sàng phối hợp cùng với các nước để tìm ra giải pháp đem lại một tín hiệu tích cực đối với thị trường và các nhà đầu tư.
“Nga sẵn sàng đưa ra các biện pháp cần thiết để hạn chế tăng sản lượng, chúng tôi kêu gọi các nước xuất khẩu dầu khác trên thế giới cũng đồng thuận”, ông Putin nhấn mạnh.
Moskva cũng khẳng định, dù là một nước ngoài Tổ chức OPEC, nhưng nước này sẵn sàng thực hiện các biện pháp hạn chế sản lượng khai thác dầu mỏ, coi đây là cách duy nhất để cân bằng thị trường sau một thời gian dài giá “vàng đen” xuống thấp.
Với vị trí là nước xuất khẩu dầu lớn thứ hai thế giới sau Saudi Arabia, việc Nga chủ động đưa ra những giải pháp nhằm ổn định giá dầu cho thấy sự thận trọng của nước này. Việc này không chỉ giúp Moskva tránh được những thiệt hại không cần thiết mà còn giúp ổn định thị trường dầu mỏ thế giới.
Mỹ vội vàng?
Trái với sự thận trọng của Nga, chính quyền Tổng thống Obama dường như tự tin và thoải mái hơn khi giá dầu đang ở ngưỡng 50 USD/thùng.
Hồi đầu tháng 10 vừa qua, thêm 7 giàn khoan dầu của Mỹ được đưa vào hoạt động. Hiện nay nước này đang có tổng số 415 giàn khoan dầu đang hoạt động.
Trong 15 tuần gần nhất, số lượng giàn khoan dầu tại Mỹ được khởi động đã tăng đến 14 tuần. Tuy nhiên, dù số lượng giàn khoan tăng lên nhưng số liệu xuất khẩu dầu của Mỹ chưa cho thấy biến động gì đáng kể.
Trong khi Nga thận trọng thì Mỹ dường như vội vàng hơn khi đưa thêm các giàn khai thác dầu vào hoạt động
Nhận định về động thái mới này của Mỹ, chuyên gia quản lý quỹ tại Tyche Capital Advisors, ông Tariq Zahir cho rằng đây không phải là tín hiệu tốt cho thị trường dầu mỏ thế giới.
“Sản xuất năng lượng Mỹ lẽ ra nên bình ổn chứ việc mở rộng sản xuất lúc này hoàn toàn không tốt cho giá dầu. Một xu thế mới nhiều khả năng đã bắt đầu. Rủi ro sụt giảm với giá dầu là điều hoàn toàn có thể xảy ra”, ông Tariq Zahirphân tích.
Trong khi đó, , theo nhận định của chuyên gia nghiên cứu về thị trường năng lượng tại quỹ Again Capital, ông John Kilduff, việc cắt giảm sản lượng dầu sẽ giúp thị trường năng lượng có được cú huých quan trọng.
“Thị trường sẽ không chờ đợi lâu, họ cần phải nhìn thấy sản lượng dầu thực sự được giảm, họ cần biết sản lượng đã giảm bao nhiêu. Lần này, Saudi Arabia đã nhượng bộ bởi họ cũng cần giá dầu cao. Tôi dự báo giá dầu sẽ chạm mức 55 USD/thùng không lâu nữa”, ông John Kilduff tuyên bố.
Nguồn tin: Baodatviet